Đi cấy

Tôi lớn dần lên từ những nhánh mạ mỏng manh, những bài học về cây lúa và những nhọc nhằn neo đậu trên vai bố, mẹ.

Làm việc trên thành phố, tối hôm nọ, tôi nhận được điện thoại thông báo bố bị trượt chân, ngã xuống mương phải bó bột khi đang tát nước vào ruộng để chuẩn bị cấy lúa. Bần thần trong giây lát, tôi thương bố mồ hôi ướt đẫm lưng áo, cực khổ với ruộng đồng quanh năm suốt tháng để nuôi chị em tôi lớn khôn.

Tôi đã từng ước lớn thật nhanh để đi làm kiếm tiền giúp bố mẹ. Nghe tôi nói thế, bố cười và nói: “Thương bố mẹ thì phải nỗ lực nhiều hơn để thoát nghèo, để cuộc đời không phải vất vả như bố mẹ”. Nghe lời bố, tôi lao vào học, để rồi ngày ra Hà Nội học đại học, tôi thẫn thờ đứng nhìn cánh đồng quê xanh biếc, mênh mông, chợt thấy yêu biết mấy mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn mình. Để những khi ăn một hạt cơm, tôi biết cúi mình trước những con người đã làm nên hạt lúa.

2 ngày nghỉ cuối tuần, tôi về thay bố, giúp mẹ làm nốt công việc ngày mùa dang dở. Con đường trải nhựa nóng bỏng chân, những đụn khói rơm tỏa lên từ mái ngói của ngôi nhà đầu làng. Cảnh quê vẫn thế, sao bỗng thấy tuổi thơ mình qua nhanh. Còn đâu những ngày theo bố đi cày ruộng. Bố đánh trâu cày trên thửa ruộng mênh mông nước, còn tôi ngồi trên bờ thích thú nhìn con trâu ngoan ngoãn đi theo lời bố.

Buổi sáng hôm ấy, khi cả nhà còn đang yên giấc, gà cũng chưa buồn gáy, vừa trở mình đã thấy bóng mẹ quẩy gánh mạ đi ra ngõ, vẳng lại tiếng giục trâu, tiếng í ới gọi nhau ra đồng, tiếng gà gáy sáng.

Lật đật ra tới ruộng khi mặt trời vừa ló rạng, cánh đồng lấp loáng trong nước với những khoảng xanh như những ô bàn cờ to, nhỏ. Những bó mạ được rải khắp nơi. Bước xuống đồng, chân lành lạnh, mùi bùn bốc lên tanh nồng. Già trẻ, gái trai, ai nấy đưa tay thoang thoáng khua trên mặt nước. Nhiều năm đi học rồi đi làm xa quê, giờ tốc độ cấy của tôi đã chậm hơn trước nhiều. Mẹ cười dịu dàng: “Cấy nhiều, tay sẽ quen ngay thôi”.

Ngày xưa, mỗi khi đến vụ mùa, cả nhà tôi tập trung cấy lúa thật sớm cho hết cánh đồng nhà, để còn đi cấy thuê cho người ta. Đi học về, tôi chỉ kịp ăn cơm rồi lại ra đồng cấy lúa. Mẹ giao cho tôi cấy 4, 5 cây lúa hàng ngang cùng mẹ, tôi cấy vụng về nên cây lúa không thẳng hàng, mẹ phải nhắc suốt. Mẹ dạy tôi cách chia mạ để cấy, mạ phải chia vừa tay, 2, 3 cây mỗi lần cắm để cây lúa được nở đều, khi cấy không được cấy quá sâu vì mạ sẽ không nở, quá nông thì mạ sẽ nổi lên.

Khoảng hơn 8h sáng, em gái tôi mang rổ khoai lang luộc và chai nước mát ra đồng. Từ xa, nó đã gọi mẹ và các cô, dì... nghỉ tay ăn “buổi thì”. Thấy bóng cô gái nhỏ, mẹ cười vui, mồ hôi nhỏ giọt rơi xuống. Lúc các mẹ nghỉ tay ăn khoai, uống nước, lũ trẻ cũng tranh thủ chạy nhảy nô đùa trên cánh đồng. Dù đã sống gần 30 năm ở dải đất miền Trung này, tôi vẫn không thôi ám ảnh cái nắng hầm hập luôn xấp xỉ 40 độ trong mùa cấy. Chốc chốc tôi lại phải chạy lên bờ “núp” bên hông xe mạ tránh nóng. Mẹ thì khác, tay vẫn thoăn thoắt “mổ” lúa xuống bùn non, mặc cái nắng, cái gió táp vào da, thịt. Bữa cơm mùa cấy diễn ra vội vã bên bờ ruộng với bát cơm nguội và cá kho chan đầy những giọt mồ hôi, dậy mùi bùn đất.

Mùa cấy không kéo dài, chỉ khoảng 10, 15 ngày là xong. Vì thế, hết tuần trăng tròn mà vẫn chưa cấy xong, người dân quê tôi lại rủ nhau đeo đèn pin trên đầu đi cấy.

“Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần...”. Bao nhiêu hy vọng của người gửi gắm vào cây lúa. Mong ông trời đừng phụ công người cấy hái, mỗi cây mạ cấy xuống là một lần được tái sinh để mang tới ấm no và hạnh phúc cho mỗi gia đình.

Bài và ảnh: Đại nghĩa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/di-cay/103207.htm