Đi chùa theo truyền thống thế nào để không sa đà thành mê tín dị đoan?

Nên đi chùa theo tinh thần vô cầu, không cầu danh lợi, mà để tín tâm được thanh tịnh, mong sự an bình, nhẹ nhàng đầu óc, giải thoát sự bộn tạp trong đời sống.

Đi lễ đầu năm, vãn cảnh chùa đầu xuân là một nét đẹp văn hóa của ta từ trước đến nay để hướng đến chân thiện mĩ. Nhưng hiện nay việc này đã ít nhiều bị biến tướng, nhiều nơi lợi dụng tâm linh để kiếm lời, thúc đẩy mê tín dị đoan để thu lời. Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn - chuyên gia Phật giáo, phong tục, tập quán, tín ngưỡng Viện Hán Nôm - có nhiều vấn đề phía sau, đôi khi liên quan đến nhiều thứ xã hội, kinh tế, văn hóa.

Đi lễ hội là văn hóa, nhưng thúc đẩy mê tín rõ ràng là có tính chất lợi ích, chứ không còn trong văn hóa Phật giáo nữa. Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn cho rằng, sự tiếp biến văn hóa, tương thích và phát triển, đẩy xã hội văn minh lên đã bị những biến tướng mang hình thức mê tín dị đoan, lợi ích nhóm đẩy người ta thêm u mê. Vì vậy, các cơ quan ban ngành, đặc biệt Giáo hội Phật giáo cần có chấn chỉnh. Bởi không sớm thì muộn, các nếp văn hóa văn minh, sự minh bạch tín ngưỡng và tôn giáo cũng dần dần được thiết lập.

Đi chùa đầu xuân là văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Đi chùa đầu xuân là văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Hiện nay rất nhiều các khu tâm linh được xây dựng lên nhưng chùa chỉ chiếm một phần diện tích trong khu đất và kèm theo đó là các khu đón tiếp, khách sạn, biệt thự thậm chí cả casino. Nhiều khi chùa còn chưa được xây xong, mới toanh, dân đã kéo đến cúng bái. Cách sinh hoạt văn hóa tâm linh như thế này liệu nó có đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng cho người dân không? Vì sao nguồn tiền được đầu tư vào tâm linh càng ngày càng nhiều? Xây dựng các khu tâm linh hoành tráng, xin các chứng nhận kỷ lục thế giới... trái ngược với truyền thống văn hóa nhà Phật để làm gì?... là các câu hỏi mà giới nghiên cứu và người dân luôn đặt ra.

Đi chùa không chỉ ngày xuân, mà đi chùa quanh năm là văn hóa truyền thống của người dân.

Mấy năm gần đây, các vấn đề mê tín dị đoan, cúng bái, đốt vàng mã... thái quá được các cơ quan ban ngành, thậm chí Giáo hội Phật giáo có công văn khuyến cáo đến người dân, nhưng dường như bịt chỗ này thì vỡ chỗ kia. Nhiều vấn đề, rõ ràng là phản cảm, xã hội phản ánh, thấy không hợp lí nhưng vẫn tồn tại.

Hoạt động văn hóa tín ngưỡng chùa chiền như thế nào để giữ được nét đẹp văn hóa của Việt Nam mà không sa đà thành mê tín dị đoan? Nếu mong cầu những điều tốt đẹp thì mọi người nên làm gì thì đúng với tín ngưỡng, phong tục dân gian? Đây là điều mà bất cứ người dân nào cũng mong muốn, nhưng để làm được không phải dễ vì sự hiểu biết chưa thấu đáo cùng với tâm lý đám đông, thấy người khác làm thì mình cũng làm theo mới yên tâm được.

Đi chùa theo tinh thần vô cầu, để tín tâm được thanh tịnh, mong sự an bình, nhẹ nhàng đầu óc, giải thoát sự bộn tạp trong đời sống.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn đã nhiều năm nghiên cứu về vấn đề phong tục tâp quán tín ngưỡng cho biết: Đi chùa đầu xuân là văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đi chùa, không chỉ ngày xuân, mà quanh năm, đặc biệt ngày rằm mùng 1, dân ta vẫn có truyền thống đến chùa, thắp nén nhang, dâng đĩa quả. Đây là văn hóa truyền thống tồn tại hàng mấy trăm năm qua, được thư tịch, nhiều sách vở ghi lại, cũng phù hợp văn hóa truyền thống, điều kiện kinh tế nông nghiệp làng xã, chùa chiền trong làng xã. Nên đi chùa theo tinh thần đó, tinh thần vô cầu, không cầu danh lợi, mà để tín tâm được thanh tịnh, mong sự an bình, nhẹ nhàng đầu óc, giải thoát sự bộn tạp trong đời sống thường nhật bởi kinh tế, xã hội, bởi gia đình. Người ta đến chùa tự nhiên, như nhiên, vô cầu ở Phật cái gì, tự cầu ở bản thân sự thanh tịnh mà thôi!

Hà Thúy Phương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/di-chua-theo-truyen-thong-the-nao-de-khong-sa-da-thanh-me-tin-di-doan-957420.html