ĐHĐCĐ LienVietPostBank: Khi hoàn thành mở rộng mạng lưới, sẽ tăng tốc phát triển

Năm 2019, LienVietPostBank dự kiến lợi nhuận đạt 1.900 tỷ đồng, sẽ chuyển niêm yết trên HOSE.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ LienVietPostBank 2018 - Ảnh: BizLIVE.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ LienVietPostBank 2018 - Ảnh: BizLIVE.

Ngày 24/5/2019, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – mã LPB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 tại TP.HCM.

Kế hoạch 2019: Chuẩn bị chuyển niêm yết cổ phiếu trên HOSE

Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank, báo cáo cổ đông về kết quả kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019.

Theo đó, năm qua ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch và đạt 1.213 tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 đạt 138.229 tỷ đồng, hoàn thành 86% kế hoạch. Tổng tài sản đạt 175.095 tỷ đồng.

Dư nợ thị trường 1 tăng 3% và đạt 120.972 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng tín dụng khách hàng nhỏ lẻ chiếm đến 90%.

Về nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, nguồn thu phí đại lý bảo hiểm tăng mạnh, chiếm 56% tổng thu thuần dịch vụ.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, ngân hàng dự kiến đạt tổng tài sản ở mức 190.000 tỷ đồng, tăng 8,5%. Huy động thị trường 1 đạt 165.000 tỷ đồng, tăng 19,3%. Dư nợ thị trường 1 đạt 140.000 tỷ đồng, tăng 15,7%. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2018.

Vốn điều lệ tăng từ mức 7.500 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng. Chi trả cổ tức cho cổ đông bằng năm 2018 và ở mức 10%.

Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ LienVietPostBank 2018.

Năm nay, LienVietPostBank sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như: cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Về thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát, năm 2018, LienVietPostBank đã chi 38,8 tỷ đồng. Năm 2019, dự kiến sẽ chi 40 tỷ đồng.

Năm 2019, ngân hàng dự kiến chuyển sàn niêm yết cố phiếu LPB từ sàn UPCoM sang Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Dự kiến hoàn thành trước 31/12/2020.

Thảo luận

Cổ đông: Năm ngoái, ban lãnh đạo nói rằng LPB sở hữu mạng lưới gần như nhiều nhất trong khối ngân hàng. Mạng lưới nhiều ở nông thôn nhưng chưa hiệu quả mà ở Hà Nội và TP.HCM lại ít, nên tập trung mở rộng ở những khu đông đúc này. Lợi nhuận năm 2018 tương đối thấp trong khối. Công ty chứng khoán thuộc LPB nếu không hiệu quả thì bán, hoặc giải thể?

Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LPB: Sau khi ngân hàng liên kết với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), những điểm giao dịch của VNPost được nâng cấp lên thành PGD của ngân hàng. Vừa rồi những điểm giao dịch này chỉ làm hỗ trợ huy động vốn cho ngân hàng, chúng tôi buộc phải nâng cấp lên thành PGD để chiếm lĩnh thị trường.

Năm 2019-2020, LPB phải "phủ sóng" các PGD thì mới mở rộng cho vay bán lẻ được.

Năm 2018, LPB điều chỉnh lợi nhuận vì đã đưa 182 PGD đi vào hoạt động, nhân sự và cơ sở vật chất tăng nên chi phí tăng. Chúng ta đẩy mạnh bán lẻ tránh phụ thuộc vào khách hàng lớn. Lợi nhuận giảm vì vốn đầu vào tăng lên. Để tăng lợi nhuận thì phải tăng bán lẻ.

Năm 2019, đưa thêm 150 PGD vào hoạt động. Không phải ngân hàng nào cũng có điều kiện mở rộng mạng lưới như LPB. Cổ đông cúng ta kiên nhẫn một chút, trong 1-2 năm nữa là xong mạng lưới. Tại Hà Nội và TP.HCM thực chất ngân hàng có mở nhiều điểm giao dịch thì khả năng bán lẻ rất khó cạnh tranh với công ty tài chính. Việc mở rộng PGD đến các cấp huyện, xã tại các tỉnh, thành phố để tăng bán lẻ.

Cổ đông: Năm 2018, tăng vốn điều lệ có thành công không, vì bản thân tôi được mua nhưng đã không mua vì giá trị cổ phiếu không bằng giá trị thực của nó. CTCK của LPB chưa hỗ trợ cổ phiếu hiệu quả. Niêm yết trên HOSE không nhất thiết vào cuối năm 2020, nên chớp thời cơ sớm. Huy động vốn có đến trên 90% là kỳ hạn ngắn dưới 1 năm. Ngân hàng sẽ giảm thiểu rủi ro thế nào? Nguồn thu từ lãi 14.000 tỷ đồng, nhưng lãi phải thu 3.800 tỷ đồng. Lãi dự thu này có vấn đề khó thu không?

