ĐHĐCĐ SCB: Sẽ xử lý 4.300 tỷ nợ xấu, chuyển dịch mô hình kinh doanh tăng thu ngoài lãi

Ngân hàng đề ra mục tiêu tăng vốn thêm 2.305 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 224 tỷ năm 2018.

Sáng ngày 28/3, Ngân hàng TMCP Sài Gòn(SCB) tổ chức đại hội đồng thường niên 2018 để thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền cổ đông.

Đại hội đã thông qua tất cả các vấn đề HĐQT trình cùng bầu bổ nhiệm ôngNguyễn Văn Thanh Hải vào HĐQT thay thế bà Nguyễn Thị Phương Loan từ nhiệm vì lý do sức khỏe.

Kế hoạch lãi 224 tỷ đồng, tăng trưởng 37%

Trình bày tại đại hội, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc cho biết chiến lược trong năm 2018 của ngân hàng là chuyển đổi cơ cấu tài chính với trọng tâm chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng tăng thu ngoài lãi, ước tính thu nhập thuần từ dịch vụ của riêng SCB đạt 650 tỷ đồng năm nay.

Đồng thời, ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng nền tảng khách hàng cá nhân, mục tiêu đến năm 2020 đạt 2 triệu khách hàng cá nhân, trong đó năm 2018 là bước đệm để phát triển khách hàng với tăng trưởng 300.000 khách. SCB cũng sẽ gia tăng khai thác và bán chéo sản phẩm đến khách hàng, nâng số lượng sản phẩm dịch vụ mỗi khách hàng cá nhân sử dụng lên 3 sản phẩm. Ước tính thu nhập dịch vụ cơ bản hàng năm mỗi khách hàng mang lại cho SCB đạt 400.000 đồng.

Theo đó, ngân hàng đề ra mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng gần 10% so với năm 2017 lên 487 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 17,8%, huy động thị trường 1 tăng 18,4%. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đặt ra là 224 tỷ đồng, tăng trưởng 37%.

Về địa bàn hoạt động, SCB sẽ đẩy mạnh khu vực nông thôn thông qua mở chi nhánh, phòng giao dịch, các hoạt động thương hiệu cũng được tập trung vào phân khúc chủ lực như mạng xã hội, digital... để quảng bá thương hiệu và tạo ra luồng khách hàng mới từ 2020.

Ngoài ra, ngân hàng dự kiến tuyển dụng thêm 1.700 nhân sự trong năm 2018 để kiện toàn kết cấu tổ chức và xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng, phát triển công nghệ ngân hàng hướng đến khách hàng và tối ưu hóa vận hành, tiếp cận phương thức quản trị rủi ro theo định hướng Basel II.

SCB kỳ vọng thu nợ quá hạn, nợ xấu và nợ vay đã bán cho VAMC là 4,300 tỷ đồng.

Tăng vốn thêm 2.305 tỷ đồng, thưởng 60 triệu cp cho cổ đông

Ông Văn cho biết ngân hàng sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 1.705 tỷ đồng theo lộ trình đã trình NHNN, dự kiến quý II thực hiện sau khi được chấp thuận. Bên cạnh đó, SCB cũng dự kiến tăng vốn từ quỹ dự trữ và lợi nhuận giữ lại khoảng 600 tỷ đồng, tức phát hành 60 triệu cp thưởng cho cổ đông hiện hữu.

Ông Văn cho biết thêm do ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu 2015-2019 nên việc chia cổ tức không được phê duyệt, do vậy ngân hàng dùng vốn dự trữ và lợi nhuận chưa phân phối để tăng vốn. Như vậy, tổng mức vốn điều lệ của SCB năm 2018 dự kiến tăng thêm 2.305 tỷ đồng lên 16.599,8 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2017, tổng giá trị tài sản hợp nhất của SCB đạt 444 ngàn tỷ đồng, tăng 82,3 ngàn tỷ so với năm trước, tốc độ tăng đạt 22,8%. Tổng huy động vốn đạt 417,7 ngàn tỷ đồng; dư nợ cho vay 266,5 tỷ, tăng trưởng tín dụng đạt 19,95%. Nợ quá hạn của SCB tính đến cuối năm qua chiếm 0,63% tổng dư nợ và nợ xấu chiếm 0,45%.

