ĐHCĐ May Việt Tiến: Đầu tư vào công nghệ cho sự phát triển bền vững

ĐHCĐ ngày 27/4 của Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG – UPCoM) Ban lãnh đạo cho biết, Tổng công ty sẽ tiếp tục thay đổi từ khả năng điều hành, sáng tạo sản phẩm và đặc biệt tập trung hiện đại hóa từ hình ảnh thương hiệu đến công nghệ sản xuất cũng phải tự động hóa. Dự kiến, cổ tức 2019 tối thiếu 30% bằng tiền mặt.

Đại hội CTCP May Việt Tiến

Đại hội CTCP May Việt Tiến

Việt Tiến thay đổi hoàn toàn để tồn tại

Năm 2019, công ty đặt kế hoạch thận trọng ở năm 2019 với doanh thu là 8.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 380 tỷ đồng, so với thực hiện 2018, giảm lần lượt 9% và 8%. Tuy nhiên, về thu nhập bình quân cho hơn 8.000 người lao động là 9,5 triệu người/tháng, tăng 2% so với năm ngoái.

Định hướng của HĐQT Việt Tiến trong năm 2019 đối với nội địa là rà soát và phát triển các kênh phân phối, đầu tư nâng cấp thương hiệu và mở thêm các cửa hàng, đại lý quy mô lớn mặt bằng từ 18-20m; đa dạng chủng loại sản phẩm; đẩy mạnh phân phối thương hiệu giày Skechers và đầu tư mua thêm một số thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài cho các mặt hàng mới và đồ phụ kiện.

“Đối với thị trường xuất khẩu, đủ hàng cho công nhân làm việc là thách thức. Thị trường Nhật chiếm 32% trong tỷ trọng cơ cấu doanh thu 2018, Việt Tiến xem là một rủi ro vì muốn hài hòa giữa các thị trường, mỗi thị trường chiếm tỷ trọng từ 15-25% là hợp lý”, ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc Việt Tiến cho biết.

Dự kiến khoản đầu tư trong năm 2019 là 400 tỷ đồng, tăng 47% so với thực hiện 2018. Ngoài việc nâng cấp đầu tư các nhà máy, đáng chú ý là Tổng công ty chú trọng vào việc sửa chữa, nâng cấp môi trường làm việc, nước thải, đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời để đáp ứng những yêu cầu đánh giá khắt khe của khách hàng lớn như Nieki.

Đồng thời, công ty đang đầu tư chuyển đổi và xây dựng Trung tâm phát triển mẫu thời trang, sàn trình diễn thời trang (catwalk) để quảng bá, trình diễn các mẫu thiết kế sản phẩm theo từng quý.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam - Vinatex (sở hữu trên 30% vốn góp tại VGG) cho biết Tập đoàn thống nhất cao với các tờ trình và đặc biệt là việc tiếp tục đầu tư công nghệ quản trị thông minh. Năm 2018, Việt Tiến là đơn vị hoạt động lâu năm duy nhất có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong tập đoàn, tăng 16% doanh thu và 15,6% lợi nhuận, trong khi các doanh nghiệp dệt may vốn Việt trung bình chỉ tăng trưởng 8,9%.

Tại phần thảo luận cổ đông hỏi về kết quả quý I/2019, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Việt Tiến cho biết, năm nay so với cùng kỳ vẫn có tăng trưởng, quý II cũng tốt. Nhưng quý III là một thách thức vì việc chuyển dịch đơn hàng hiện tại rất nhanh khó nắm bắt, tuổi thọ của thời trang càng ngày càng ngắn chỉ 1-2 tháng. Và nhiều đơn hàng FOB yêu cầu phải đáp ứng nhanh chỉ trong 14-20 ngày thì cần phải cất sẵn vải và giao bằng máy bay.

Giải thích về việc tại sao Việt Tiến để kế hoạch thận trọng, ông Giang cho biết, cũng như các doanh nghiệp may khác, Việt Tiến bị áp lực về việc các Hiệp định thương mại trong khi ngành sợi, dệt nhuộm đang phụ thuộc vào nhập khẩu, mà yêu cầu khi hợp tác là thị trường Việt Nam phải ổn định và vải phải lấy tại Việt Nam.

