ĐHCĐ DGW: Lãi quý I tăng 127%, phát hành tăng vốn tỷ lệ 15%

Trong quý I, ngành hàng điện thoại di động tăng trưởng vượt bậc nhờ sự góp mặt của Xiaomi và Sharp khiến lợi nhuận DGW tăng 127%, đạt gần 20 tỷ đồng.

Mục tiêu lãi 101 tỷ đồng, tăng 30%

Năm 2018, DGW đặt mục tiêu doanh thu thuần dự kiến 4.700 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 101 tỷ đồng, tăng 29%.

Trong cơ cấu doanh thu, 49% đến từ máy tính xách tay và máy tính bảng, 26% đến từ mảng điện thoại di động, 21% đến từ thiết bị văn phòng, còn lại 4% đến từ hàng tiêu dùng. Mảng điện thoại sẽ có sự đóng góp chính từ dòng sản phẩm Xiaomi và thêm các sản phẩm của Sharp.

Ở ngành hàng tiêu dùng, trong năm 2018, Digiworld sẽ cho ra mắt 3 dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe mới, bao gồm nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe trẻ em, sản phẩm dành cho gan và sản phẩm hỗ trợ tuần hoàn máu, trong đó có một sản phẩm là hàng ngoại nhập.

Cổ tức chi trả cho năm 2017 là 8% bằng tiền, dự kiến thực hiện trong quý II/2018.

Phát hành 6 triệu cp tăng vốn và 1,2 triệu cp ESOP

HĐQT trình kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành riêng lẻ 6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 15% với giá chào bán được ủy quyền cho HĐQT định mức trên nguyên tắc sử dụng giá trị nội tại và giá thị trường làm tiêu chí tham chiếu tại thời điểm phát hành. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ bổ sung vốn lưu động.

Ngoài ra HĐQT cũng trình kế hoạch phát hành ESOP với số lượng 1,2 triệu cổ phiếu, giá 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu phát hành không bị hạn chế chuyển nhượng.

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết mục tiêu dài hạn trong 10 năm tới, DGW đạt doanh số 1 tỷ USD. Để thực hiện việc này, tăng trưởng kép hàng năm của DGW phải đạt 35% và sẽ cố gắng hiện thực hóa.

Quý I lãi 19,5 tỷ đồng, tăng 127%

Quý I, doanh thu thuần ước tính đạt 1.264,5 tỷ đồng, tăng 66% cùng kỳ năm trước. Đây là mức doanh thu cao nhất kể từ khi niêm yết đến nay.

Trong cơ cấu doanh thu, điện thoại di động chiếm tỷ trọng cao nhất (44%) và cũng là mảng tăng trưởng mạnh nhất 372% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận doanh thu từ thương hiệu Xiaomi và Sharp.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng trưởng mạnh mẽ hơn, tăng 127% đạt 19,5 tỷ đồng. Lý do tăng trưởng là công ty tối ưu chi phí quản lý và bán hàng, doanh thu từ thương hiệu Xiaomi, Sharp và nhóm ngành hàng tiêu dùng.

Phần thảo luận

Mảng hàng tiêu dùng nhanh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Chiến lược của DGW là gì?

Ông Đoàn Hồng Việt: Không có ngành hàng nào là không cạnh tranh. Tuy nhiên, thu nhập trung bình ở Việt Nam tăng nhanh, dự kiến 2020 là 30 triệu đồng/người. Do đó phát sinh các nhu cầu khác nhu cầu hiện nay, quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe và họ yêu cầu chất lượng cao hơn.

Chiến lược marketing của Mi – Store?

Ông Đoàn Hồng Việt:Chiến lược mở cửa hàng Mi – Store nhằm tăng nhận diện thương hiệu Mi bởi chỉ thương hiệu lớn mới có cửa hàng riêng biệt của mình. Ngoài ra Mi - Store cũng tăng sự trải nghiệm của khách hàng. Hiện nay có 1 số cửa hàng lấy tên Xiaomi mở ở 1 số địa điểm nhưng đây không phải cửa hàng chính hãng của Xiaomi. Để nhận diện cửa hàng Xiaomi thì có 1 số bộ nhận diện thương hiệu, có tiêu chuẩn về diện tích, cách trưng bày, sự phong phú của sản phẩm.

Mảng điện thoại của Xiaomi gặp khó khăn trong mở rộng thị phần?

Ông Đoàn Hồng Việt:Tháng 2/2018 thị phần Xiaomi đạt 5,3% tại Việt Nam, đứng thứ 4 thị trường. Đây là sự khởi đầu tốt đẹp cho chiến lược của Xiaomi và DGW: tập trung giá bán, trải nghiệm khách hàng chứ không phải từ quảng cáo.

Thị trường chứng khoán thế giới liệu có ảnh hưởng tới giá trị cổ phiếu DGW trên thị trường Việt Nam hay không?

Ông Đoàn Hồng Việt:TTCKVN ngày càng hội nhập với thế giới, nếu CK thế giới ảnh hưởng thì tôi tin là có ảnh hưởng tới VN. Tuy nhiên nếu NĐT nắm vững được giá trị nội tại của công ty thì đây là cơ hội mua cổ phiếu DGW với giá tốt hơn.

Kế hoạch phát triển mảng FMCG?

Ông Đoàn Hồng Việt:FMCG có mục tiêu 2018 với doanh thu 200 tỷ đồng, gấp 4 lần năm trước .

