ĐHCĐ Tập đoàn Masan: Tăng gấp đôi doanh thu năm 2020, trở thành nền tảng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam

Masan Group trả cổ tức bằng tiền mặt 10% và sẽ thiết lập một chính sách cổ tức để trả cho các cổ đông như hàng năm. Masan Consumer, một thành viên của Masan cũng đề xuất mức cổ tức bằng tiền mặt lên tới 45%, năm thứ 7 liên tiếp trả cổ tức bằng tiền mặt.

Hôm nay, ngày 30/6, ngày cuối cùng theo hạn định để một doanh nghiệp niêm yết tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ). Nhưng đây không phải là lý khiến gia đình Masan tổ chức ĐHCĐ “3 trong 1” bao gồm đại hội của Tập đoàn Masan (HOSE, mã: MSN) và 2 công ty thành viên niêm yết (Masan Consumer (UpCoM, mã: MCH) và Masan MEATLife (UpCoM, mã: MML).

Masan muốn chia sẻ với cổ đông, dù là của thành viên nào, cơ hội để đánh giá đầy đủ nền tảng tích hợp độc đáo mà Masan đang xây dựng nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt Nam. Bằng việc Masan gia nhập vào ngành bán lẻ thông qua sáp nhập VinCommerce (VCM), MCH và MML đều được kỳ vọng sẽ tạo ra sự hiệp lực đáng kể, đẩy nhanh các chiến lược tập trung vào người tiêu dùng và mang lại giá trị vượt trội cho cổ đông.

Bỏ phiếu các tờ trình qua hệ thống điện tử, và vì vậy, tất cả cổ đông cả 3 công ty đều ngồi chung trong một hội trường để nghe lãnh đạo Masan trình bày về 2019 và kế hoạch lớn cho năm 2020 và các năm tới, đánh dấu sự chuyển đổi của Tập đoàn, với chủ đề “Our Journey is The Consumer’s Journey – Con đường chúng ta đi”.

Thuyết trình chính tại ĐHCĐ của cả 3 công ty, vẫn là ông Danny Le như năm ngoái, chỉ có điều vị lãnh đạo 8x năm nay xuất hiện với một tư cách khác Tổng giám đốc Tập đoàn Masan - người dẫn dắt thế hệ thứ hai tại Tập đoàn Masan có 24 năm thành lập.

Còn người đại diện thế hệ đầu là tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan xuất hiện với vai trò MC và người kể chuyện về một con đường của Masan.

Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group: “Tại Masan, chúng tôi luôn xuất phát với một vạch đích được xác định rõ ràng. Mục tiêu của chúng tôi là dẫn đầu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc chứ không chỉ giới hạn ở một vài địa phương. Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%. Yếu tố thay đổi cuộc chơi là khi Masan không chỉ có kênh mua sắm hiện đại cho các cư dân thành thị mà còn mang trải nghiệm tuyệt vời này đến phục vụ cả người tiêu dùng ở nông thôn”.

“Masan đang ở vị thế sẵn sàng cho sứ mệnh này nhờ mối quan hệ mật thiết và lâu dài sẵn có với hơn 300.000 điểm bán lẻ truyền thống. Từ chỗ đơn thuần bán sản phẩm của Masan như hiện nay, họ sẽ trở thành một phần trong nền tảng bán lẻ của chúng tôi thông qua mô hình nhượng quyền và mối quan hệ đối tác mật thiết, giúp mang đến lợi ích cho cả hai bên và cho chính người tiêu dùng.”

“Năm 2020, Masan Group sẽ không mở rộng kinh doanh quá nhanh chóng, mà sẽ nỗ lực để đảm bảo mô hình hiện có tiếp tục bền vững khi tăng quy mô. Tôi tin rằng nếu cùng thực thi quyết liệt và kiên định với chiến lược, chúng tôi không những sẽ trở thành nền tảng bán lẻ hàng đầu Việt Nam mà còn có thể đạt được biên lợi nhuận hai chữ số.”

Năm 2025, doanh thu của Masan sẽ đạt 150-250 nghìn tỷ đồng

Nếu như ngày hôm qua (29/6), một thành viên khác của Tập đoàn Masan là CTCP Tài nguyên Masan (HNX, mã: MSR) công bố chiến lược Vươn ra toàn cầu (Go Global) với trọng tâm là thương vụ mua lại nền tảng kinh doanh của H.C Starck (ước giá trị 40 triệu USD) để đưa MSR thực sự trở thành công ty toàn cầu có nhà máy tại Trung Quốc, Canada, Đức với 150 bằng sáng chế trong lĩnh vực khai khoáng…, thì hôm nay, Masan nói nhiều về kế hoạch tăng doanh thu gấp đôi ngay năm 2020. Tâm điểm câu chuyện chính là thương vụ đình đám sáp nhập VinCommerce (thương hiệu Vinmart) vào hệ thống của Masan Consumer.

