DI CHÚC BÁC SÁNG LÒNG TA: Ông Út làm theo lời Bác!

Thấy dân cơm không đủ no, áo mặc không đủ ấm, lòng ông Phùng Minh Út day dứt. Ông nhớ thời đi bộ đội được dân đùm bọc, che chở như con

Căn nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng vắng thuộc ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng luôn tấp nập người ra, kẻ vào. Từ đầu bờ ruộng, tiếng gọi "Ông Út Tài Lẹt ở nhà không" cứ vang lên. Một cụ ông đang chăm sóc vuông tôm gần đó, giải thích: "Các mạnh thường quân và những hội viên trong hội từ thiện của xã tìm ông Út để chuẩn bị đợt trao quà cho học sinh nghèo nhân dịp đầu năm học mới. Mấy chú có đóng góp gì, cứ việc vào gặp ổng là sẽ nhanh đến với địa chỉ cần giúp đỡ thôi".

Trả "nợ" dân

Đang lúi húi bên những bao gạo chuẩn bị mang đi tặng cho bà con nghèo, thấy chúng tôi bước vào, ông Phùng Minh Út (SN 1958) khoác vội cái áo cũ sờn rồi rót trà mời. "Tháng 7 âm lịch, nhiều người tặng gạo cho bà con nghèo nên phải tranh thủ thời gian cho kịp. Xong đợt này là tới quà cho mấy đứa nhỏ tựu trường. Cực nhưng vui lắm chú à" - ông Út thổ lộ.

Đang nói chuyện, trời bất ngờ đổ mưa to. Nhìn ra cánh đồng trắng xóa màn mưa, ông Út bồi hồi kể cơ duyên đưa ông đến với cái "nghiệp" bao đồng này.

Ấy là năm 1972, ông đi bộ đội tại Sóc Trăng. Khi đất nước thống nhất, ông được rút lên công tác ở Quân khu 9, sau đó sang làm nhiệm vụ ở nước bạn Campuchia trước khi về công tác ở quê nhà do cha mẹ già, bản thân ông sức khỏe kém vì nhiễm chất độc hóa học, thương binh 4/4.

Về sống ở xã Gia Hòa 2, ông Út càng thấm thêm nỗi vất vả của người dân. Thấy dân cơm không đủ no, áo không đủ ấm, lòng ông cứ day dứt. Ông nhớ thời gian đi bộ đội, ông và đồng đội được dân đùm bọc, nuôi dưỡng, che chở như con trong gia đình. Nay trở về đời thường, dù sức khỏe hạn chế nhưng vẫn đi lại được, vận động được mạnh thường quân nên ông phải có trách nhiệm báo đáp công ơn đó.

"Công ơn đó tính ra lớn lắm, không thể nào đong đếm được. Trong những năm gian lao kháng chiến, nhân dân dám đứng ra bảo bọc mình. Có đôi khi hũ gạo sắp hết nhưng mẹ vẫn vét hũ đến độ nghe "rột rột" để nấu cơm chiều cho bộ đội ăn, chuẩn bị tối hành quân. Mẹ thịt 2 con gà rồi gắp từng miếng bỏ vào chén cho mỗi đứa. Nhìn cặp mắt mẹ đỏ hoe, chúng tôi hiểu ý bà muốn nói rằng đêm nay không biết đứa nào còn, đứa nào mất. Từ đó, mình mới thấy quý báu các mẹ. Ngày nay, có điều kiện thì mình báo đáp lại, dù một vài ký gạo cũng được, miễn là có tấm lòng" - ông Út tâm sự.

Cơ duyên khiến ông Út "nghiện" làm từ thiện còn xuất phát từ các cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại địa phương. "Bác luôn dạy lá lành đùm lá rách. Xuất phát từ đạo đức của Bác, thấm nhuần đạo đức của Bác nên tôi tự xin đi làm từ thiện. Lúc đó còn công tác ở hội cựu chiến binh của xã vào năm 2016, tôi đề nghị với Đảng ủy, UBND xã cho phép thành lập hội từ thiện để giúp đỡ dân nghèo" - ông Út nhớ lại.

Lúc đầu, còn đương chức Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 2, ông Út đứng ra vận động đồng chí, đồng đội cựu chiến binh, bạn bè thân thuộc ai có nhiều đóng góp nhiều, có ít đóng góp ít để giúp dân nghèo. Từ năm 2016 đến nay, số hộ dân được Hội Từ thiện xã Gia Hòa 2 giúp đỡ luôn tăng lên theo cấp số nhân. Nhà ai tốc mái, bị sập hay có người đau ốm, ma chay, nghèo, cận nghèo đều được hội hỗ trợ gạo từ 50-100 kg.

Không chỉ giúp người dân khó khăn trong xã mà người nghèo ở xã khác đến "gõ cửa" thì hội đều có nguồn sẵn. Trong kho của hội luôn có 1-2 tấn gạo dự trữ để giúp người dân.

Đặc biệt, trong dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, cũng như mọi năm, gia đình ông Út đều tổ chức ngày giỗ Bác Hồ thật ấm cúng, nhằm tưởng nhớ ngày Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; đồng thời là dịp để tri ân, tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc. Ngày giỗ ấy, bà con địa phương và rất nhiều người là lãnh đạo huyện, tỉnh tham gia.

Ông Phùng Minh Út (bìa trái) kể chuyện đi làm thiện nguyện. Ảnh: TRƯỜNG HUY

Ông Phùng Minh Út (bìa trái) kể chuyện đi làm thiện nguyện. Ảnh: TRƯỜNG HUY

Không liêm thì không sạch

Số hội viên của hội từ thiện do ông Út làm hội trưởng lúc đầu chỉ vài người, nay đã 23 người. Có người sau khi được hội hỗ trợ xây nhà tình thương đã tự nguyện gia nhập hội để chung tay giúp đỡ những trường hợp khác. Năm nay, hầu hết cán bộ lãnh đạo của xã Gia Hòa 2 đều đã đóng góp mỗi người từ 50-100 kg gạo để hội có thêm nguồn.

