Di ảnh đặc biệt trên bàn thờ người mất tích

Một nông dân chống lâm tặc mất tích trong một lần đi rừng. Không có ảnh để thờ, người con lấy tấm gỗ mà cha mình mang về trước đó làm di ảnh đặt lên bàn thờ…

Nghe tin thằng Thạch con ông Đoàn Ngọc Chiến ở Tánh Linh, Bình Thuận có vợ, bất giác tôi giật mình nhớ lại hình ảnh gần chục năm trước khi nó ôm một mảnh gỗ làm di vật thờ cha trước bàn thờ mà ám ảnh và thương đứt ruột.

Ám ảnh ở đây không phải vì vụ án có tới 44 bị cáo với tổng mức án tù 225 năm, tài nguyên rừng thiệt hại 53.492 m3 gỗ mà ám ảnh về “tấm ảnh” của ông Chiến trên bàn thờ.

Di ảnh đặc biệt

Ông Chiến là một trong những công dân dũng cảm băng rừng tìm chứng cứ để tố cáo vụ phá rừng. Và không may, trong một chuyến băng rừng ở bãi Bạch Tùng, ông Chiến bị mất tích. Mọi tìm kiếm đều vô vọng.

Từ đó đến nay có rất nhiều câu chuyện thêu dệt xung quanh vụ mất tích bí ẩn của ông Chiến. Có thông tin cho rằng ông Chiến đã bị cọp vồ hoặc bị lâm tặc thủ tiêu, vứt xác đâu đó. Nhưng ít ai để ý chuyện vì nhà quá nghèo mà ông Chiến không có nổi một tấm ảnh để thờ.

Thằng Thạch, con trai ông Chiến, đã “sáng tạo” bằng cách nhặt một miếng gỗ mà trong một lần đi rừng cha nó mang về đặt lên làm ảnh thờ. Cái bàn thờ cũng rất “sáng tạo” khi thằng Thạch gác hai cây gỗ, lót tấm ván bìa lên rồi dán giấy đỏ để trang trí. Căn nhà dột nát ngày nào đã sửa sang lại chút ít nhờ bạn đọc Pháp Luật TP.HCM gửi mấy chục triệu đồng giúp đỡ. Cái bàn thờ cũng đã được sửa nhưng “tấm ảnh” của ông Chiến thì vẫn như ngày nào…

Thạch, con trai đầu ông Chiến, ôm “di ảnh” của cha. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Một người đồng đội mãi không về

Anh Nguyễn Quang Hòe, đồng đội chống lâm tặc của ông Chiến, kể: Hôm đó là mùng 4-2-1997 (âm lịch), ông Tư Chiến lúc đó đã 49 tuổi cùng anh Hòe và hai người khác băng rừng hơn 10 tiếng đồng hồ mới đến bãi Bạch Tùng. Đây là khu vực hiểm trở nhất của rừng phòng hộ Trị An và là nơi tập trung nhiều bãi gỗ của “trùm” lâm tặc Đinh Mạnh Hồ.

“Chúng tôi phân công anh Chiến ở lại nấu cơm, còn chúng tôi chia làm ba hướng đi tìm bãi gỗ” - anh Hòe kể. Hai giờ sau họ tìm thấy một bãi gỗ hơn 100 m3 ở đỉnh Mùa Thu. Anh Hòe trở về bãi Bạch Tùng rồi cả hai cùng ăn mừng chứng cứ mới bằng một chùm nhãn rừng. Vác rựa, ông Chiến bảo anh Hòe tranh thủ chợp mắt, còn mình đi tìm nước về uống. Anh Hòe còn nhắc ông Chiến về sớm rồi anh lăn ra ngủ và không ngờ đó là lần cuối cùng anh còn gặp người đồng đội xấu số.

Hai người đi tìm bãi gỗ lần lượt về điểm tập kết chỗ anh Hòe nhưng chờ mãi vẫn không thấy ông Chiến mang nước về. Trời sụp tối rất nhanh, tiếng vượn hú, tiếng trâu rừng gọi nhau, tiếng cọp rống rợn người vang cả đại ngàn. Nhưng ông Chiến vẫn bặt tăm. Ba người đốt lửa sáng cả góc bãi Bạch Tùng, hú gọi bạn suốt đêm nhưng vẫn không thấy bạn đâu.

Hôm sau, họ tiếp tục chia ba hướng đi tìm nhưng ngay cả dấu chân ông Chiến cũng không tìm thấy. Bên bờ suối chỉ thấy dấu chân cọp và trâu rừng dày đặc. Sau khi bàn bạc, cả ba quyết định quay về. “Trước khi đi chúng tôi đã gói cơm vắt kèm cá khô treo ở mấy cành cây để nếu có lạc tìm về được, anh Chiến có cái mà ăn” - anh Hòe kể. Đi một đoạn, họ lại chặt tre cắm trên đường mòn, tiếp tục cột cơm vắt với hy vọng ông Chiến nếu may mắn trở về sẽ không bị đói.

Gần một tuần sau họ quay lại. Những vắt cơm đã lên men. Nỗi đau biến họ thành những bức tượng câm lặng.

Vợ con ông Chiến. Ảnh: PN

Qua 20 mùa lá rụng…

20 năm đã trôi qua, bà Phạm Thị Niên, vợ ông Chiến, vẫn luôn cho rằng “ông nhà tôi không bao giờ đi lạc, ổng rành rừng còn hơn lòng bàn tay”.

20 năm qua bà và hai con vẫn phấp phỏng chờ với niềm tin mong manh người chồng, người cha sẽ đột ngột trở về gọi cửa. Thời gian trôi nhanh, bà Niên đã già đi, hai con đã lớn, niềm tin của mẹ con bà thì nhỏ lại và xem như đã chấm hết.

Thằng Thạch kể ngày đó nó cứ khóc gọi cha trong mơ vì thường ngủ chung giường với cha. Và dù đã được cha truyền nghề bẫy thú nhưng nó quyết bỏ rừng vĩnh viễn.

20 năm rồi! Lá rừng bao bận đã thay. Rất nhiều cánh rừng đã biến thành đồi trọc. Chỉ nỗi đau của bà Niên và các con là không thay đổi. Di ảnh của ông Chiến trên bàn thờ vẫn là mảnh gỗ. Trông mà đứt ruột!

Và anh Hòe cũng vậy, năm 1999 khi mẹ mất, anh không lo nổi cho mẹ một cỗ quan tài mà phải nhờ hàng xóm quyên góp giúp đỡ, dù chính anh đã góp phần giữ lại cho đời những cánh rừng gỗ quý.

Sau vụ ông Chiến mất tích, những người cùng đi rừng được công an mời mấy lần rồi thôi. Sau này, mấy lần đi rừng, anh Hòe đều đến bãi Bạch Tùng hy vọng còn tìm được cái gì đó của ông Chiến nhưng vô phương. Anh Hòe cũng là dân nghèo, ham lội rừng chống lâm tặc, ở nhà vợ gom hết vốn liếng bỏ đi, để lại cho anh người mẹ già và hai đứa con thơ.

Đi rừng tìm chứng cứ... Ảnh: PN

Dấu vết lâm tặc... Ảnh: PN

Nơi tập kết gỗ của lâm tặc... Ảnh: PN

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/di-anh-dac-biet-tren-ban-tho-nguoi-mat-tich-742844.html