ĐHQH: Tặng mì tôm rẻ tiền, 'dụ' người đến hội thảo rồi bán thuốc đắt

Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Trần Đình Gia cho biết, có trường hợp dùng mọi cách để quảng cáo bán sản phẩm bất chấp bên mua có thực sự cần hay không.

Tranh thủ sự kém hiểu biết của người dân để trục lợi

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

 Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh). Ảnh: QH.

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh). Ảnh: QH.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho biết, hiện nay có trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bên bán dùng nhiều hình thức quảng cáo, khuyến mại để bán các sản phẩm bất chấp bên mua có thực sự cần thiết hay không.

Đại biểu kể câu chuyện, trong một lần đi thực tế, ông được người dân phản ánh về hiện tượng doanh nghiệp đi về các vùng nông thôn tổ chức các hội thảo về chăm sóc sức khỏe. Người đến dự hội thảo rất đông khi được phát quà, gồm có 1 gói bánh hoặc một ít gói mì tôm rẻ tiền.

Thế rồi, trong hội thảo, Ban Tổ chức đã lồng ghép vào đó để giới thiệu các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như thuốc phòng tai biến, thuốc huyết áp, tiểu đường, hoạt huyết dưỡng não… Những thuốc này chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc rất đắt tiền.

“Vì nghe nói đến tác dụng của các sản phẩm này, người dự hội thảo mua rất nhiều, chủ yếu người cao tuổi, người mua ít cũng hết 1-2 triệu, có người mua đến 15-20 triệu. Khẳng định thuốc này không phải hàng giả, cho nên người dân đổ xô đi mua. Tuy vậy, không phải ai cũng cần phải dùng thuốc này cả, cho nên dùng một thời gian, người dân bảo bị lừa”, đại biểu nói.

Tuy nhiên, điều trớ trêu là, qua kiểm tra thì không phải bị lừa. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì không hề có vi phạm nào, nên không thể bắt những trường hợp này được.

“Mà oái oăm thay, doanh nghiệp này lại lấy chính hình ảnh của cơ quan chức năng đi kiểm tra để khẳng định họ làm đúng, không có gì sai cả, việc họ mua bán là cần thiết, người dân lại càng mua. Đấy là một sự tranh thủ, sự kém hiểu biết, sự không có thông tin của người dân để trục lợi” đại biểu Gia cho hay và đề nghị trong dự thảo luật lần này phải tính đến tình huống này để có 1 quy định chặt chẽ, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cần có thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) cho rằng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng qua 10 năm thực thi đã phát sinh nhiều bất cập và cần phải có sửa đổi để phù hợp với bối cảnh mới, trên nền tảng số.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế). Ảnh: QH.

Ví dụ như là lộ, lọt các dữ liệu cá nhân và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, hoặc rượu, bia, nước giải khát đã có nhiều tác hại không tích cực cho người tiêu dùng. Chẳng hạn như nước giải khát thì hàm lượng đường rất cao, ảnh hưởng đến trọng lượng của trẻ em, cũng nguy hiểm,

“Theo kinh nghiệm quốc tế, các nước như Mỹ, Úc, Nhật thì mô hình của họ bảo vệ người tiêu dùng rất cao, chỉ một chai bia, một chai sữa, một chai nước mà vi phạm và không đảm bảo phải đền bù một số lượng lớn nhất định”, đại biểu Nam nêu và cho rằng cần thiết phải điều chỉnh trong luật những quy định cụ thể về thực phẩm chức năng, an toàn thực phẩm.

Trong các nhóm giải pháp góp ý đưa ra, đại biểu Nam cho rằng, thủ tục rút gọn là một giải pháp chủ chốt trong giải quyết tranh chấp.

“Bởi vì 1 chai nước, 1 chai sữa, 1 chai bia hay đo lường xăng dầu chẳng hạn thì một cá nhân không thể đưa ra theo thủ tục đầy đủ. Đặc biệt là người dân chúng ta vẫn còn e ngại khi phải thực hiện các thủ tục khiếu nại, như vậy thủ tục rút gọn ở đây có thể là một lời giải”, đại biểu Nam nêu ý kiến.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/dhqh-tang-mi-tom-re-tien-du-nguoi-den-hoi-thao-roi-ban-thuoc-dat-1771731.html