ĐHĐCĐ CII: 'Năm 2018 là năm khó khăn nhất kể từ ngày thành lập công ty'

Năm 2019 CII trình kế hoạch lợi nhuận sau thuế 920 tỷ đồng, chủ yếu đến từ mảng bất động sản, vì vậy tại thời điểm này CII chắc chắn hoàn thành và có thể vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Sáng ngày 18/04/2019, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2018 của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật (mã CII) đang diễn ra tại TP. HCM.

Trong bài phát biểu, báo cáo hoạt động năm 2018 và kế hoạch kinh doanh năm 2019, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII cho biết, năm 2018 là năm khó khăn nhất kể từ ngày thành lập CII.

Theo đó, ngày 28/03/2019, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu tạm dừng sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư các dự án theo hợp đồng BT. Đến ngày 28/12/2018 (ngày làm việc cuối cùng của năm tài chính 2018) Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 160/NQ – CP quy định việc thanh toán của các Hợp đồng BT được ký kết trước ngày 1/1/2018 vẫn tiếp tục thực hiện.

Trong suốt năm 2018, CII không được thanh toán bất kỳ hợp đồng BT nào đã ký kết. CII đánh giá việc tạm dừng thanh toán các dự án theo hợp đồng BT không những gây ảnh hưởng đến dòng tiền vào của CII mà còn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của CII, phá vỡ tất cả các dự tính, dự báo của CII trong năm 2018.

Thêm vào đó, dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận chậm tiến độ so với kế hoạch do các ngân hàng yêu cầu nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu từ 15% lên 30% tổng mức dự án qua đó các nhà đầu tư phải huy động thêm gần 1.000 tỷ đồng và CII đứng ra huy động thêm khoản vốn góp này. Việc huy động thêm gần 1.000 tỷ đồng khiến CII gặp rất nhiều áp lực tài chính trong năm qua, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền của CII bị vướng mắc.

Nhà đầu tư CTCP Tập đoàn Yên Khánh, một cổ đông chiếm 30% vốn tại doanh nghiệp thực hiện dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã có một số sai phạm pháp lý. Do vậy, các ngân hàng tài trợ yêu cầu phải thay thế Yên Khánh mới đồng ý giải ngân vốn vay cho dự án. Tuy nhiên, thực tế, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa thể cho phép thay thế nhà đầu tư Yên Khánh bằng nhà đầu tư khác trong liên danh, dẫn đến bế tắc.

Ngày 20/02/2019, Thường trực Chính phủ đã họp và đồng ý giải quyết vướng mắc tạo điều kiện để dự án tiếp tục triển khai.

Ngoài ra, các vấn đề của dự án BOT Xa lộ Hà Nội cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của CII trong năm 2018.

Năm 2018, CII đạt 95 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ, vì vậy, CII xin không chia cổ tức năm 2018.

Năm 2019, CII trình kế hoạch doanh thu 5.400 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ hợp nhất 932 tỷ đồng, sau khi trừ lợi thế thương mại là 717 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức kế hoạch 32%.

Đại hội thảo luận

Liên quan đến khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 920 tỷ đồng, ông Lê Quốc Bình cho biết, lợi nhuận kế hoạch năm 2019 chủ yếu đến từ mảng bất động sản (thoái vốn, chuyển nhượng dự án bất động sản), vì vậy tại thời điểm này CII chắc chắn hoàn thành được (khả thi) kế hoạch lợi nhuận đề ra và có thể vượt. Bên cạnh đó, năm nay sẽ có sự đóng góp lợi nhuận lớn từ Năm Bảy Bảy (mã NBB).

Liên quan đến việc liên tục tăng tỷ lệ sở hữu của CII tại NBB, lãnh đạo CII cho biết, CII định giá NBB có giá trị 71.900 đồng/cổ phiếu, với thị giá khoảng 2.x, không lý do gì CII không đầu tư vào NBB. Bên cạnh đó, tới đây HĐQT của NBB sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc thoái vốn tại các dự án bất động sản. CII ước tính nếu NBB thoái hết toàn bộ vốn khỏi các dự án bất động sản có thể thu về 5.000 tỷ đồng, năm 2019 lợi nhuận của NBB ước tính sẽ đạt được 870 tỷ đồng.

Năm ngoái NBB đã thoái vốn khỏi 2 dự án NBB 2 và NBB 4, năm 2019 tiền từ việc thoái vốn 2 dự án này sẽ về, khoảng 2.000 tỷ đồng.

Về mục tiêu đầu tư vào NBB, CII không có năng lực phát triển mảng bất động sản, nhưng CII có năng lực phát triển quỹ đất thông qua các dự án BT và BOT.

Đại hội đồng cổ đông đã thông qua tất cả các nội dung trình tại Đại hội.

HỒNG QUÂN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/dhdcd-cii-nam-2018-la-nam-kho-khan-nhat-ke-tu-ngay-thanh-lap-cong-ty-3502983.html