Đi ăn cùng người Ý - Phải làm sao nhỉ?

Nếu chưa từng đặt chân tới Ý, chưa đi ăn cùng người Ý, thì hẳn là bạn cũng chưa tường tận cách thức và văn hóa trong thưởng thức đồ ăn của người Ý. Vậy người Ý có những quy tắc thú vị nào khi ăn uống?

Nền ẩm thực của Ý vẫn luôn được coi là một trong những nền ẩm thực độc nhất trên thế giới, cho đến thời điểm hiện tại thì ẩm thực Ý đã trở nên rất đỗi phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam.

Chúng ta có lẽ vẫn lầm tưởng rằng với một đất nước phương Tây thì việc ăn uống là vô cùng phóng khoáng và đơn giản, thế nhưng, sự thật là họ cũng có riêng cho mình những quy tắc ứng xử trên bàn ăn vô cùng nghiêm ngặt và chặt chẽ giống như truyền thống ăn uống của nước ta vậy. Chúng ta hãy cùng điểm qua những nét cơ bản trong văn hóa ứng xử khi ăn uống của người dân nước Ý.

Vào thế kỷ thứ 16, Galeazzo Florimonte - một vị giám mục tại làng Sessa Aurunca (miền Nam nước Ý), đã đưa ra quy tắc ứng xử lịch sự trên bàn ăn. Ông gọi nó là “Galateo de' Costumi”, và mặc dù thuật ngữ “Galateo” ban đầu có nghĩa là một tính từ đặc trưng liên quan đến Galeazzo, thuật ngữ này hiện được sử dụng ở Ý để chỉ một bộ các quy tắc cần tuân theo trên bàn ăn. Tất cả những quy tắc này, khi phối hợp cùng nhau, phác thảo ra một cách hành xử cực kỳ trang trọng và thậm chí rất cao quý, và các quy tắc này, hiện vẫn đang được áp dụng trong các sự kiện sang trọng như các sự kiện tại các khách sạn cao cấp hay tại các bữa tiệc với những vị khách đặc biệt. Bộ quy tắc ứng xử này về sau đã là nguồn cảm hứng cho Giovanni Della Casa viết nên cuốn sách “Galateo overo de' costume”.

Trước tiên hãy bắt đầu từ bàn ăn, bàn ăn cần được sắp xếp chuẩn bị như sau. Nĩa nên được đặt ở phía bên trái của bát đĩa, với các mũi nhọn hướng vào giữa bàn. Ngược lại, dao nên được đặt ở bên phải của đĩa và lưỡi dao quay vào phía trong hướng vào phía của đĩa. Các dụng cụ dao nĩa dùng cho các món tráng miệng phải được đặt ở vị trí giữa bát đĩa và ly, theo chiều ngang, và tay cầm phải hướng về phía mà người đó sẽ sử dụng nó - nó sẽ được đặt ở bên trái nếu là nĩa và bên phải đối với thìa và dao. Cuối cùng, ly (cốc) chỉ nên sử dụng tối đa 5 ly: ly lớn nhất dành cho nước lọc, sau đó những ly có kích thước bé hơn lần lượt dành cho rượu vang đỏ và rượu vang trắng. Các ly này sẽ được để ở vị trí phía trên bên phải của đĩa. Thông thường, các ly dành cho đồ tráng miệng sẽ có kích cỡ nhỏ hơn vì các ly này thường được dành cho các loại vang cường hóa, đây là loại vang có nồng độ cồn cao do đó mọi người sẽ chỉ dùng một lượng nhỏ và thường được dung kèm với đồ tráng miệng. Loại vang này sẽ không được mang ra bàn từ lúc bắt đầu mà chỉ được đưa ra phục vụ khi bắt đầu món tráng miệng.

Về các quy tắc ứng xử trên bàn ăn, quy tắc đầu tiên và có thể là điều mọi người ít ngờ đến nhất đó là không được nói “Buon Appetito!”, một lời chúc kiểu như “ăn ngon miệng nhé” trước mỗi bữa ăn. Thực tế, bữa ăn được coi là dịp để mọi người quây quần trò chuyện, và đồ ăn chỉ là một cái cớ mà thôi. Vì vậy, việc chúc ăn ngon miệng trước mỗi bữa ăn có thể khiến mọi người hiểu sai ý nghĩa thực sự của bữa ăn, cho rằng đồ ăn quan trọng hơn việc trò chuyện, kết nối mọi người với nhau. Điều thứ hai cần lưu ý là khi mọi người quây quần tại bàn ăn, người đầu tiên dùng bữa phải là người chủ nhà hoặc người chủ của buổi tiệc. Khi ăn, khăn ăn phải được đặt ở trên đầu gối hoặc ở trên bàn, và khuỷu tay không được đặt trên bàn. Khi ai đó muốn tạm dừng ăn, cần phải đặt dao và nĩa trên đĩa theo chiều kim đồng hồ chỉ lúc 4:20'. Còn khi ai đó muốn kết thúc bữa ăn, dao kéo nên được đặt dọc theo chiều ngang của đĩa. Và người Ý thường kết thúc bữa ăn với thói quen “Scarpetta” tức là dùng tay hoặc nĩa xiên qua mẩu bánh mì để lấy sạch phần nước sốt còn sót lại trên đĩa.

Qua bài viết trên, chúng tôi hy vọng các bạn đã cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích, giúp bạn hiểu rõ hơn cũng như có cái nhìn khác về con người Ý, và thêm yêu mến văn hóa và ẩm thực của đất nước tuyệt vời này.

Đặng Thanh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/di-an-cung-nguoi-y-phai-lam-sao-nhi-579194.html