Trong bài thuyết trình của mình, ông Danny Le cam kết trong vòng 5 năm tới người tiêu dùng sẽ có một trải nghiệm rất mới trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng. VinCommerce với hệ thống là hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam, đang được tái cấu trúc một cách từ từ theo hướng phát triển cả cả online và offline. Mô hình của Wallmart, Amazon, Costco, Tesco… được lấy là ví dụ để tham khảo. Câu chuyện tái cấu trúc hệ thống bán lẻ này, còn tiếp tục để thực hiện mục tiêu đưa hệ thống bán lẻ của Masan lọt vào top 50 toàn cầu.

Ông Danny Le

Ông Danny Le

Đánh giá về môi trường kinh doanh và hoạt động chung của Tập đoàn Masan, ông Danny Le đã trình bày và chia sẻ nhiều thông điệp. Cụ thể, với việc sáp nhập VinCommerce, Masan đã có một bước tiến lớn để trở thành Tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu và nâng cao khả năng phục vụ tốt hơn các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.

Hiện tại, Masan hoạt động trong các lĩnh vực như hàng tiêu dùng nhanh, sản phẩm tươi sống và dịch vụ tài chính (thông qua cổ phần đáng kể trong Techcombank), các lĩnh vực này chiếm khoảng 50% chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, Masan đặt mục tiêu trở thành điểm đến phục vụ nhu cầu đa dạng hơn của người tiêu dùng Việt Nam bằng cách xây dựng một nền tảng đặt người tiêu dùng làm trọng tâm, có thể đáp ứng các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí/xã hội và truyền thông.

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và tầng lớp trung lưu gia tăng, tuy nhiên người tiêu dùng Việt vẫn phải chi trả quá cao cho những nhu cầu tiêu dùng thiết yếu do thiếu sự đổi mới sáng tạo và quy mô (đặc biệt về cơ sở hạ tầng phục vụ tiêu dùng). Để giải quyết những nhu cầu lớn chưa được đáp ứng, Masan đặt mục tiêu thúc đẩy hợp nhất trong các danh mục và thị trường nơi Tập đoàn hoạt động để mang lại hiệu quả trong chuỗi giá trị vì lợi ích của cả người tiêu dùng và nhà cung cấp.

“Masan có khả năng dẫn dắt sự thay đổi, hợp nhất nền tảng thành công thông qua sự đổi mới sáng tạo và xây dựng các thương hiệu mạnh. Với việc sáp nhập VCM, Masan đang bước vào giai đoạn chuyển đổi tiếp theo bằng cách sở hữu và mở rộng cả sự hiện diện tại các cửa hàng offline và nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận trực tiếp đến người tiêu dùng, nơi hành trình và trải nghiệm của người tiêu dùng ngày càng trở nên quan trọng”, ông Danny Le nói.

“Dự kiến đến năm 2025, doanh thu của Masan sẽ đạt 150-250 nghìn tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận hoạt động 14-15%, do: Tăng trưởng đến từ các sản phẩm nhãn hàng riêng, phát triển mạnh kênh bán hàng trực tuyến, các sản phẩm độc quyền tại các địa điểm bán lẻ, mở rộng mạng lưới phân phối thông qua các cửa hàng và nhượng quyền bán lẻ trong tương lai.”

The CrownX

Người trình bày sau ông Danny Le là ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT Masan Consumer vẫn là tâm điểm Vincommerce, câu hỏi mà ông Thắng đưa ra đó là làm sao Masan Consumer và Vincommerce kết nối với từng hộ tiêu dùng?

Trả lời câu hỏi này là một thành viên mới của Masan, tại đại hội, Masan đã giới thiệu một thành viên mới được thành lập Công ty The CrownX, công ty sở hữu cổ phần của Masan Consumer và Vincommerce. Theo ông Thắng, The CrownX sẽ tận dụng thế mạnh là nhà sản xuất có thương hiệu và nhà bán lẻ hàng đầu của cả 2 công ty.

