Di chúc có buộc phải công chứng, chứng thực không?

Ông Huỳnh Hải (ngụ xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ) thắc mắc: Những trường hợp nào di chúc bắt buộc phải công chứng?

Về nội dung này, ông Lê Xuân Quý, Chánh văn phòng Sở Tư pháp giải thích: Di chúc là một giấy tờ hợp pháp thể hiện nguyện vọng, mong muốn của một người về cách phân chia tài sản mình có được sau khi chết. Trong di chúc, cá nhân hoặc nhóm người được chỉ định là người thực thi, quản lý tài sản cho đến khi được phân chia hết đúng theo di chúc.

Theo Điều 630, Bộ luật Dân sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì di chúc được coi là hợp pháp khi: người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật; di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc... Như vậy, khi đáp ứng các điều kiện để di chúc hợp pháp như về chủ thể, nội dung và hình thức thì di chúc mới được coi là hợp pháp.

Những trường hợp di chúc bắt buộc phải công chứng, chứng thực là: di chúc của người bị hạn chế về thể chất; di chúc của người không biết chữ; di chúc miệng phải được công chứng, chứng thực trong thời hạn 5 ngày ngay sau khi người để lại di chúc thể hiện ý chí cuối cùng của mình; di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài.

Đoàn Phú (ghi)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202003/di-chuc-co-buoc-phai-cong-chung-chung-thuc-khong-2990855/