Đi buôn...

'Ôi, chị 'đi buôn' thật á? Chị nghĩ kỹ chưa, người làm công việc liên quan đến con chữ mà đi mời chào bán hàng chị không ngại à?'. Câu hỏi dồn dập và thẳng thắn của một bạn đồng nghiệp trẻ khiến chị hơi 'chạnh lòng'. Chẳng lẽ, 'đi buôn' là công việc không tốt?

Cụm từ “con buôn”, “phe phẩy” thường để lại ấn tượng không được “đẹp” trong tâm trí nhiều người đã từng trải qua thời bao cấp. Còn nhớ ngày ấy, những người không có công ăn việc làm trong cơ quan Nhà nước sẽ không được hưởng “chế độ” như gạo, mỳ, tem phiếu cung cấp các vật dụng thiết yếu. Họ thường chọn cách buôn bán đủ thứ để kiếm sống. Đơn giản nhất là “buôn” chỗ xếp hàng trước các cửa hàng mậu dịch.

Sáng mùa đông lạnh giá, mới tờ mờ đất họ đã phải đi xếp chỗ ở các cửa hàng bán các thứ nhu yếu phẩm, sau đó bán lại chỗ cho những người đến muộn. Tem phiếu, sổ đong gạo cũng là những thứ họ sẵn sàng buôn đi bán lại kiếm chút tiền lời. Thậm chí, có chục trứng gà thôi, chỉ buôn từ đầu chợ đến cuối chợ họ cũng đã “có lãi” rồi. Cao hơn nữa, họ có thể buôn bán, môi giới đủ các loại mặt hàng, miễn là có thu nhập.

Ảnh minh họa

Một đặc điểm chung của những người làm công việc này là họ rất sắc sảo, nhanh nhẹn và khéo nói. Cũng không phủ nhận là có nhiều người đã bị họ “ăn chặn” giá chênh lệch khá trắng trợn nên quan niệm về giới “con buôn” thường không tốt. Trong định kiến của một số người, cứ dính đến “buôn bán” là không trung thực, kiếm tiền bằng những lời xảo ngôn, nói dối. Nhưng chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật, không phải “con buôn” nào cũng là người xảo trá và nhờ có họ mà hàng hóa cũng như đồng tiền được lưu thông một cách dễ dàng hơn.

Thời gian đã khiến xã hội nhìn nhận lại về những con người làm công việc “lấy ở chỗ cần bán đưa đến cho người cần dùng”. Giờ đây, cụm từ “con buôn” đã được thay đổi bởi những danh xưng như: “nhà kinh doanh”, “nhà đầu tư”, “doanh nhân”... Âu cũng chỉ là quan niệm đã được thay đổi mà thôi...

Kinh doanh trực tuyến đã trở nên phổ biến dựa trên nhu cầu thực tế của xã hội trong thời đại mạng internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Số lượng các cửa hàng trực tuyến tăng lên nhanh chóng bởi những ưu thế vượt trội. Chi phí mặt bằng, tiền điện nước, tiền nhân viên luôn là bài toán khó cho những người mới lập nghiệp mà hạn hẹp về vốn.

Một trong những ưu điểm nổi bật của bán hàng trực tuyến, đó là bạn không phải đau đầu trong việc đi tìm thuê cửa hàng. Việc kinh doanh trên mạng không giới hạn thời gian và không gian, tạo ra mối giao tiếp rộng rãi, thân thiện giữa chủ cửa hàng và khách hàng. Người mua không cần phải “lặn lội” đến tận cửa hàng để xem hàng và người bán có thể chuyển hàng tới tất cả các địa chỉ của khách một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, để thành công trong việc bán hàng trực tuyến cũng cần rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và bí quyết riêng của mỗi chủ cửa hàng. Bạn nên nhớ, khách hàng có thể dễ dàng so sánh giá cả, chất lượng mặt hàng của bạn với các cửa hàng khác. Ta hãy học cách chấp nhận những câu hỏi nghi ngờ về chất lượng sản phẩm từ chính người quen của mình.

Cuộc sống vốn nhiều biến động, nếu bạn là một người đang có công việc ổn định, bỗng dưng làm thêm bằng cách bán hàng trực tuyến, bạn sẽ phải xử lý khá nhiều các vấn đề liên quan đến những mối quan hệ xã hội một cách khéo léo, linh hoạt. Đôi khi, bạn sẽ chạnh buồn vì đối diện với các định kiến về giới “con buôn”.

Đừng ngại ngần, hãy bình tĩnh “đi buôn” theo cách riêng, miễn sao chúng ta kiếm tiền “sạch” bằng chính sức lao động của mình!

Vy Anh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/di-buon-107543.html