ĐHĐCĐ SCB: Sẽ phát hành 60 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông

Năm 2017, SCB đạt lợi trước thuế 164 tỷ đồng. Năm 2018, SCB chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng tăng thu ngoài lãi, dự kiến tuyển dụng thêm tối thiểu 1.700 nhân sự trong năm nay.

Toàn cảnh đại hội.

Trích lập dự phòng đầy đủ khiến lợi nhuận năm 2017 khiêm tốn

Sáng ngày 28/3/2018, ngân hàng TMCP Sài Gòn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 tại TP.HCM.

Kết thúc năm 2017, SCB đạt tổng tài sản 444.032 tỷ đồng, tăng gần 23% so với năm 2016. Xét về quy mô tổng tài sản, hiện SCB đứng thứ 5 trong hệ thống các tổ chức tín dụng, chỉ xếp sau các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối.

Huy động thị trường 1 tăng 17% và đạt 353.327 tỷ đồng, chiếm gần 85%. Năm 2017, SCB hoạt động khá sôi động trên thị trường liên ngân hàng với mức tăng trưởng huy động trên thị trường này tới 115% so với năm 2016 và đạt 64.387 tỷ đồng, chiếm trên 15%.

Doanh số giao dịch và đấu thầu trái phiếu Chính phủ của SCB năm 2017 đạt hơn 101.000 tỷ đồng, đưa SCB vào nhóm 05 thành viên có thị phần giao dịch trái phiếu Chính phủ lớn nhất tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Cho vay khách hàng đạt 266.501 tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm 2016. Trong năm qua, SCB đã mở rộng thị phần cho vay đối với nhiều sản phẩm chủ lực hướng tới nhóm khách hàng cá nhân, khách hàng DNVVN (SEMs) như: Cho vay tiêu dùng, cho vay tiểu thương, cho vay bổ sung vốn lưu động, cho vay góp vốn vào doanh nghiệp, dự án…

Năm 2017, SCB đầu tư và góp vốn 77.426 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào trái phiếu Chính phủ 41.852 tỷ đồng. Đầu tư vào chứng khoán nợ của tổ chức tín dụng đạt 10.946 tỷ đồng nhằm cải thiện lợi nhuận và tạo đệm thanh khoản thứ cấp cho SCB.

Trái phiếu VAMC là 23.849 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng, SCB đã tập trung xử lý các khoản nợ xấu và trích lập dự phòng trái phiếu VAMC theo quy định…

Đến cuối năm 2017, các khoản vay Ngân hàng Nhà nước của SCB giảm mạnh tới 99% còn 38 tỷ đồng, trong đó vay để tái cấp vốn cho vay hỗ trợ nhà ở gần 36 tỷ đồng và tái cấp vốn cho người nuôi tôm và cá tra trên 2 tỷ đồng.

Năm 2017, SCB đạt lợi nhuận trước thuế ở mức 164 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016, hoàn thành 96% kế hoạch.

Theo SCB, lợi nhuận còn khiêm tốn do ngân hàng vẫn đang trong quá trình củng cố nền tảng tài chính, các chi phí tái cơ cấu phát sinh khá cao (đặc biệt là chi phí thoái thu lãi do xử lý nợ xấu), SCB cũng phải tập trung nguồn lực để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đầy đủ, dự phòng trái phiếu đúng quy định.

Tổng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2017 là 890 tỷ đồng, trong đó trích dự phòng rủi ro trái phiếu VAMC là 123 tỷ đồng.

Theo SCB, các khoản trích lập dự phòng đều là chi phí tích lũy trong hoạt động xử lý nợ, sau khi hoàn tất xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện lợi nhuận ngân hàng.

Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt mức đề ra là 9,83%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 13,8% thấp hơn nhiều so với quy định là dưới 50%.

Năm 2018 tiếp tục xử lý nợ xấu triệt để và tăng thu ngoài lãi

Bước sang năm 2018, HĐQT của SCB đặt quyết tâm thực hiện xử lý nợ xấu triệt để, cũng như chuyển đổi cơ cấu tài chính với trọng tâm là chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng tăng thu ngoài lãi.

Đẩy mạnh khách hàng cá nhân với mục tiêu 2 triệu khách hàng này vào năm 2020, trong năm 2018 sẽ tăng 300.000 khách hàng, tăng khả năng bán chéo sản phẩm.

SCB cũng thành lập Trung tâm dịch vụ khách hàng cao cấp (VIP) theo xu hướng chung của ngành. Dự kiến tuyển dụng thêm tối thiểu 1.700 nhân sự trong năm 2018.

