ĐHĐCĐ SSI: Ông Nguyễn Duy Hưng nói gì về khả năng hoàn thành mục tiêu kinh doanh và nâng hạng thị trường?

Nhận định hoạt động kinh doanh và diễn biến trên thị trường chứng khoán là các nội dung được nhiều cổ đông đặt câu hỏi với ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm CEO SSI.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm CEO SSI - Ảnh: Huyền Trâm.

Chiều ngày 25/4, CTCP Chứng khoán SSI (mã SSI) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.

Dự báo cho năm 2019, SSI cho rằng nền kinh tế nói chung cũng như thị trường chứng khoán nói riêng vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức. Trong khi nền kinh tế phải đối mặt với hàng loạt vấn đề và trở ngại từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và chính sách tiền tệ thắt chặt, thị trường theo đó sẽ dao động trong biên độ rộng với các thông tin tích cực và tiêu cực đan xen.

Quý I/2019 thị trường đã kết thúc trong bối cảnh trầm lắng, nhà đầu tư trong và ngoài nước đều trở nên thận trọng. Về SSI, quý I/2019, Công ty ghi nhận tổng doanh thu đạt 702,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 239,8 tỷ đồng, giảm đáng kể so với quý I/2018 (với sự khởi sắc chưa từng có của TTCK Việt Nam, công ty mẹ SSI ghi nhận 1.000 tỷ đồng doanh thu và 479 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế).

Tuy nhiên, SSI vẫn nhận định thị trường sẽ có yếu tố hấp dẫn, đặc biệt là đối với nhà đầu tư nước ngoài. Mặt bằng cổ phiếu đã ở mức thấp và dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng 13,3% so với cùng kỳ là cơ sở để hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng trưởng.

Đồng thời, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn tiếp tục diễn ra trong 2 năm tới sẽ hỗ trợ nguồn vốn cho kinh tế phát triển và tăng nguồn cung cổ phiếu có vốn hóa lớn và chất lượng. Hoạt động tái cấu trúc thị trường chứng khoán ở tầm vĩ mô cũng là yếu tố giúp thị trường có mức thanh khoản tốt hơn và thu hút được nhà đầu tư. Hoạt động M&A được kỳ vọng sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2019, tập trung vào các ngành bán lẻ, sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng…

Nói về khả năng hoàn thành kế hoạch, ông Hưng cho rằng phải sang quý II - III mới có câu trả lời được. Bởi thị trường chứng khoán đến nay không ai nói được sẽ tăng hay giảm, điển hình đầu năm mọi người nghĩ tăng nhưng thực tế không như kỳ vọng. Hiện thị trường đang trầm lắng nhưng lý do thì không ai nói rõ được.

Ngoài ra, đại hội lần này sẽ thảo luận và thông qua các tờ trình khác như phương án phát hành ESOP cho người lao động, tờ trình phê chuẩn Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc năm 2019 và tờ trình bầu bổ sung Thành viên HĐQT. Năm nay là năm cuối cùng SSI thông qua tờ trình phê chuẩn cho Chủ tịch HĐQT kiêm chức vụ Tổng Giám đốc, từ năm 2020, Công ty sẽ có Tổng giám đốc mới.

Trong phần thảo luận, ông Nguyễn Duy Hưng trả lời nhiều câu hỏi của cổ đông về hoạt động kinh doanh và thị trường chứng khoán:

Công ty chứng khoán đang có cuộc cạnh tranh giảm phí thậm chí miễn phí, SSI đánh giá như thế nào về vấn đề này và có tham gia ?

Thực ra thị trường luôn cạnh tranh và cạnh tranh về giá dịch vụ là rất phổ biến. Chứng khoán SSI không cạnh tranh bằng giá dịch vụ, mà thông qua chất lượng. Tuy nhiên, SSI trong lịch sử cũng có những giai đoạn giảm phí để thu hút và đồng hành với nhà đầu tư mới. Theo SSI, giảm phí không là biện pháp cạnh tranh mà Công ty ưu tiên, có thể khác với một số đơn vị khác.

