'Dị biệt thẩm mỹ' khi 'nhồng nhộng' với sen...

Chỉ trong mấy ngày, hình ảnh một cô gái trẻ trần truồng, ngâm mình dưới đầm sen, tạo dáng phản cảm để có những bức hình 'đu trend' đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Nhưng chưa hết, đến ngày hôm qua, không chỉ là thiếu nữ mà còn cả những người phụ nữ, đàn ông trung niên cũng tìm cách… nhồng nhộng chụp hình với sen - một biểu tượng cao đẹp đồng thời cũng được coi là “quốc hoa” của đất nước ngàn năm văn hiến.

Chịu hết nổi rồi”

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Văn Kính, một chuyên gia dành cả cuộc đời nghiên cứu về sen và hoa sen trong văn hóa dân gian khi xem những bức hình về 3 người đàn ông trung niên đang khỏa thân ngâm chân dưới đầm sen rồi tạo dáng ưỡn ẹo, lấy lá sen để che đậy "chỗ đó" rồi cười nhăn nhở, ông chỉ biết lắc đầu chán nản.

” Hàng ngàn năm nay, sen là biểu tượng của sự cao quý, tinh khiết, gần bùn mà không hôi tanh mùi bùn. Dù chưa được đưa chính thức là quốc hoa nhưng những gì mà người dân Việt Nam dành cho sen mang nhiều ý nghĩa”.

“Cứ như giữa trưa hè đi. Dưới chân bỏng rát và trên đầu chói chang, nhưng nếu ta đi qua một hồ sen, đầm sen thì hương sen, cái mát của nước dưới hồ sẽ làm người ta dịu đi rất nhiều”.

“Thiếu nữ trần như nhộng chụp giữa một đầm sen thanh ngát đã đáng lên án vì nó không phải nghệ thuật, nó là sự phản cảm. Đến giờ, phụ nữ, đàn ông có tuổi cũng thế thì quả thật hết chịu nổi rồi”- chuyên gia về sen bức xúc.

Theo ông Phạm Văn Kính, đang có 2 luồng tranh luận khác nhau về những bức hình thiếu nữ, phụ nữ, đàn ông “khoe thân với sen”. Có luồng cho rằng đó là quyền của người khác, pháp luật không cấm thì họ được làm. Có luồng thì kịch liệt lên án nếu nhìn về khía cạnh văn hóa.

“Tôi khẳng định ngay tôi thuộc quan điểm thứ 2. Dẫu bao dung lắm thì nó vẫn cứ là một thứ văn hóa tục tĩu và suy đồi. Còn suy đồi, tục tĩu thế nào thì do cách nhìn của mỗi người” – ông Phạm Văn Kính nói.

Tại Hà Nội có nhiều địa điểm đầm sen khác nhau thu hút khách đến tham quan chụp hình và được coi là “vào mùa kiếm tiền”: Đầm sen Hồ Tây có giá từ 30.000 – 50.000 đồng/vé; đầm sen Xuân Đỉnh có giá vé giao động từ 20.000 – 40.000 đồng/vé; đầm sen tại phim trường Cherry Land có giá 70.000 đồng/vé; đầm sen Bát Tràng, vé vào cửa nơi đây dao động từ 10.000 - 30.000 đồng/người…

Không chấp nhận trào lưu “nhồng nhộng khoe thân”

Trong khi đó, cách nhìn của nhiều bạn trẻ - những người được cho là dễ tiếp nhận hơn với những cái mới, những trào lưu vừa xuất hiện cũng không dễ “tha thứ” cho những bức ảnh phản cảm chụp với sen những ngày qua.

Nhiều diễn đàn mạng đã thẳng thừng gọi tên đó là một trào lưu “nhồng nhộng khoe thân” một cách lố bịch và chệch chuẩn.

“Tội cho sen quá. Hết thiếu nữ đến phụ nữ rồi thậm chí cả ông già bà lão cũng nhảy xuống đầm ép sen chụp ảnh với những tấm thân nhồng nhộng mà coi đó là nghệ thuật “vị nhân sinh”. Nếu sen biết nói hoặc phản ứng thì không biết thế nào nhỉ?” – Một bạn trẻ trên diễn đàn “Nuy nghệ thuật” bức xúc.

Dữ dội hơn, các ý kiến của một số chuyên gia về Mỹ học cho rằng “trào lưu nhồng nhộng khoe thân” là một sự dị biệt về thẩm mỹ.

“Nếu thẩm mỹ là cái đẹp, chấp nhận sự khác biệt nếu vẫn có mẫu số chung là đẹp thì những người trần truồng lội xuống chụp với sen là một sự dị biệt. Đã dị biệt thì không còn đẹp nữa, dù anh lấy cái gì ra để che chắn cho hành vi dị biệt ấy” – chuyên gia Phạm Văn Kính nói.

“Các trào lưu dị biệt này cần phải mạnh mẽ lên án, thậm chí tẩy chay. Cái dị biệt ấy đáng vùi dưới bùn” - Vị chuyên gia nói.

Anh Vũ

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/di-biet-tham-my-khi-nhong-nhong-voi-sen-d2068256.html