ĐHĐCĐ TPBank: Sẽ mua lại công ty tài chính, đang xin nới chỉ tiêu tín dụng

Sáng nay (23/4), Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBank (mã TPB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.

ĐHĐCĐ Thường niên năm 2019 của TPBank.

Tại đại hội, Ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 16% đạt 158 nghìn tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay khách hàng và trái phiếu TCKT tăng 20% đạt 101.195 tỷ đồng (cần được NHNN chấp thuận).

Tổng huy động vốn dự kiến tăng 20% đạt 142.309 tỷ đồng, trong đó tiền gửi của khách hàng đạt 102.790 tỷ đồng; tiền gửi và vay của TCTD khác đạt 39.519 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu kiểm soát dưới 1,5%; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt trên 9%; ROE dự kiến đạt 20,87%.

Cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2019, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, kết thúc ngày 31/3/2019, tổng tài sản của ngân hàng đã tăng 15,2%, tổng huy động tăng gần 13%, tổng dư nợ tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Lọi nhuận trước thuế lũy kế tính đến ngày 31/3/2019 đạt 853 tỷ đồng. NPL kiểm soát ở mức 1,37%, chỉ số an toàn vốn CAR duy trì ở mức trên 10%.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, lãnh đạo ngân hàng cho biết, sau khi nộp thuế, trích lập các quỹ và trả cổ tức ưu đãi IFC, lợi nhuận để lại chưa phân phối còn hơn 1.500 tỷ. TPBank trình cổ đông phương án sẽ không chia cổ tức và dùng lợi nhuận chưa phân phối để mở rộng hoạt động kinh doanh năm 2019.

Cũng tại đại hội, Ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông thông qua việc thành lập công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản ngân hàng Tiên Phong (Công ty AMC).

Lý giải về kế hoạch này, TPBank cho biết, trong thời gian tới hoạt động tín dụng sẽ tiếp tục được mở rộng, mặc dù tỷ lệ nợ xấu của TPBank vẫn được kiểm soát ở mức thấp nhưng số lượng nợ khó thu hồi có thể tăng lên và các khoản nợ đọng này cần được xử lý nhanh chóng, dứt điểm để đảm bảo kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2% theo mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ thông qua chủ trương tìm kiếm, mua lại toàn bộ 100% vốn của công ty tài chính để trở thành công ty con của TPBank và hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Thời gian thực hiện ngay sau khi được các cơ quan có thẩm quyền cho phép mua lại, dự kiến trong năm 2019.

Phát biểu tại đại hội, đại diện cổ đông ngoại SBI cho biết, hiện tập đoàn đến từ Nhật Bản đang có danh mục đầu tư lên tới hơn 200 công ty, trong đó, TPBank nằm trong top 5 trong số những công ty có lợi nhuận lớn danh mục của SBI.

Đại diện SBI cũng khẳng định, năm 2019 sẽ tiếp tục giới thiệu mảng kinh doanh mới cho ngân hàng, giúp ngân hàng phát triển hơn nữa.

Phần Q&A:

Năm 2018, TPBank đạt lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra nhưng không lại trả cổ tức năm 2018?

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank: Như chúng tôi cũng đã báo cáo, năm 2018, lợi nhuận sau trích lập của ngân hàng còn khoảng 1.500 tỷ. Trong năm nay, chúng ta dự kiến sẽ mua lại công ty tài chính, đồng thời, thành lập một số công ty mới nên sẽ cần sử dụng số lợi nhuận này. Số lợi nhuận còn lại dự kiến sẽ chia cho cổ đông nhưng sẽ chia bằng cổ tức.

Ngân hàng dự kiến tăng vốn từ 8.500 tỷ lên 10.000 tỷ thông qua phương án như thế nào?

Năm nay, ngân hàng kế hoạch tăng vốn từ 8.500 tỷ lên 10.000 tỷ. Theo đó, một phần vốn tăng sẽ được lấy từ phần lợi nhuận để lại sau khi thực hiện các mục tiêu vừa nói. Thứ hai, ngân hàng dự kiến phát hành 100 triệu cổ phiếu, tính theo mệnh giá 10.000 đồng nhưng theo giá thị trường thì sẽ có lợi nhuận thặng dư, tùy thuộc vào sự đàm phán với các nhà đầu tư. Chúng tôi tin chắc rằng mục tiêu tăng vốn lên 10 nghìn tỷ sẽ đạt được.

Ngân hàng dự kiến phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế và niêm yết trên sàn tại Singapore, đây là loại trái phiếu gì? Kế hoạch sử dụng vốn như thế nào?

Về loại hình trái phiếu, đây là trái phiếu không chuyển đổi. Còn lãi suất bao nhiêu, kỳ hạn như nào chúng tôi vẫn đang đàm phán.

Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với các nhà tư vấn và sẽ thông tin tới cổ đông.

Hết quý I/2019, tốc độ tăng trưởng tín dụng của TPBank đã đạt 11,2%, trong khi chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước thông qua là 13%. HĐQT đã xin nới chỉ tiêu tín dụng lên 20% chưa? Nếu chưa thì kế hoạch hoạt động của ngân hàng trong thời gian tới như thế nào?

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank: Hiện ngân hàng đã sử dụng gần hết room tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng tuân thủ Thông tư 41 trước thời hạn sẽ được ưu tiên với tỷ lệ tín dụng cao hơn hẳn so với toàn ngành. Chúng tôi tin rằng TPBank sẽ được tăng thêm chỉ tiêu tín dụng, nhưng chưa rõ được bao nhiêu. Tuy nhiên, mức 20% là trong tầm tay.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất hài hòa trong việc lên phương án kinh doanh. Lợi nhuận ngân hàng sẽ không chỉ phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng mà sẽ cố gắng đa dạng hóa doanh thu từ dịch vụ và các hoạt động khác chứ khong chỉ tập trung vào lãi từ tín dụng.

Hệ số CAR của TPBank là bao nhiêu? Room ngoại là bao nhiêu? TPBank đã có nhắm tới công ty tài chính nào chưa hay chỉ mới đưa ra phương án?

Hệ số CAR nếu áp dụng thông tư 36 của ngân hàng là 10,41% còn nếu theo chuẩn Basel 2 là 9,6%. Hiện room ngoại của ngân hàng đã kịch trần 30%.

Về công ty tài chính chúng tôi cũng đang trong quá trình đàm phán, tuy nhiên, chưa thể công bố vào thời điểm này.

TRẦN THÚY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/dhdcd-tpbank-se-mua-lai-cong-ty-tai-chinh-dang-xin-noi-chi-tieu-tin-dung-3503593.html