"Tôi cảm thấy rất phấn khởi vì hội mình được lòng tin của dân lẫn lãnh đạo xã. Đấy là động lực giúp anh em trong hội quên nỗi vất vả trong quá trình đi vận động, quên đi những lời ra tiếng vào của vài người có tư tưởng ngờ vực việc làm từ thiện của hội" - giọng ông Út bỗng chùng xuống, rồi ông dẫn chứng lời Bác Hồ: "Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm, chính là một dân tộc giàu vật chất, mạnh tinh thần".

"Nếu mình không liêm thì không thể trong sạch; nếu không chính thì không thể làm được việc tốt, điều thiện, không thể phòng và chống được việc xấu, điều ác. Khi mình đi vận động, cũng có vài người cho rằng họ chỉ muốn đi giúp đỡ trực tiếp, chứ qua hội thì biết có đến tay dân hay không. Lúc đó, mình chỉ biết cười trừ, cho qua chuyện. Ai cũng có quyền suy nghĩ riêng theo cách của mình mà, đâu trách họ được. Miễn sao mình liêm chính thì sẽ không hổ thẹn với lương tâm, với bà con" - ông Út bày tỏ và giải thích biệt danh "Út Tài Lẹt" là do ông đi xin chỗ này, rồi mang đi cho liền chỗ kia nên như thế là lanh, lẹt.

Vợ chồng ông Út có 4 người con, tất cả đã có gia đình và cuộc sống cũng không khá giả gì. Thế nhưng, vợ và các con đều ủng hộ việc làm của ông. Mỗi khi có dư chút gạo, các con đều đóng góp vào quỹ dự trữ của hội. Vợ ông bệnh nặng, nằm một chỗ nhưng vẫn khuyên ông nên tập trung thời gian làm việc thiện, vì bà đã có con cái lo rồi. Cách đây không lâu, ông Út cũng bị tai biến nhưng may qua khỏi, giờ cánh tay hơi yếu nhưng vẫn không bỏ chuyện làm việc thiện.

Nói về ông Út, ông Võ Minh Luân, thành viên Hội Từ thiện xã Gia Hòa 2, tấm tắc: "Ông Út sống rất giản dị, gần gũi với tập thể và với dân khiến anh em cựu chiến binh chúng tôi học hỏi rất nhiều".

Miệt mài làm việc thiện nguyện

Ông Châu Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 2, nhận xét: "Xuất phát từ phẩm chất cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ nên sau khi biết Đảng ban hành nhiều chỉ thị, nhiều cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, ông Út đã tự nguyện xin thành lập hội từ thiện để cùng các thành viên trong hội đi vận động gạo, nhu yếu phẩm, tiền bạc... nhằm giúp đỡ người nghèo. Ông ấy miệt mài làm việc thiện nguyện với tinh thần trách nhiệm và trung thực rất cao nên được đảng bộ và nhân dân tín nhiệm. Đây là một trong những gương sáng để cán bộ, Đảng viên của xã noi theo".

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Vì dân

Di chúc của Bác Hồ đọng lại một cách sâu sắc quan điểm nhất quán của Người là tất cả vì dân. Trong tư tưởng đó, vai trò của quần chúng nhân dân là nội dung rất quan trọng. Với Người, nhân dân chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam khi được tập hợp, đoàn kết thành một khối vững chắc.

Bác trăn trở nhiều đến nông dân, tầng lớp chịu nhiều vất vả làm ra của cải vật chất cho xã hội, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người nhấn mạnh những đóng góp to lớn của nông dân, vai trò của nông dân đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà: Trong bao năm chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ, ra sức góp của, góp người, chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ.

Trong kháng chiến chống Pháp, ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, Bác Hồ nhấn mạnh vai trò của nông dân là rất lớn. Bác không để sót lực lượng nào trong toàn thể nhân dân. Tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vì dân, coi nhân dân là động lực, lực lượng chủ yếu.

50 năm thực hiện Di chúc của Người, Đảng ta đã chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, luôn đề cao mục tiêu tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh. Các chương trình xóa đói giảm nghèo, xóa nghèo bền vững và nông thôn mới đã thực sự làm thay đổi bộ mặt đất nước. Thủ tướng Chính phủ trong những lần phát biểu đều nhấn mạnh "không để ai bị bỏ lại phía sau". Người nghèo luôn được quan tâm để họ từng bước thay đổi cuộc sống. Từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên bảo đảm đủ lương thực và đứng vào nhóm các cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới; được Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Không những thế, theo lời Bác dặn trong Di chúc, Đảng ta luôn chăm lo đời sống của công nhân. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần có chính sách giúp đỡ công nhân vươn lên, đào tạo nguồn nhân lực. Đảng, nhà nước còn có các chính sách về nhà ở cho công nhân, trường học cho con em công nhân tiếp cận văn hóa…

Một nhiệm vụ quan trọng khác là nâng cao, bồi dưỡng trình độ giác ngộ chính trị để công nhân ý thức đầy đủ mình là giai cấp tiên phong. Để được như vậy, tổ chức Đảng, Công đoàn cần thường xuyên đi sâu đi sát, nắm bắt tâm tư, nguyên vọng để hỗ trợ, giúp đỡ cho họ.

"Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh" - lời Bác dạy đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng)

CÔNG TUẤN - TRƯỜNG HUY

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/di-chuc-bac-sang-long-ta-ong-ut-lam-theo-loi-bac-20190827220308905.htm