'Đi bão' sau chiến thắng bóng đá gây hàng loạt tai nạn: Dừng lại đi, đừng biến niềm vui thành đau thương

Chắc hẳn các cầu thủ, thành viên của ĐT Việt Nam sẽ chẳng ai có cảm giác vui mừng khi sau chiến thắng của đội là nhiều vụ ẩu đả, đâm chém lẫn nhau xảy ra trên các con phố trung tâm ở TP Hà Nội, TP.HCM.

Năm 2008, sau pha đánh đầu ngược của cựu danh thủ Lê Công Vinh vào lưới Thái Lan, cả nước như nổ tung khi bàn thắng ấy giúp Việt Nam lần đầu lên đỉnh giải Đông Nam Á.

Còn nhớ ở Hà Nội khi đó trời lạnh, mưa phùn nhưng cũng chẳng thể ngăn cản được dòng người đổ về các tuyến phố trung tâm hòa cùng niềm vui của ĐT Việt Nam. Những kỳ AFF Cup sau đó, ĐT Việt Nam thi đấu bết bát, nên nhiều người cũng không còn có cơ hội để được đổ ra đường ăn mừng.

Khi đó, những chiến thắng ở vòng bảng cũng chẳng thể trở thành lý do để người ta đổ ra đường hò hét trong cảm xúc.

Phải chờ tới 10 năm sau, cả nước mới lại có dịp sống trong bầu không khí cuồng nhiệt như năm 2008, khi U23 Việt Nam giành ngôi á quân châu Á. Cảm xúc chiến thắng vẫn thế, nhưng có điều dòng người đổ ra các tuyến phố ăn mừng nhiều hơn hẳn thời gian trước đó.

Nhiều người cho rằng, từ sau năm 1975, chưa có sự kiện nào làm sôi động lòng người, thổi bùng lên niềm vui và hạnh phúc, làm bừng lên tinh thần dân tộc và niềm tự hào đến như vậy.

Khắp các con phố, tuyến đường đều tràn ngập cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu. Đường đông tới mức quãng đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội của U23 Việt Nam tưởng như rất ngắn lại trở nên xa vời khi dòng người len chặt.

 Dòng người đổ về tuyến phố trung tâm của Hà Nội để mừng chiến thắng của tuyển Việt Nam.

Dòng người đổ về tuyến phố trung tâm của Hà Nội để mừng chiến thắng của tuyển Việt Nam.

Sau chiến tích ở Thường Châu (Trung Quốc), người dân Hà Nội và nhiều thành phố lớn bắt đầu cảm nhận rõ rệt hơn việc thế nào là ''đi bão''.

Mỗi khi U23 hay ĐTQG thi đấu, người ta bắt đầu đi bão sau mỗi trận mà không cần biết tới lý do. CĐV ''đi bão'' nhiều tới mức khiến không ít nơi trên thế giới phải kinh ngạc về độ cuồng của người hâm mộ Việt.

Một lần, hai lần thì vui nhưng bây giờ nhiều quá lại thành ra quá nhàm. Cái cảm giác chờ đợi để vỡ òa trong niềm hạnh phúc cứ phải bung ra suốt, rồi cũng phải chai lỳ. Thậm chí, nhiều người giờ phát khiếp khi nghe tới hai từ "đi bão''.

Đi làm ngày nào mà có đội tuyển thi đấu thì cố gắng thu xếp công việc về sớm hơn thường lệ nếu không sẽ không ít người phải bất đắc dĩ hòa vào dòng người ''đi bão" kia.

Ai dám chắc trong số tất cả những người đổ ra đường "đi bão'' kia đều là với mục đích chia vui cùng ĐT Việt Nam.

Còn với những ai bất đắc dĩ phải góp mặt trong dòng người "đi bão'' thì quả thật chẳng khác nào một cơn tra tấn. Thử tưởng tượng khi ấy xung quanh là còi xe inh ỏi, tiếng nẹt bô, tiếng kèn Vuvuzela, tiếng trống chiêng, rồi đủ loại các thứ tiếng khác… không điên đầu nhức óc mới là lạ.

Tất nhiên, "đi bão" không sai, chúng ta có thể mang áo cờ đỏ sao vàng, khoác lên mình lá cờ Tổ quốc thiêng liêng, hô vang những khẩu hiệu cổ động, ăn mừng. Nhưng xin đừng lố lăng, phản cảm chốn đông người.

Ai dám chắc trong số tất cả những người đổ ra đường "đi bão'' kia đều là với mục đích chia vui cùng ĐT Việt Nam. Nếu có như vậy, thì tối qua, sau khi Việt Nam giành vé vào chơi trận chung kết AFF Cup, trên khắp cả nước đã không xuất hiện những vụ tai nạn đáng tiếc. Đấy là còn chưa nói tới hàng loạt những vụ ẩu đả, đâm chém nhau.

Với những CĐV chân chính thì không nói, nhưng trong số rất đông những người ''đi bão'' kia là không ít những kẻ cơ hội, những kẻ quá khích vốn là những thanh niên ăn chơi lêu lổng, chỉ đợi dịp là lao ra đường, gây rối loạn giao thông, mất an ninh trật tự. Họ thậm chí còn coi đây là dịp để đâm chém, thanh toán lẫn nhau.

Vụ ẩu đả xảy ra khiến một thanh niên bị dao găm vào lưng trong đêm "đi bão".

Nói thật, nếu không có việc gấp gáp phải ra đường vào thời điểm ấy thì cách tốt nhất nên ở nhà vì không ai đảm bảo tính mạng khi trên đường là hàng trăm chiếc xe đang phóng tốc độ cao.

Ra đường ăn mừng giờ ngoài niềm vui, niềm tự hào thì nay đã có thêm cả những nỗi sợ hãi. Không biết kể từ khi từ ''đi bão'' xuất hiện, đã có bao nhiêu người dân lương thiện bị ảnh hưởng bởi những kẻ quá khích, thậm chí có người còn mất đi cả mạng sống của mình.

Đêm qua, xuất hiện đoạn clip rất đau đớn khi một chiếc xe cứu thương chở người bệnh bên trong hú còi trong bất lực giữa dòng người "đi bão".

Chắc hẳn các cầu thủ, thành viên của ĐT Việt Nam sẽ chẳng ai có cảm giác vui mừng khi sau chiến thắng của đội là nhiều những vụ ẩu đả, đâm chém lẫn nhau, là chỗ để người ta thoải mái vi phạm pháp luật.

Mới bán kết mà việc ''đi bão'' đã để lại nhiều những hình ảnh xấu xí, phản cảm như vậy thì không hiểu ít ngày tới nếu ĐT Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup thì còn khủng khiếp tới mức nào.

Thiết nghĩ, lực lượng chức năng cần mạnh tay nhất có thể để ngăn những kẻ quá khích làm hỏng đi bữa tiệc bóng đá của những người hâm mộ chân chính.

VIỆT AN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/di-bao-sau-chien-thang-bong-da-gay-hang-loat-tai-nan-dung-lai-di-dung-bien-niem-vui-thanh-dau-thuong-d444218.html