Khi nào thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng? SSI sẽ hưởng lợi ra sao nếu thị trường nâng hạng?

Nói khi nào thì rất khó nói còn về các tiêu chí thì Việt Nam có khả năng đạt. Và khi được nâng hạng thị trường Việt Nam sẽ được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn, và SSI theo đó cũng sẽ có lợi về hoạt động.

Sau quý I/2019 thị trường chứng khoán không tăng trưởng được như dự đoán. Và đến hôm nay nhiều dự báo cho thấy khó khăn hơn so với ba tháng trước. Ngân hàng Nhà nước cũng mới có cảnh báo về dư nợ tín dụng Việt Nam, theo đó sự tăng trưởng Việt Nam bị giảm sút.

Như vậy để thấy rằng có nhiều cơ hội nhưng cũng rất nhiều thách thức để chứng khoán Việt Nam nâng hạng. Thị trường Việt khác thị trường chứng khoán nước ngoài, là UBCKNN làm hai chức năng vừa xây dựng vừa muốn kiểm soát thị trường, hiểu nôm na “vừa muốn con đạp xe nhanh vừa sợ con bị đâm ngã đau”, do đó thị trường chứng khoán có nhiều mâu thuẫn.

Thị trường dự báo không khả quan, SSI có quá lạc quan về kế hoạch kinh doanh?

Kế hoạch kinh doanh được đưa ra 3 tháng trước đại hội. Làm chứng khoán không thể một mình một kiểu, mà phải dựa vào vĩ mô, vào tình hình kinh doanh doanh nghiệp, vào thanh khoản thị trường… 3 tháng trước chúng ta không thấy có gì xấu nhưng thực tế không như kỳ vọng. Và bây giờ chúng ta cũng không thấy gì xấu… Việt Nam thường có một độ trễ, nhìn thị trường Trung Quốc hay các nước khác đã về lại đỉnh cao, nước ta thời gian tới có thể như vậy.

Với thị trường biến động, SSI đặt kế hoạch kinh doanh trên cơ sở mỗi nhóm sẽ tăng trưởng khoảng 5%, và dựa vào những gì đạt được trong năm 2018. Nhìn lại 10 năm trước, chúng ta không nghĩ được rằng chúng ta có ngày hôm nay. Chúng ta trước đó không nghĩ rằng Việt Nam có được những “deal” lớn, không nghĩ được Việt Nam có nhiều doanh nghiệp lớn như hôm nay… và SSI cũng vậy. Hiện SSI đang lên chiến lược cho 10 năm tiếp theo, tích cực tái cấu trúc để thúc đẩy tăng trưởng.

Năm 2018 Công ty đã thành lập mới Khối đầu tư độc lập, tiếp quản lại danh mục đầu tư ủy thác tại SSIAM, tổng giá trị danh mục năm qua đạt 3.514 tỷ đồng.

Theo ông có sự thao túng trên thị trường chứng khoán phái sinh không?

Tôi không có trách nhiệm quản lý, giám sát thị trường, nhưng theo quan điểm cá nhân có thể là chưa phát hiện ra.

Phát hành cổ phiếu ESOP giá 10.000 đồng/CP có thấp, bất công với cổ đông?

Tất cả phương án phát hành ESOP đều do đại hội thông qua. Tài sản lớn nhất công ty là con người, giá 10.000 đồng/CP mà ràng buộc cũng có nhiều người từ chối chứ không phải tất cả đều muốn đầu tư. ESOP cũng chỉ là một trong các giải pháp tạm chấp nhận được để người lao động gắn bó, không có gì ghê gớm.

HUYỀN TRÂM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/dhdcd-ssi-ong-nguyen-duy-hung-noi-gi-ve-kha-nang-hoan-thanh-muc-tieu-kinh-doanh-va-nang-hang-thi-truong-3504024.html