Từ đó, liên quan đến một số nước cũng tham gia vào Hiệp định thương mại thuế quan có tính toàn diện thì hơn chúng ta ở chỗ họ có vải sản xuất ở trong nước làm cho các đơn hàng của Việt Nam bị chuyển dịch sang các nước đó.

Thứ 3 là về tiền lương nhân công của Việt Nam đang cao, so với Banglades thì Việt Nam cao gấp 2,5 lần. Cụ thể, nước bạn là 120 - 130 USD thì Việt Nam là hơn 400 USD/người/tháng làm tăng chi phí sản xuất, giá cao thì mất tính cạnh tranh về giá.

Cuối cùng là về yếu tố phát triển các nguồn lực nhân sự tại đơn vị thành viên, các cán bộ cấp cao đang thiếu rất nhiều.

Cổ đông thắc mắc về việc dự án Việt Long Hưng là dự án lớn của Việt Tiến nhưng công ty nắm 40% và South Island Garment SDN.BHD nắm vốn chi phối ông Giang cho biết, vì VGG muốn tận dụng và học hỏi công nghệ, hệ thống quản trị của đối tác chiến lược, nếu không có South Island thì không có Việt Tiến phát triển như ngày nay.

Chưa có được lợi ích từ Hiệp định CPTPP

Tại đại hội, ông Giang cho rằng, các doanh nghiệp ngành Dệt may Việt Nam trong đó có Việt Tiến chưa được hưởng các lợi ích từ các Hiệp định thương mại FTA và CPTPP.

“Vì trong bối cảnh hiện tại, phần cung thiếu hụt là sợi và vải, trong khi đó chúng ta vẫn chưa có sự đầu tư tự sản xuất thì khó để hưởng lợi từ thuế quan. Đồng thời, Hiệp định ký với EU sắp tới cũng đòi hỏi vải phải sản xuất tại Việt Nam. Các nước thành viên trong CPTPP là Cananda và Úc có thị phần nhập khẩu rất nhỏ. Đồng thời kết cấu diễn biến của thị trường ngành Dệt may thay đổi nhanh, khi thời tiết thay đổi, mối quan hệ chính trị có vướng mắc thì các đơn hàng có thể dừng lại ngay lập tức hoặc giảm.”

Chia sẻ với cổ đông, ông Giang cho thêm, về đơn hàng Uniqlo Nhật, Việt Tiến đang phải cạnh tranh với chính công ty Trung Quốc tại Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc đã có nhà máy sản xuất sợi, dệt và hiện tại là đã bắt đầu may tại Việt Nam, họ đầu tư nhà xưởng và các dây chuyền máy móc thì đưa từ Trung Quốc sang, khách hàng Uniqlo bị xẻ ra cho doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi Việt Nam đã phải hy sinh các ngành nghề khác để có được Hiệp định thương mại CPTPP và FTA hiện nay chủ yếu là cho ngành Dệt may và Da giày nhưng nút thắt cổ chai lại nằm ở nguyên liệu, phần cung thiếu hụt. Cuối cùng, Việt Nam lại đưa lợi ích cho doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam.

Mặt khác, nếu Hiệp định thương mại với EU vào tháng 7 này được ký kết thành công thì đây sẽ là một động lực cho sự tăng trưởng ngành Dệt may vào quý III - IV/2019. Đặc biệt là vấn đề tạo được lực hút cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư FDI, đầu tư vào các ngành sản xuất nguồn cung đang bị thiếu hụt, thì Việt Nam mới có hy vọng lợi ích từ Hiệp định thương mại .

“Tôi tin đến năm 2022 ngành Dệt may Việt Nam sẽ tự chủ được một lượng lớn nguyên liệu đầu vào vì năm 2018 – 2019, hàng loạt doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư nhà máy vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm” ông Giang chia sẻ.

Ninh Cơ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dhcd-may-viet-tien-dau-tu-vao-cong-nghe-cho-su-phat-trien-ben-vung-d99483.html