ĐH Huế sẽ có nhiều phương thức xét tuyển mới

Với sự thay đổi trong kỳ thi THPT năm nay, các trường ĐH được tự chủ hơn trong việc quyết định các phương án tuyển sinh. Trong năm 2020, ĐH Huế sẽ có nhiều phương thức xét tuyển mới, dự kiến chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng học bạ cũng sẽ tăng lên...

Với sự thay đổi trong kỳ thi THPT năm nay, các trường ĐH được tự chủ hơn trong việc quyết định các phương án tuyển sinh. Trong năm 2020, ĐH Huế sẽ có nhiều phương thức xét tuyển mới, dự kiến chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng học bạ cũng sẽ tăng lên...

Thí sinh TT- Huế tham dự kỳ thi THPT Quốc gia.

Thí sinh TT- Huế tham dự kỳ thi THPT Quốc gia.

Tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ

Bộ GD-ĐT dần giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo, song theo các chuyên gia giáo dục, đối với xét tuyển học bạ (XTHB) trong năm nay và các năm tới, cần tính toán tỷ lệ hợp lý và có giải pháp đảm bảo chất lượng.

Từ khoảng giữa tháng 5-2020, ĐH Huế bắt đầu thông báo nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét học bạ. Trên thực tế, đối với phương thức XTHB, quy định trước đây cho phép xét tuyển không quá 20% tổng chỉ tiêu, nhưng với sự thay đổi trong tuyển sinh hiện nay cho phép các trường có thể tăng tỷ lệ XTHB trong cơ cấu các phương thức xét tuyển. Theo PGS.TS Trần Thanh Đức- Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm cho biết, nhiều ngành như chăn nuôi, thú y, công nghệ thực phẩm trước đây chủ yếu xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia thì năm nay cũng dành nhiều chỉ tiêu cho XTHB... Việc tăng tỷ lệ XTHB xét trên góc độ thực tế có thể tăng khả năng trúng tuyển nhiều hơn cho thí sinh (TS) và vẫn phù hợp quy chế tuyển sinh.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, nếu lạm dụng phương thức xét tuyển này cũng để lại nhiều nỗi lo về chất lượng đầu vào. TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế phân tích, trường luôn mong muốn tỷ lệ xét học bạ ở mức tương đối. Nỗi lo lớn nhất khi tỷ lệ XTHB cao là thí sinh ảo. Thông thường, TS đăng ký XTHB cũng có đăng ký xét tuyển theo các phương thức khác và đăng ký khá nhiều nguyện vọng. "Các kỳ tuyển sinh qua cho thấy, nếu trúng tuyển theo phương thức dựa vào kết quả thi, phần đông thí sinh chọn phương thức này chứ không phải chọn phương thức xét học bạ, điều đó dẫn đến tình trạng TS ảo", TS. Hào trăn trở. Một thực trạng diễn ra cho thấy, tại các kỳ tuyển sinh gần đây, các trường ở "tốp" trên, hiếm khi sử dụng phương thức XHB. Dù có thể nâng ngưỡng điểm đầu vào lên đến 20- 25 điểm, các đơn vị vẫn chưa sử dụng phương thức này bởi chưa thực sự an tâm về chất lượng đầu vào.

Sẽ không tổ chức kỳ thi riêng của từng trường

Năm 2020, ĐH Huế dự kiến tuyển 14.250 chỉ tiêu vào 146 ngành đào tạo của 8 trường ĐH thành viên, 4 khoa thuộc ĐH Huế và phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị.

TS. Nguyễn Công Hào cho biết, dự kiến năm nay ĐH Huế sẽ có 4 phương thức xét tuyển, gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển (xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ, tuyển thẳng theo quy định của ĐH Huế); xét tuyển dựa vào kết quả học bạ; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020; xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT hoặc dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 kết hợp với thi tuyển sinh các môn năng khiếu. Điểm mới đối với khối các ngành năng khiếu là năm nay, ngoài phương thức dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT, hoặc dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 kết hợp với thi tuyển sinh các môn năng khiếu thì ĐH Huế dự kiến sẽ tổ chức nhiều đợt thi hơn.

Hồi cuối tháng 4 tại cuộc họp của Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, đa phần các trường cho rằng, chưa tính đến việc tổ chức kỳ thi riêng hay đánh giá năng lực. Lý do là để tổ chức kỳ thi riêng khá tốn kém cho đơn vị cùng người dự thi. "Chỉ tính riêng tại Huế, nếu mỗi trường tổ chức một kỳ thi riêng, sẽ phát sinh nhiều vấn đề, khó khăn, kể cả việc đón tiếp và hỗ trợ thí sinh"- đại diện một trường thuộc ĐH Huế chia sẻ.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, quan điểm chung là sẽ không đi ngược với quá trình đổi mới giáo dục, tức là không quay lại hình thức cũ, mỗi trường tổ chức một kỳ thi dẫn đến tốn kém và gây khó cho thí sinh. Chúng tôi sẽ nghiên cứu cơ cấu các phương thức tuyển sinh hợp lý. Một số trường có thể sử dụng phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp để xét hay sử dụng một phần chỉ tiêu xét học bạ. Riêng một số đơn vị, ngành, nhóm ngành đòi hỏi đầu vào cao và mang tính đặc thù có thể tổ chức thi riêng, nhưng không phải là kỳ thi đánh giá năng lực mà có phương án thi khác. Đơn cử, một số ngành của Trường ĐH Y dược có thể tổ chức một kỳ thi thêm để chọn người tài, bởi thực tế vẫn còn lo ngại trong việc chạy điểm từ học bạ dẫn đến khó tuyển người tài, phù hợp ngành nghề...

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/138_224858_dh-hue-se-co-nhieu-phuong-thuc-xet-tuyen-moi.aspx