ĐHĐCĐ Tập đoàn Hòa Phát: Phấn đấu chia cổ tức bằng tiền từ năm 2020

Năm 2020, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu toàn tập đoàn dự kiến đạt 86.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 9.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 35% và 19% so với thực hiện năm trước đó.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 Tập đoàn Hòa Phát

Sáng ngày 25/6, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020, tham dự có 333 đại biểu thay mặt cho 576 cổ đông nắm giữ 2,154 tỷ cổ phiếu (tỷ lệ 78% lượng cổ phiếu lưu hành có quyền biểu quyết), đủ điều kiệu theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ.

Tại Đại hội, cổ đông Hòa Phát đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu toàn tập đoàn đạt 86.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 9.000 tỷ đồng. Kế hoạch này tăng lần lượt 35% và 19% so với thực hiện năm trước đó. Dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20%.

Năm 2019, Hòa Phát ghi nhận 63.658 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 14% so với năm 2018 tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm 12% xuống còn 7.578 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 7.527 tỷ đồng, tương ứng EPS đạt 2.726 đồng.

Phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, trong đó chia cổ tức tổng tỷ lệ 25% gồm 5% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong quý II-III/2020.

Cũng tại Đại hội sáng nay, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT cho biết: “Năm 2020, Hòa Phát dự kiến sẽ chi trả cổ tức với tỷ lệ 20%, trong đó phấn đấu có chia cổ tức bằng tiền. Do những năm gần đây Hòa Phát bước vào giai đoạn đẩy mạnh đầu tư nên truyền thống chia cổ tức bằng tiền bị gián đoạn, từ giai đoạn 2020-2021, Tập đoàn sẽ cố gắng khôi phục truyền thống này”.

Một nội dung đáng chú ý là phương án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư vào giai đoạn 1 và giai đoạn 2 dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất cũng đã được cổ đông Hòa Phát bỏ phiếu thông qua.

Theo đó, tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng, trong đó 30.000 tỷ đồng là vốn điều lệ do các cổ đông đã góp đủ, còn 30.000 tỷ đồng là vốn vay cam kết bởi các tổ chức tín dụng (25.000 tỷ đồng) và vay nội bộ các thành viên trong Tập đoàn (5.000 tỷ đồng).

Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn mở rộng có quy mô 5 triệu tấn thép, gồm 3 triệu tấn thép cuộn HRC, 1 triệu tấn thép hình cỡ trung, 0,5 triệu tấn thép dây cuộn chất lượng cao, và 0,5 triệu tấn thép tròn cơ khí chế tạo. Dự án có diện tích mặt đất sử dụng 166 ha.

Trả lời chính thức tại Đại hội, ông Trần Đình Long cho biết, giai đoạn 2 dự án Hòa Phát – Dung Quất đang trong quá trình xin thủ tục và có thể phải mất 2-3 năm mới hoàn tất. Khi hoàn tất thủ tục, Hòa Phát sẽ nghiên cứu thị trường và xin ý kiển cổ đông đầy đủ và cụ thể về kế hoạch góp vốn thêm một lần nữa.

"Theo tính toán, từ năm 2020, EBITDA của Hòa Phát vào khoảng 15.000 - 20.000 tỷ/năm và hoàn toàn có thể đủ để triển khai dự án giai đoạn 2 và không cần phải phát hành" ông Long chia sẻ thêm.

Trong phần thảo luận, rất nhiều vấn đề cổ đông quan tâm, thắc mắc đã được ban lãnh đạo Tập đoàn giải đáp trong đó đang chú ý có một số câu hỏi sau:

Ảnh hưởng của Covid-19 tới kết quả kinh doanh của Hòa Phát?

“Do đặc thù ngành thép ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn một số ngành khác đồng thời tận dụng chủ trương đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ nên hoạt động kinh doanh của Hòa Phát không bị ảnh hưởng nhiều. Theo ước tính, lợi nhuận sau thuế quý II của Hòa Phát sẽ vào khoảng 2.700 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm ước đạt 5.000 tỷ đồng” ông Long trả lời.