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LPB: Khi đầu tư bao giờ cũng có độ trễ, thường 1-2 năm sau mới thu hoạch được.

Năm 2017, LPB chưa mở mạng lưới nên chi phí hoạt động thấp, trong khi tín dụng tăng 20% nên lợi nhuận cao. Năm 2018, tín dụng tăng thấp hơn. LPB cũng chỉ mới 11 tuổi thôi trong khi các NHTM khác hơn 25 tuổi, sự cạnh tranh tốt nhất của LPB trong lĩnh vực nông thôn là đúng mục tiêu và mở rộng cho vay tiêu dùng, cho vay nhỏ lẻ… Phải chứng minh rằng mình mạnh hơn đối thủ cái gì để tập trung vào đó.

Việc mở rộng mạng lưới của LPB tại Hà Nội và TP.HCM phải có sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Còn mở ở nông thôn thì lại được khuyến khích. Năm 2020, sẽ phối hợp với VNPost để cho vay vi mô.

LPB cũng tập trung phát triển ngân hàng số. Khi tôi làm việc tại một đài truyền hình của Nhật, họ có hỏi: Tại sao LPB đi 2 chân trái ngược nhau, vừa phát triển nhiều điểm giao dịch vừa phát triển ngân hàng số không chi nhánh?

Thứ nhất, tại Việt Nam trình độ dân trí không đồng đều. Nếu tại nông thôn phải có con người ở các chi nhánh, PGD để hướng dẫn người dân, còn khi phát triển ổn định và dân trí nâng tầm ngân hàng sẽ tự động hóa và phát triển ngân hàng số, do đó sẽ giảm dần nhân sự.

Về chuyển sàn niêm yết sang HOSE của cổ phiếu LPB, thời gian cho phép tối đa cuối 2020. Vấn đề là thời điểm lên sàn phải có lợi cho cổ đông.

Về tăng vốn điều lệ, năm 2017-2018, LPB đã đặt vấn đề tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng nhưng không hoàn thành do ảnh hưởng của thị trường và kinh tế thế giới như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... Nhưng ảnh hưởng đó chỉ là tạm thời.

Từ khi thành lập đến nay là 11 năm, năm nào cũng chia cổ tức đều đặn 10%. Nếu cổ đông vẫn giữ cổ phiếu thì nhận được tổng mức cổ tức 110%. Chúng tôi nhận được đánh giá của các CTCK có tên tuổi về LPB, giá trị cổ phiếu là 14.000-15.000 đồng.

Về thù lao HĐQT và Ban kiểm soát. Trong 11 năm qua, quy mô của LPB tăng 2 lần, tăng vốn 40 lần nhưng thù lao HĐQT và Ban kiểm soát không thay đổi. Bản thân cá nhân chúng tôi sẽ sử dụng tiết kiệm nhất. Thù lao này là trung bình thấp trong khối ngân hàng.

Ông Phạm Doãn Sơn cho biết thêm, CTCK của LPB nhưng ngân hàng góp vốn 11%, chi phí của ngân hàng tại đây rất nhỏ và CTCK này không ảnh hưởng tới ngân hàng. Tới đây, chúng tôi cũng xem xét để CTCK hỗ trợ cổ phiếu LPB.

Ngân hàng Nhà nước đã quy định tỷ lệ cho vay ngắn hạn cho trung dài hạn chỉ còn 40%, và còn 35% vào đầu năm 2020. Vốn dài hạn của LPB ngoài vốn chủ sở hữu ngân hàng sẽ huy động từ nước ngoài. Hiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ 35%. Cổ đông yên tâm. Về lãi phải thu 25% không phải là lớn. Năm 2018, tỷ lệ này trong các quý giảm dần.

Cổ đông: Hệ số CAR là bao nhiêu? Lộ trình áp dụng Basel II như thế nào? Vốn huy động không kỳ hạn giảm trong 2 năm gần đây. Tại sao lại giảm nhiều, vì nó ảnh hưởng đến chi phí vốn? Lợi nhuận 1.900 tỷ có đạt được?

Ông Phạm Doãn Sơn: Hệ số CAR của LPB khoảng 11%, cao hơn quy định 9%. Năm 2020, Basel II phải được áp dụng vào hoạt động ngân hàng.

Lợi nhuận 2019 là 1.900 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2018. Đây là mức lợi nhuận tính theo tốc độ tăng trưởng tín dụng 14%. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động của năm 2019 sẽ giảm vì chi phí mở mới PGD đã tính hết vào năm 2018. Do đó, con số lợi nhuận là sẽ đạt được.

LAN ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/dhdcd-lienvietpostbank-khi-hoan-thanh-mo-rong-mang-luoi-se-tang-toc-phat-trien-3503825.html