ĐHMỹ thuật CN sắp đóng cửa 1 ngành vì... xô chậu nhựa

- Tốt nghiệp 10 điểm chuyên ngành Thiết kế Đồ chơi (khoa Tạo dáng, Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) với đồ án về bập bênh đa chức năng dành cho trẻ em năm 2009, Hưng (huyện Đông Anh, Hà Nội) đi xin việc khắp nơi có liên quan đến chuyên ngành nhưng chẳng thấy. Không chỉ riêng Hưng, 6 SV tốt nghiệp năm 2008 và 2009 hiện tại đều không làm đúng nghề.

Đau đầu tìm việc đúng chuyên ngành Ra trường, bê hồ sơ đi khắp nơi, cuối cùng, Hưng làm mô hình tàu thủy cho một cơ sở nhỏ với đồng lương hạn hẹp. Nhưng làm một thời gian, Hưng phải tìm công việc khác để đảm bảo cuộc sống. Hiện tại, Hưng đang làm việc tại Công ty gương kính nghệ thuật Thủy Long – một việc hoàn toàn khác với chuyên ngành đã học. Cùng tốt nghiệp xuất sắc cùng Hưng năm đó nhưng Hương kém may mắn hơn vì đến giờ vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. Phương Chi (tốt nghiệp năm 2008) trước đây làm ở một công ty thiết kế đồ chơi mới mở nhưng sau không thích nên chuyển việc. “Giờ mình làm thiết kế đồ họa cho Công ty in Hoàng Minh. Mình từng mở cửa hàng, quy mô nhỏ thôi, liên quan đến đồ chơi nhưng không thành công. Tuy vậy, mình dự định sẽ mở xưởng sản xuất sản phẩm đồ chơi khi có cơ hội” – Chi nói. SV duy nhất sẽ tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Thiết kế Đồ chơi trong năm nay là Trần Mạnh Hùng (tốt nghiệp CĐ năm 2003) lại trở thành cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ba bạn khác cùng khóa 1999 - 2003 với Hùng cũng không làm việc liên quan đến chuyên ngành. Đa số SV ngành Thiết kế Đồ chơi ra trường hầu như làm thiết kế đồ họa. Hưng cho biết: “Nhiều người vào trường phân biệt ngành này ngành kia những mình không nghĩ vậy. Học Đồ chơi giúp mình có thêm kiến thức về mô hình, điêu khắc, quảng cáo, đồ họa và cả thời trang”. Còn Chi cho rằng: “Thực ra, học ngành nào trong trường cũng làm về đồ họa được”. Theo cô Vọng Hương, trước đây hơn chục năm, có các cơ sở sản xuất đồ chơi nhưng vì lợi nhuận nên chuyển sang đầu tư vào sản xuất xô nhựa, chậu nhựa… Cô kể: “Một lần tôi đi xem triển lãm đồ chơi ở Vân Hồ, xem xong thấy buồn vì chúng rất xấu. Màu sắc cho trẻ con không phải cứ xanh, đỏ, tím, vàng là đẹp. Cầu trượt dành cho trẻ mẫu giáo, tiểu học phải khác nhau. Đu quay mà đường kính 1,5m không thể đảm bảo an toàn cho trẻ. Thực tế, các cơ sở sản xuất đồ chơi ở Việt Nam thường không có họa sỹ được đào tạo bài bản”. Ngoài ra, còn có một vài công ty chuyên về thiết kế đồ chơi cho trẻ. Ở miền Bắc có công ty Tuyết Nga lấy mẫu thiết kế nước ngoài về làm đồ chơi. Công ty Phúc Hưng chuyên sản xuất đồ chơi nhựa và gỗ nhỏ cho trẻ học mẫu giáo còn Trường kỹ nghệ thực hành thường làm đồ chơi bằng sắt uốn. SV ra trường đã từng làm ở các cơ sở sản xuất đồ chơi nhưng cuối cùng đều không trụ được vì khó sống nổi với nghề. Nguy cơ thiếu giảng viên và không có SV theo học Kể từ khi thành lập đến nay, số lượng SV theo học chuyên ngành Thiết kế Đồ chơi của trường nhiều nhất là 6 người và ít nhất là 1 người mỗi khóa học. Sau khi thầy Lê Thế Mỹ và thầy Đinh Công Hiệu về hưu, hiện tại chỉ có cô Nguyễn Vọng Hương phụ trách chuyên ngành này của khoa Tạo dáng. “Ngành Thiết kế Đồ chơi khóa đông nhất là 6 SV do các em chọn chuyên ngành ngay lúc thi. Sau khi thay đổi quy chế để SV học một năm cơ bản, đến năm 2 mới phân ngành thì rất ít SV chọn ngành này. Thiết kế đồ chơi chỉ là nguyện vọng 2, 3. Đa số SV chọn ngành Đồ họa, Nội thất và Thiết kế Thời trang để ra trường dễ xin việc”. Con số SV tốt nghiệp mấy năm gần đây đã chứng minh điều đó: Năm 2008 có 4 SV tốt nghiệp hệ chuyên tu. Năm 2009 có 2 SV tốt nghiệp hệ Cao đẳng. Hiện tại, chỉ có 1 SV hệ chuyên tu đang làm đồ án tốt nghiệp. Có SV chọn học ngành này vì đam mê, có SV vì tò mò nhưng sau một thời gian học chuyên ngành, họ đều thấy hứng thú nhưng vẫn chưa nhìn thấy triển vọng công việc trong tương lai. Chuyên ngành Thiết kế Đồ chơi hướng tới đối tượng là trẻ em. Trong 3 năm học chuyên ngành, sinh viên được học thiết kế đồ chơi học tập, đồ chơi dân gian, đồ chơi vận động, đồ chơi trong môi trường đặc biệt… Cô Hương liệt kê một số ví dụ để chỉ ra rằng đồ chơi còn mang tính giáo dục: “Đồ chơi học tập để giúp các cháu vừa học vừa chơi, như bộ đồ chơi bằng số tự nhiên để học toán. Các đồ chơi vận động như bập bênh, trượt, đu quay tạo cho các cháu có tính đoàn kết và nguyên tắc vì các cháu phải nhường nhịn nhau để chơi chung…”. Vì số lượng SV ít nên học rất hiệu quả. Các SV tốt nghiệp đều đạt loại giỏi và xuất sắc. Mỗi năm, SV đều được đi thực tập. Năm 1 thường là nghiên cứu thiên nhiên, vẽ phong cảnh… Đến năm 2, Khoa sẽ liên hệ và dẫn SV đi thực tập. Có năm, cô dẫn SV vào một xưởng đồ chơi gỗ tận TP.HCM để học nghề. Tuy nhiên, gần đây chuyện thực tập của SV như cưỡi ngựa xem hoa vì nhà trường yêu cầu SV thực tập trong bán kính 50km, hỗ trợ mỗi SV 50 nghìn đồng/người và giảng viên 100 nghìn đồng/ người, miễn phí xe chở đi và về. SV chủ yếu tìm hiểu thị trường đồ chơi, viết phân tích và làm bài thu hoạch. “Tôi rất buồn vì những năm gần đây Thiết kế Đồ chơi không có mã ngành riêng, trường không có xưởng để SV thực hành nên SV ngành này phải học trên giấy”. Bốn năm nữa cô Hương sẽ về hưu, không biết lúc đó chuyên ngành này còn có giảng viên không vì “tôi có chọn một số bạn kế cận nhưng trường không đồng ý do SV ít quá”.

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/giaoduc/201003/Nguy-co-dong-cua-chuyen-nganh-vi-xo-chau-nhua-900036/