Về vấn đề môi trường quanh nhà máy Hòa Phát – Dung Quất?

Ông Long cho biết việc ảnh hưởng là không thể tránh khỏi tuy nhiên Hòa Phát đã và đang cố gắng làm hết sức có thể để giảm bớt ảnh hưởng của nhà máy đến môi trường xung quanh. Tập đoàn cũng đã sẵn sàng về mặt tài chính để ứng trước tiền đền bù, tái định cư cho người dân.

Về khoản phải thu tăng mạnh trong quý I/2020?

Về khoản phải thu tăng hơn 1.000 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc tài chính cho biết đây là do thay đổi tính chất bán hàng, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của Tập đoàn, dẫn đến có độ trễ về thời gian thanh toán. Hòa Phát vẫn sẽ duy trì dòng tiền dương.

Doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng bao nhiêu khi dây chuyền HRC đi vào hoạt động, rủi ro là gì?

Ông Long cho biết, mảng HRC rủi ro ít thuận lợi nhiều. Lợi nhuận phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường tuy nhiên khi bắt tay vào đầu tư Hòa Phát đã tính toán đến rủi ro về giá.

Dự tính tháng 9-10, dây chuyền HRC sẽ chạy thương mại do đó Tập đoàn không tính toán doanh thu và lợi nhuận của mảng này vào kế hoạch năm 2020. Biên lợi nhuận của mảng HRC thấp hơn mảng thép xây dựng, chỉ ở mức khoảng 5-7%.

Về giá cổ phiếu HPG, ông Long cho rằng diễn biến giá cổ phiếu hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ cung-cầu trên thị trường.

Kế hoạch mở rộng thị phần khi nhà máy Hòa Phát - Dung Quất đi vào hoạt động?

"Năm 2019, toàn thị trường tiêu thụ 11 triệu tấn HRC trong khi công suất nhà máy Hòa Phát - Dung Quất giai đoạn 1 vào khoảng 6 triệu tấn/năm. Dự kiến khi giai đoạn 2 đi vào hoạt động, công suất sẽ thêm khoảng 5 triệu tấn/năm", ông Trần Đình Long trả lời.

Rủi ro khi giá quặng sắt tăng?

Ông Long cho biết, giá thép phế liệu diễn biến đồng pha với giá quặng do đó giá bán cũng có chiều hướng tăng khi giá quặng tăng, rủi ro về giá không đáng ngại. Bên cạnh đó, trong thành phần nguyên, nhiên liệu sản xuất thép, than chiếm đến 30-40% tương đương với quặng. Trong giai đoạn đầu năm, giá than có xu hướng giảm cũng tác động tích cực đến giá thành sản xuất thép.

Đối với sản lượng thép xây dựng không đạt 3,6 triệu tấn trong năm 2020, ông Long cho biết, dù không đạt kế hoạch tuy nhiên sản lượng thép xây dựng cả năm không dưới 3 triệu tấn. Ngoài ra, sản lượng thép thô năm 2020 của Hòa Phát sẽ đạt khoảng 8,5 triệu tấn.

Tỷ suất sinh lời nội bộ cho dự án Hòa Phát - Dung Quất?

"Hòa Phát sẽ làm mọi cách để bán hết 8 triệu tấn thép phôi sản xuất khi nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2021, nếu thành phẩm không bán hết thì sẽ đẩy mạnh bán phôi", ông Long trả lời.

Kế hoạch đối với mảng nông nghiệp?

Quý I/2020, mảng nông nghiệp lãi 480 tỷ đồng phần nào do giá thịt heo cao chủ yếu do dịch bệnh ở Châu Phi và các yếu tố này không bền vững. Do đó, Tập đoàn vẫn thận trọng đối với mảng nông nghiệp. Trong ngắn hạn khoảng 5-10 năm tới, Hòa Phát sẽ chỉ đầu tư mở rộng và tăng công suất một cách vừa phải cho mảng nông nghiệp.

THANH HÀ

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//doanh-nghiep/dhdcd-tap-doan-hoa-phat-phan-dau-chia-co-tuc-bang-tien-tu-nam-2020-3547058.html