Các ưu tiên chiến lược chính của The CrownX là phát triển mạng lưới cửa hàng và chuỗi cung ứng vượt trội - đảm bảo độ bao phủ cả nước; phát triển VCM thành mô hình kinh doanh hàng tiêu dùng với các thương hiệu mạnh– trở thành top 50 thương hiệu toàn cầu; Phát triển danh mục sản phẩm độc quyền (lên đến 40%) cùng đối tác và nhà cung cấp chiến lược; sở hữu dữ liệu chi tiêu nhu yếu phẩm của hộ gia đình; xây dựng công ty thành Top “10 công ty có môi trường đáng làm việc” tại Việt Nam.

Một tương lai khá rõ nét dành cho The CrownX, chẳng hạn là số hóa, cho phép người tiêu dùng có thể tham gia hệ thống tích điểm ngay tại nhà thông qua mỗi sản phẩm của Masan trong các bếp ăn, thay vì tích điểm tại điểm bán như hiện tại. Năm 2021 sẽ bắt đầu mô hình nhượng quyền của Vinmart ở quy mô lớn, để sử dụng sức mạnh toàn dân… hướng tới 30-50 triệu tương tác trực tiếp với người tiêu dùng Việt Nam hàng ngày…

Và chuyện thành công của thịt mát

Ngành thịt với đại diện của Masan là Meatlife với sản phẩm thịt mát MeatDeli thời gian vừa qua. Ông Phạm Trung Lâm, Tổng giám đốc Masan Meatlife cho biết, sự tích hợp giữa nhà sản xuất là Meatdeli và nhà bán lẻ (là Vinmart) đã khiến sản lượng tăng gấp đôi ở một loạt điểm bán. Việc tiếp tới của MML là làm sao đưa sản phẩm tới tất cả các điểm chế biến, tiếp theo là đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Đặc biệt theo ông Lam, MML đang cân nhắc mở rộng sản phẩm ngoài thịt heo là thịt bò, gà,… nhưng theo cách sản phẩm thịt mát của Meatdeli đã làm.

Ngay trong nửa cuối năm nay MML sẽ có thêm một nhà máy chế biến mới tại Long An đi vào hoạt động, giúp nâng sản lượng thịt mát Meadeli tăng lên và thuận lợi hơn trong việc phục vụ người tiêu dùng phía Nam.

Năm 2019…

Năm 2019 đã ghi nhận nhiều thành tựu vượt trội của Masan. Tập đoàn Masan đạt doanh thu thuần 37.354 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho Cổ đông của Công ty trong hoạt động kinh doanh chính năm 2019 đạt 3.907 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2018. Masan Group chính thức thiết lập nền tảng Tiêu dùng – Bán lẻ hàng đầu Việt Nam với việc sáp nhập VCM.

Masan Consumer

Doanh thu thuần của MCH tăng 8,6% lên 18.845 tỷ đồng trong năm 2019 so với mức 17.346 tỷ đồng năm 2018, nhờ vào chiến lược xây dựng thương hiệu dựa trên sản phẩm đột phá. Động lực chính đến từ sự tăng trưởng một chữ số của ngành hàng thực phẩm nhờ chiến lược cao cấp hóa và ra mắt sản phẩm mới, được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng hai chữ số của danh mục đồ uống cũng như mức tăng trưởng gần gấp đôi của ngành hàng thịt chế biến, bù lại cho sự sụt giảm của ngành bia và cà phê. EBITDA năm 2019 tăng 12,7% lên 4.695 tỷ đồng so với 4.167 tỷ đồng năm 2018.

Masan Meatlife

Biên lợi nhuận gộp của MML trong năm 2019 là 16,4%, tăng 140 điểm cơ bản so với mức 15,0% của năm 2018 nhờ giá cả hàng hóa thấp hơn. Biên EBITDA năm 2019 là 11,3%, tăng 240 điểm cơ bản so với 2018 nhờ biên lợi nhuận gộp cao hơn và tỷ lệ chi phí SG&A trên doanh thu giảm 30 điểm cơ bản.

Cùng với việc ra mắt các phát kiến thịt mát chế biến, mở rộng mạng lưới phân phối của MEATDeli trong năm 2019 cộng hưởng với hơn 3.000 điểm bán lẻ hiện đại của VinCommerce (“VCM”), MEATDeli được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng chính trong tương lai gần.

