Đi chợ Dào San

Từ bao đời nay, chợ phiên đã trở thành nét đặc trưng của người vùng cao. Chợ không chỉ là địa điểm để buôn bán, trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi gặp gỡ, chuyện trò, tìm hiểu kết duyên. Trên độ cao 1.800m của đỉnh Chùng Sủa Sằn có một phiên chợ họp vào chủ nhật hằng tuần với đầy đủ những ý nghĩa trên. Đó là chợ phiên ở trung tâm xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Người phụ nữ dân tộc Dao đỏ rất hứng thú khi mua được món hàng ưng ý.

Từ thành phố Lai Châu lên chợ Dào San khoảng 50 cây số. Quãng đường không xa, nhưng có một sự thay đổi thời tiết đến choáng ngợp. Ở thành phố là cái nắng hè chói chang, đổ lửa, nhưng khi đến Dào San, thì trời chuyển mát mẻ, dễ chịu vô cùng, thậm chí còn se lạnh khi về đêm. Tiết trời đó như ủng hộ những người đến chợ để rồi cùng nhau trao đổi, chuyện trò, hò hẹn đến hết ngày, sau cả tuần chờ đợi. Chợ Dào San là trung tâm buôn bán, giao thương, gặp gỡ của đồng bào 8 xã vùng cánh cung biên giới phía Bắc huyện Phong Thổ.

Từ tờ mờ sáng, trên các nẻo đường ẩn hiện trong sương và mây mù của các bản Mông, Thái, Dao, Hà Nhì... đã rậm rịch tiếng chân người, tiếng ngựa thồ, tiếng xe máy. Người ta tíu tít nói cười, í ới gọi nhau cùng xuống chợ phiên. Những sản vật theo đồng bào xuống chợ mang đậm hương vị núi rừng. Đấy là những gùi nếp hương, giọ mận, giọ đào; mật ong thơm ngậy, măng đắng, thảo quả hay những thẻ hương bán cúng rằm, những chiếc vòng đồng nhỏ xinh với quan niệm tránh ma tà, quỷ dữ... Cái sự mua bán ở đây cũng thật giản đơn. Người bán nói giá bao nhiêu, nếu người mua ưng bụng sẽ trả bấy nhiêu, không mặc cả. Cả chợ hiếm thấy một cái cân, bởi đơn vị cân đong ở đây được tính bằng con, bằng cái, bằng mớ. Mỗi dân tộc có tiếng nói riêng, nhưng dường như họ nhìn nhau đã hiểu cái bụng nhau nghĩ gì.

Ngay từ chiều hôm trước, phụ nữ các dân tộc đã chuẩn bị váy áo cho phiên chợ sớm mai. Từ những việc trọng đại như sắm đồ đón Tết, đồ cưới, làm lý, hay đơn giản chỉ là mua vài cuộn sợi, chút ít thực phẩm cho cả tuần. Nhưng váy áo đi chợ nhất thiết là phải đẹp, bởi đi chợ còn là đi chơi. Cũng có thể chẳng mua thứ gì, nhưng với họ, vượt qua cả mấy quả núi, mấy con khe để được gặp nhau, trò chuyện là đã vui lắm rồi.

Từng dòng người với váy áo sặc sỡ xuống núi rồi hòa vào nhau tại phiên chợ. Có sắc đỏ cam rực rỡ đặc trưng của các cô gái người Dao; có sắc trắng đen trên những nếp váy bồng bềnh nhún theo từng bước của các thiếu nữ người Mông; người Hà Nhì thì mặc váy xanh dịu mát, đội vành khăn với những chùm hoa đỏ rủ dài... Tất cả tạo nên một bức tranh đa màu, sống động, một khung cảnh đặc trưng cuốn hút bất kỳ du khách nào trước nét đẹp của văn hóa Tây Bắc.

Chị Lý Thị Mai, dân tộc Mông ở xã Bản Lang quả quyết với tôi rằng, không tuần nào là chị không lên chợ Dào San, dù quãng đường dài hơn 20 cây số. Hôm nay, chị địu đứa út cùng chồng đến chợ để sắm đồ hồi môn cho con gái lớn về nhà chồng. Chỉ là chồng bát, bó đũa, cặp nồi mới, đơn giản vậy thôi, nhưng đây là những đồ dùng "nhen" lên hạnh phúc của cặp vợ chồng. Đứa bé khoảng 3 tuổi cầm xiên thịt nướng nóng hổi bố mua, vẻ hào hứng, ngạc nhiên khi nhìn thấy chợ nhiều người đến vậy. Nó liên tục quay đi quay lại, tập trung ánh nhìn vào đám thanh niên người Mông đang hát múa, miệng ê a tiếng Mông.

Dẫn tôi đi thăm chợ là Thiếu úy Tạ Quang Linh, cán bộ kiểm soát của Đồn BP Dào San. Anh Linh có nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại mỗi phiên chợ. Anh bảo: "Đồng bào trên này chất phác, thật thà lắm. Hầu như không xảy ra hiện tượng lừa đảo, mua gian bán lận. Phiên chợ Dào San còn có cả người Trung Quốc sang giao thương, người Kinh dưới thành phố, thị trấn Mường So lên buôn bán quần áo, những mặt hàng điện tử. Bà con bây giờ cũng "hiện đại" lên nhiều rồi". Quả thực, trước kia, họ ôm con gà, con lợn, mớ rau xuống chợ chỉ để đổi lấy đôi dép tổ ong, vòng tay, chỉ màu... thì bây giờ bán lấy tiền để mua điện thoại. Những sạp hàng điện thoại rất đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã luôn được bà con quan tâm. Có điện thoại, chỉ cầm bấm vài cái là nói chuyện được với người cách xa cả trăm cây số, lại nghe được bản tin tiếng dân tộc mình qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà con phấn khởi lắm.

Cái đặc biệt trong chợ phiên này là Đồn BP Dào San thực hiện chương trình phát thanh bằng nhiều thứ tiếng: Kinh, Mông, Dao, Hà Nhì. Bản tin được phát đều đặn vào mỗi phiên chợ từ năm 2008 đến nay. Thiếu tá Vàng A Lầu, Chính trị viên Đồn BP Dào San cho biết: "Nội dung phát của đài gồm: Người tốt, việc tốt; hướng dẫn đồng bào làm mô hình kinh tế địa phương, một số chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn chấp hành Luật An toàn giao thông... Ngày đầu bà con còn bỡ ngỡ, nhưng bây giờ đài phát thanh đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với đồng bào nơi đây".

Chợ có tự bao giờ, khó ai có thể nói chính xác được, nhưng với người Mông, Dao, Hà Nhì ở vùng này, chợ phiên Dào San quan trọng lắm! Trong phiên chợ còn có những ánh mắt thẹn thùng, đôi má ửng đỏ của các cô thiếu nữ trước những câu hát đối ngẫu hứng, vài điệu khèn của chàng trai.

Chiều xuống, chợ tan, nhưng ai nấy đều bịn rịn, lưu luyến. Những niềm vui, hẹn ước được nhóm lên từ phiên chợ. Để rồi, họ lại háo hức đợi đến phiên chợ sau.

Hồng Vân

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/di-cho-dao-san/