Biên LN gộp mảng thực phẩm chức năng khoảng 50 – 60%, tại sao có biên LN cao vậy? Tỷ trọng hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng (TPCN) và sản phẩm truyền thống, mảng nào được đầu tư nhiều nhất và là trụ cột tăng trưởng. Lợi thế cạnh tranh của DGW gồm những gì?

Ông Đoàn Hồng Việt: Biên LN 50 – 60% là tính cả quá trình từ sản xuất đến phân phối. DGW có 5 dịch vụ phát triển thị trường, vì vậy có thể làm đủ quá trình trên và ký kết với các đối tác cụ thể như dược Thống Nhất.

Trong 3 nhóm hàng DGW đang kinh doanh, ICT là ngành nghề lâu đời của DGW. DGW sẽ phát triển theo chiều sâu, phát triển thêm các sản phẩm văn phòng bình thường. TPCN và hàng tiêu dùng nhanh, DGW nghĩ rằng xu thế thị trường khá rõ rệt. Trên thị trường, TPCN hiện nay khá lộn xộn, chưa có công ty chuyên nghiệp nào làm các công tác phân phối, hậu mãi...

Bên cạnh các sản phẩm giới thiệu, quý II và III, DGW sẽ tiếp tục làm thêm 2 hoặc 3 sản phẩm nữa. Quy mô thị trường TPCN khoảng 7 tỷ USD, ở các nước phát triển TPCN cao hơn thuốc nhưng ở VN thì ngược lại. Do đó đây là một thị trường cạnh tranh.

DGW theo mô hình gồm 5 dịch vụ phát triển thị trường (MES) gồm phân tích thị trường, tiếp thị, bán hàng, hậu cần, hậu mãi. Với chiến lược này, DGW có thể triển khai nhiều hợp đồng phù hợp với dịch vụ mà DGW có. Qua những việc DGW đã làm có thể chứng minh được lợi thế của DGW.

Bà Tô Hồng Trang, Phó Tổng giám đốc: Quá trình phát triển từ 1997 đến 2017, DGW đứng vững trên trụ cột về ngành hàng công nghệ ICT, giữ vị trí thứ 2 tại Việt Nam. Đến 2017, DGW bước chân vào ngành hàng tiêu dùng nhanh. Chiến lược của DGW là tập trung và hướng đến tìm kiếm các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Do đó DGW là nhà cung cấp duy nhất tại Việt Nam có 5 dịch vụ chiến lược, giúp nhà sản xuất đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Ngoài ICT, DGW sẽ làm trụ cột mới là hàng tiêu dùng nhanh và TPCN, trên cơ sở hướng tới các sản phẩm thuần tự nhiên, tốt cho sức khỏe người dùng.

Mảng phân phối dược phẩm khá phân tán, giống như thị trường điện thoại 10 năm trước. Tuy nhiên hiện nay ĐTDĐ đã được phân chia. Ngoài ra thị trường cũng có nhiều công ty bán lẻ gia nhập ngành dược, liệu DGW có "cửa"?

Ông Đoàn Hồng Việt: ĐTDĐ chỉ có 5,6 nhà sản xuất, còn DGW tham gia có hàng nghìn nhà sản xuất. Thị trường thuốc và TPCN phân mảnh từ nhà sản xuất, không dễ dàng để phân chia như điện thoại di động.

Chưa kể, năng lực làm marketing của các nhà sản xuất điện thoại với nhà sản xuất TPCN khác nhau. Nhà sản xuất điện thoại có năng lực làm marketing tốt và có tiền để làm. Tuy nhiên nhà sản xuất sản phẩm chức năng thì khác, năng lực làm thương hiệu, truyền thông tin về sản phẩm tốt với người tiêu dùng thì chưa. Đó là mảnh đất màu mỡ để DGW có thể làm. DGW chỉ cần chọn sản phẩm tốt, còn lại DGW có đủ điều kiện để làm dịch vụ sản phẩm. Do đó trong 10 năm tới, vai trò của công ty phát triển thị trường trong thị trường kê toa luôn lớn.

Cơ cấu lợi nhuận 101 tỷ của năm 2018?

Ông Đoàn Hồng Việt:Mục tiêu nội bộ cao hơn mục tiêu 101 tỷ đồng, tuy nhiên DGW không công bố con số nội bộ. Thực tế DGW có thể thực hiện tốt hơn con số này.

Cách chọn giá bán cho đợt phát hành riêng lẻ 6 triệu cổ phiếu? ESOP 1,2 triệu cổ phiếu nhưng lại không hạn chế chuyển nhượng thì có vẻ không đúng thông lệ thị trường?

Ông Đoàn Hồng Việt: Căn cứ giá thị trường và giá trị nội tại của công ty, đương nhiên tôi là người đứng đầu công ty. Tôi sẽ cân nhắc phương án phát hành dựa trên sự trợ giúp của cổ đông chiến lược.

Về phát hành ESOP, lý do không hạn chế chuyển nhượng, qua kinh nghiệm phát hành lần trước, thực tế giá thị trường không bị ảnh hưởng bởi cổ phiếu ESOP. Ngoài ra nhiều người phải vay tiền để mua ESOP, do đó DGW muốn tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên bán ra một phần để trang trải khoản tiền vay. Với các cán bộ cấp cao, họ không bán ra vì biết giá trị của DGW nên chắc chắn không bán ra.

Khổng Chiêm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/dhcd-dgw-lai-quy-i-tang-127-phat-hanh-tang-von-ty-le-15--2018042011273259p4c147.news