Masan High-Tech Materials (trước là Masan Resources)

Năm 2019, doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt 4.706 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2018, phản ánh môi trường kinh doanh đầy khó khăn, thử thách trong năm 2019. Nhu cầu toàn cầu suy yếu, khối lượng sản xuất sụt giảm cùng với ảnh hưởng lớn bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến giá các hàng hóa của công ty giảm xuống trong suốt năm qua. MSR đã hoàn tất mua lại mảng kinh doanh Vonfram của H. C. Starck.

Đây là bước đi chiến lược trong tầm nhìn trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt hàng đầu thế giới của MSR. Giao dịch mang đến cho MSR lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu, tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3.5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD.

Techcombank

Lợi nhuận trước thuế tăng 20,4% đạt 12.838 tỷ đồng trong năm 2019 so với mức 10.661 tỷ đồng trong năm 2018.

Năm 2020

Trong dự toán tài chính năm 2020 đề xuất với cổ đông, Masan Group đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt từ 75.000 đến 85.000 tỷ đồng (tăng trưởng 101% đến 128% so với năm 2019) và lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận thiểu số đạt từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng. Lợi nhuận dự kiến sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm nay.

Với tiềm năng tăng trưởng bền vững, các công ty thành viên của Masan Group đã đề ra mục tiêu cho năm 2020:

VCM: Biên EBITDA cả năm đạt -3% ở mức hòa vốn và có thể đạt mô hình hòa vốn ở nửa cuối năm 2020.

MCH: Dự kiến doanh thu MCH tăng 15%+ và đạt tăng trưởng lợi nhuận ở mức 2 chữ số.

MML: Doanh thu ngành thịt đóng góp 20% vào doanh thu gộp và phát triển nền tảng thịt chế biến để tối ưu hóa lợi nhuận. Thức ăn chăn nuôi dự kiến tăng trưởng đều đặn như hằng năm với tiềm năng tăng nếu quá trình tái đàn lợn diễn ra nhanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng

MSR: Tập trung vào mảng tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Starck’s để trở thành nhà chế tạo các sản phẩm vonfram midstream giá trị gia tăng toàn cầu.

Năm 2020, Masan sẽ tiếp tục tối đa hóa vị thế thanh khoản của mình để đảm bảo có đủ tiền mặt trong tình hình đại dịch COVID-19 kéo dài và có thể đầu tư vào các mảng kinh doanh chiến lược hoặc thông qua M&A.

Trong phần hỏi đáp, lãnh đạo Masan cho biết đối với VinCommerce trong quý IV năm ngoái mở rộng mạng lưới khá mạnh, nên cần thời gian để đạt điểm hòa vốn, điều này khiến quý I/2020 vẫn tiếp tục lỗ. Chia sẻ thêm, lãnh đạo Masan cho biết, hệ thống Vinmart tại Hà Nội đã hòa vốn và năm nay sẽ có lãi, tuy nhiên tại phía Nam thì chưa đạt được điều này. Tuy nhiên, Masan vẫn kiên định mục tiêu sẽ đưa Vincommerce hòa vốn năm nay.

Liên quan tới việc phân phối sản phẩm cho Masan Consumer, hệ thống bán lẻ (Vinmart và Vinmart+) hiện giống như các kênh phân phối khác vì chỉ giúp tạo ra được 1% doanh thu cho Masan Consumer, tương đương các siêu thị khác.

Trước câu hỏi liệu Masan có đổi thương hiệu của Vinmart và Vinmart+ không? Lãnh đạo Masan không đi thẳng vào câu hỏi mà cho biết Masan tin rằng đổi mới là động lực của tăng trưởng, tuy nhiên, việc thay đổi như thế nào sẽ được chia sẻ vào một dịp phù hợp, nhưng VinCommerce sẽ phải liên tục tự thay đổi mình để phục vụ khách hàng và duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Với câu hỏi của cổ đông về việc có tham gia lĩnh vực làm đẹp không, lãnh đạo Masan trả lời là "có", tuy nhiên sẽ nghiên cứu cách làm khác các doanh nghiệp trên thị trường, đáp ứng những nhu cầu chưa được phục vụ của người tiêu dùng.

Về giá thịt heo cao có ảnh hưởng gì tới MeatDeli không? Lãnh đạo Masan cho biết hiện nhà máy của của MML tại Hà Nam được cung cấp tới 80% nguyên liệu từ trang trại tại Nghệ An, nên mức độ ảnh hưởng không lớn.

Đặng Khôi

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep/dhcd-tap-doan-masan-tang-gap-doi-doanh-thu-nam-2020-tro-thanh-nen-tang-tieu-dung-ban-le-hang-dau-viet-nam-333517.html