Về kết quả kinh doanh, năm qua ngân hàng đạt 164 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 20,6%.

Năm qua ngân hàng đã đầu tư thêm 88 tỷ đồng nâng sở hữu Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long từ 80,57% lên 81,1%. Hiện, SCB có 2 công ty con là Công ty TNHH 1 Thành viên Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Sài Gòn (AMC) và Bảo Long với tổng vốn góp 1.086 tỷ đồng.

Bầu thay thế một thành viên HĐQT

Tại đại hội, HĐQT trình việc miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Phương Loan chức danh thành viên HĐQT vì lý do sức khỏe và bầu bổ sung người mới cho nhiệm kỳ 2017-2022.

Người được đề cử là ông Nguyễn Văn Thanh Hải (sinh năm 1966, tại Long An) là cử nhân kinh tế ngành Tài chính ngân hàng. Ông từng là nhân viên tín dụng ngân hàng Đại Nam, chuyên viên xử lý nợ Nam Đô trực thuộc BIDV, Phó giám đốc chi nhanh Nhà Rồng SCB, Phó GĐ CN Long An SCB và Giám đốc CN Gia Định SCB, đến nay là Phó TGĐ SCB.

Đại hội thảo luận:

Vấn đề chia cổ tức nhiều năm không thực hiện?

Ông Võ Tấn Hoàng Văn:Đến 31/12/2017, ngân hàng tích lũy được hơn 600 tỷ đồng thì xin cổ đông và ngân hàng Nhà nước chia cổ tức dưới hình thức phát hành cổ phiếu.

Làm sao để nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng?

Ông Võ Tấn Hoàng Văn:Ngân hàng nhiều năm nay trích lập dự phòng lớn làm lợi nhuận thấp. Đến 2017, ngân hàng trích lập được gần 6.500 tỷ đồng nợ xấu. Đây là khoản trích lập trên nợ có tài sản đảm bảo nếu thu hồi hay xử lý được sẽ được hoàn nhập, việc thu hồi lại là gần như 100%.

Đầu năm 2017, SCB đã bắt đầu tuyển dụng nhân sự và đầu tư công nghệ thông tin khiến chi phí hoạt động tăng cao. Nhưng việc đầu tư này là cho tương lai và năm 2018 bắt đầu thu hoạch. Thời gian qua rất nhiều khách hàng góp ý tại sao cán bộ nhân viên SCB già khiến độ năng động, sức chịu đựng áp lực giảm đi nhưng vấn đề chuyển đổi cũng khá là tốn kém. Lợi nhuận ngân hàng hiện chưa tốt nhưng vấn đề nhận diện thương hiệu đã khá ổn.

Hiện nay số lượng khách hàng SCB khoảng 700-800 ngàn khách hàng, đây là khách hàng thực sự đóng góp rất nhiều cho SCB nhiều năm qua.

Nên chăng thù lao HĐQT theo lợi nhuận ngân hàng?

Ông Võ Tấn Hoàng Văn: Ngân hàng tính thù lao HĐQT trên cơ sở số cố định và không phát sinh thêm. Mức bình quân mỗi thành viên HĐQT là hơn 100 triệu đồng/tháng. Thực sự con số này là không cao so với đóng góp của HĐQT bởi nó không chỉ lương mà bao gồm các chi phí hoạt động như đi lại, công tác, tiếp khách…

Một số thành viên HĐQT còn chỉ nhận một phần nhỏ trong thù lao phần còn lại đóng góp vào quỹ chung sức SCB để hỗ trợ cán bộ công nhân viên ngân hàng.

Ngọc Điểm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/dhdcd-scb-se-xu-ly-4-300-ty-no-xau-chuyen-dich-mo-hinh-kinh-doanh-tang-thu-ngoai-lai-20180328104734127p149c165.news