Đi chùa đầu năm: Cầu nguyện hoàn toàn khác với cầu xin!

Hình ảnh người người thi nhau dùng tay chà tiền lên chùa đồng Yên Tử được du khách quay lại rồi post lên mạng ai xem cũng thấy phản cảm. Chúng ta hãy tự hỏi mình có bao giờ hành động như thế vì nỗi u mê vào chốn linh thiêng mà không có kiến thức hay hiểu biết về ý nghĩa của việc đến chùa, đền?

Đi lễ đền chùa đừng hối lộ Thần - Phật. Ảnh: HN

Đi lễ đền chùa đừng hối lộ Thần - Phật. Ảnh: HN

Cầu nguyện khác với cầu xin

Đầu năm đi lễ chùa, có nhiều người còn đi chùa ngay trong đêm giao thừa. Theo Thượng tọa Thích Quảng Tánh (Cố vấn Biên tập Báo Giác Ngộ), đi lễ chùa đầu năm là một nét văn hóa tốt đẹp đầu xuân năm mới.

Người đi lễ chùa cần phải giữ tâm mình thanh tịnh. Kết thúc năm cũ, đầu năm mới trong mỗi người đều có những mong muốn và kế hoạch trong năm mới.

Chùa chiền là nơi linh thiêng, mọi người nên hướng lòng mình đến những điều tốt đẹp. Thượng tọa Thích Quảng Tánh cho rằng: “Chúng ta cần phải hiểu cầu nguyện và cầu xin là hai từ hoàn toàn khác nhau. Cầu nguyện là khi trong ta có những kế hoạch, những mơ ước, những nguyện ước tốt đẹp rằng năm mới chúng ta phải làm được điều đó. Đứng trước Tam Bảo, trước tượng Phật chúng ta thành kính nói lên ước nguyện của mình để mong có thêm động lực và sức mạnh để hành động. Ví dụ một người có những dự án kinh doanh hay một kế hoạch nào đó trong cuộc sống, học tập, công việc muốn đạt được trong năm nay, họ chắp đứng ở nơi linh thiêng thầm nói ra điều đó mong rằng có Phật chứng giám và bản thân mình có thêm quyết tâm để nỗ lực để thực hiện. Nếu cầu nguyện như vậy thì rất tốt.”

Đơn giản có những người chỉ nguyện ước bỏ được những thói xấu của năm cũ. Có người cầu nguyện năm mới dồi dào sức khỏe, bằng cách phát nguyện trước Tam bảo là năm nay sẽ cố gắng rèn luyện, ăn uống đảm bảo, bớt uống rượu, sống lành mạnh, từ đó sức khỏe được củng cố. Chứ không thể chỉ cầu nguyện suông, không hành động tốt mà tự dưng thần, Phật mang đến cho mình những kết quả tốt.

Theo Thượng tọa Thích Quảng Tánh: “Đến chùa để cầu xin, xin cả những việc bất thiện thì không Phật nào chứng cho họ được. Đạo Phật quan niệm mọi hành động của chúng ta làm thì chúng ta tự chịu, không có ai chịu thay chúng ta được. Làm tốt thì sẽ có kết quả tốt, còn làm sai thì sẽ phải chịu hậu quả. Phật không phải là đứng siêu nhiên để ban phát cả những mong ước vô lý, thậm chí là bất thiện của chúng sinh.”

Đừng "hối lộ" Thần - Phật

Cách đi lễ chùa của nhiều người ngày nay có những vấn đề đáng phải bàn. Người ta nghĩ rằng đến đó cứ xin xỏ van vái là Thần, Phật ban cho mình như ý nguyện. Kẻ cầu danh, người cầu lợi.

Người ta “hối lộ” Thần, Phật bằng cách đặt tiền và tay tượng, thậm chí đút cả vào miệng tượng, người ta hóa vàng trong chùa. càng nhét nhiều tiền thì càng phản văn hóa. Có nhiều người thoa tay vào tượng, lấy khăn chà lên tượng, lên chuông, lên khánh rồi lại lau vào mặt để lấy “hên”. Những hành động đó đi ngược lại với sự hiểu biết và văn hóa tâm linh...

Đầu năm đến chùa lễ Phật, hoặc đến đình lạy Thánh, với mong muốn khởi đầu năm mới được an lành, suôn sẻ là một thói quen của người Việt. Họ tin rằng đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những ngày tháng vất vả mưu sinh....

Việc nhét tiền thật hay tiền vàng mã, thắp nhiều hương trong chùa là không đúng với tinh thần Phật Giáo. Khi đi lễ đầu năm, muốn công đức hay có thành tâm xây dựng chùa thì nên đến gặp những người có trách nhiệm trong chùa để công đức hoặc bỏ vào hòm công đức, không nên để tiền lên bàn thờ hay lên tượng Phật.

Theo các tu sĩ Phật giáo thì Phật không nhận được những đồ ăn, thức uống hay tiền bạc mà chúng sinh cúng. Kính Phật không phải bằng hành động cúng bái mà là làm theo những điều Phật dạy “làm lành, lánh dữ”.

Đi lễ chùa mỗi người cần ăn mặc kín đáo, đi đứng phải có ý thức, giữ gìn vệ sinh xung quanh, phải giữ khoảng cách và tôn kính những bậc tu hành. Không đứng xoay lưng vào tam bảo hay tượng Phật hoặc các nhà sư.

Khi đi qua các ban mình chỉ cần chắp tay lặng lẽ cầu nguyện trong tâm là đủ. Trang phục khi vào chùa không được hở hang, cần kín đáo lịch sự.

Nếu đi vãn cảnh thì bạn chỉ cần đi quanh chùa với sự lặng lẽ quan sát thân tâm với ý nghĩ thiện lành thì không lễ bái cũng không thần phật nào trừng phạt mình cả. Nếu mỗi cá nhân ý thức được hành động, làm chủ được hành động của mình thì dần dần sẽ hình thành văn hóa lễ chùa, lễ thánh.

PV

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/di-chua-dau-nam-cau-nguyen-hoan-toan-khac-voi-cau-xin-post290471.info