Phát hành 60 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu

Tại đại hội, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, cho biết ngân hàng sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 1.705 tỷ đồng theo lộ trình đã trình NHNN. Dự kiến thực hiện vào quý II/2018, sau khi được NHNN chấp thuận.

Bên cạnh đó, SCB cũng dự kiến tăng vốn từ quỹ dự trữ và lợi nhuận giữ lại khoảng 600 tỷ đồng, tức phát hành 60 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết thêm do ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu 2015-2019 nên việc chia cổ tức không được phê duyệt, do vậy ngân hàng dùng vốn dự trữ và lợi nhuận chưa phân phối để tăng vốn.

Như vậy, tổng mức vốn điều lệ của SCB năm 2018 dự kiến tăng thêm 2.305 tỷ đồng lên 16.599,8 tỷ đồng.

Năm qua, ngân hàng đã đầu tư thêm 88 tỷ đồng nâng sở hữu Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long từ 80,57% lên 81,1%. Hiện, SCB có 2 công ty con là Công ty TNHH 1 Thành viên Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Sài Gòn (AMC) và Bảo Long với tổng vốn góp 1.086 tỷ đồng.

Tại đại hội, HĐQT trình việc miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Phương Loan chức danh thành viên HĐQT và bầu bổ sung người mới cho nhiệm kỳ 2017-2022. Người được đề cử là ông Nguyễn Văn Thanh Hải (sinh năm 1966, tại Long An) là cử nhân kinh tế ngành Tài chính ngân hàng. Ông từng là nhân viên tín dụng ngân hàng Đại Nam, chuyên viên xử lý nợ Nam Đô trực thuộc BIDV, Phó giám đốc chi nhanh Nhà Rồng SCB, Phó GĐ CN Long An SCB và Giám đốc CN Gia Định SCB, đến nay là Phó TGĐ SCB.

Thảo luận

Tại đại hội, một cổ đông từng làm gần 40 năm trong ngành ngân hàng cho biết đã mong chờ 5 năm nhưng SCB vẫn chưa có cổ tức cho cổ đông. Giai đoạn 2013-2017, tổng tài sản của SCB đã tăng mạnh và hiện đứng thứ 5 trong hệ thống các ngân hàng nhưng lợi nhuận lại chưa tương xứng. Tại sao SCB lại có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, số lớn lãi dự thu phải thoái và không thu được là do đâu? Về xử lý nợ xấu, trái phiếu VAMC tại SCB 25. 000 tỷ, mỗi năm phải trích lập 20% vào chi phí, trong khi đó vấn đề xử lý nợ của SCB chưa đưa ra được giải pháp nào?

Một cổ đông khác cũng nêu chưa nhận được cổ tức từ khi hợp nhất năm 2011.

Trả lời các câu hỏi của cổ đông, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết về cổ tức, mỗi năm SCB đều có kế hoạch và phải được NHNN chấp thuận.

Đến cuối 2017, SCB có dư lợi nhuận trên 600 tỷ và xin cổ đông cho phép dùng tiền này để tăng vốn. Do đó, năm 2018, cổ đông sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn này.

Tính đến cuối 2017, tổng dự phòng rủi ro của ngân hàng gần 6.500 tỷ đồng, bằng 50% vốn điều lệ của SCB. Điều thuận lợi là khi xử lý nợ xấu xong thì dự phòng này sẽ trả lại cho SCB. Cổ đông SCB chịu đựng thêm chút thời gian nữa để xử lý hết nợ xấu.

Liên quan đến thù lao cho HĐQT. SCB đã tiếp thu ý kiến của cổ đông không chi thù lao này theo chi phí hoạt động nữa. Năm 2017, SCB bổ sung thêm thành viên HĐQT, tính ra mức chi phí bình quân chỉ trên 100 triệu đồng/người/tháng là không nhiều.

Về rủi ro đạo đức của nhân viên ngân hàng thì thật ra ban lãnh đạo rất lo, vì rủi ro trong hoạt động ngân hàng thường trực và rất nhiều. Công việc của nhân viên ngân hàng rất vất vả, có khi 7-8h tối vẫn sáng đèn. Ban lãnh đạo SCB cũng rất cân nhắc về đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên.

SCB ra mắt giao diện thân thiện với người dùng

Cổ phiếu vua lại long lanh trong mắt của nhà đầu tư ngoại

SCB khai trương trụ sở mới chi nhánh Sông Hàn

LAN ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/dhdcd-scb-se-phat-hanh-60-trieu-co-phieu-thuong-cho-co-dong-3441880.html