Đi chợ nào 'bán rủi, mua may' ngày đầu năm?

Những phiên chợ này chỉ họp những ngày đầu năm mới. Người đến chợ với mong muốn mua may mắn cho cả năm.

Phiên chợ Giải, ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). (Ảnh: Vov.vn)

Phiên chợ Giải, ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). (Ảnh: Vov.vn)

Chợ Giải – Hải Phòng

Phiên Chợ Giải mỗi năm chỉ họp một phiên vào sáng sớm mùng 2 tết Nguyên đán tại sân đình thôn Hà Đới (xã Tiên Thanh Tiên Lãng, Hải Phòng). Tên chợ là Chợ Giải còn hàm ý là giải những khó khăn, lo lắng, những ưu tư, sầu muộn của con người.

Mặt hàng ở phiên chợ chỉ là những đồ đơn giản, chủ yếu là chào nhau đầu năm mới.

Phiên Chợ Giải có nét giống với chợ Viềng-Nam Định ở chỗ người dân đi chợ là để cầu may, mua hàng hóa nhưng không câu nệ giá cả.

Chợ Viềng - Nam Định. (Ảnh: internet)

Chợ Viềng – Nam Định

Chợ Viềng là một trong những phiên chợ nổi tiếng tại miền Bắc. Phiên chợ độc đáo này được họp đêm mùng 7, ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại huyện Nam Trực và Vụ Bản với quan niệm “bán rủi, mua may” cho năm mới đầy may mắn và bình an.

Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: cây trồng để lấy gỗ, hoa, cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt và các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông…

Bất cứ ai đã đặt chân đến chợ đều không đặt nặng vấn đề lời lãi, người bán không nói thách quá cao, người mua không mặc cả quá lời bởi quan niệm những nỗi “băn khoăn” về giá cả sẽ làm mất đi tính tâm linh của phiên chợ này.

Người đi chợ phải lặn lội từ đêm để đến chợ và cố gắng mua một thứ hàng nào đó trong chợ với mong muốn bán đi những điều rủi ro và mua về những điều may mắn, cả năm làm ăn hanh thông và thuận lợi.

Chợ Gia Lạc - Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Dân Trí)

Chợ Gia Lạc – Thừa Thiên Huế

Chợ Gia Lạc được họp sáng mùng 1 đến mùng 3 Tết và chỉ mở vào buổi sáng. Chợ chỉ họp bên đường để tiện buôn bán, trao đổi hàng hóa với khách hàng.

Phiên chợ này được lập ra dưới thời vua Minh Mạng vào Tết Nguyên đán năm 1826 để những người trong phủ họp mặt, giao lưu và hơn nữa cũng tạo điều kiện để người dân xung quanh đến để trao đổi, mua bán và tổ chức các hoạt động, trò chơi dân gian đón Tết.

Hàng hóa tại đây cũng rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, cau trầu là mặt hàng được ưa chuộng nhất bởi mua cau trầu đầu năm đã trở thành một phong tục của người dân Cố đô từ xưa.

Chợ Âm Dương - Bắc Giang. (Ảnh: Dân Trí)

Chợ Âm Dương – Bắc Giang

Phiên chợ độc đáo này tại Cao Thượng (huyện Tân Yên). mỗi năm họp 1 phiên với ý nghĩa cầu an, cầu Phúc. Chợ họp hôm mùng 2 Tết, khi trời còn chạng vạng, và đến sáng thì chợ tan.

Chợ họp ngay tại sân đình, các loại hàng hóa chính là rau cần, cá tươi, bún bánh. Người mua bán đều vui vẻ, bán không nói thách, mua không mặc cả.

An An (Tổng hợp)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/di-cho-nao-ban-rui-mua-may-ngay-dau-nam-d244506.html