Deutsche Bank: Chứng khoán Mỹ có thể điều chỉnh mạnh trong vài tháng tới

Kinh tế Mỹ đã và đang hồi phục mạnh mẽ trong thời gian gần đây dưới chính sách kích cầu quy mô lớn của Tổng thống Biden cũng như sự trấn an về lạm phát của Cục dự trữ liên bang (Fed). Nhưng liệu chứng khoán Mỹ sẽ sắp có nhịp điều chỉnh sau thời gian tăng trưởng nóng?

Ảnh shutter stock

Ảnh shutter stock

Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia của Mỹ (NBER) định nghĩa suy thoái là khoảng thời gian giữa đỉnh cao của hoạt động kinh tế và mức đáy của hoạt động kinh tế ngay sau đó.

Theo đó, NBER đã đúng khi gọi đỉnh của chu kỳ kinh tế gần nhất vào tháng 2/2020, nhưng đáy có thể rơi vào cuối tháng 4 nếu xem xét vào các đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp và đầu tháng tháng 5/2020 nếu xem xét dữ liệu việc làm hoặc thu nhập cá nhân.

Đối với thị trường, việc xác định thời điểm nền kinh tế đang mở rộng hay suy thoái có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo nghiên cứu từ Deutsche Bank, tăng trưởng kinh tế được đo lường bởi chỉ số sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) thường đạt đỉnh từ 10 đến 11 tháng sau khi suy thoái kết thúc.

Do đó, nếu theo định nghĩa của NBER về suy thoái thì khoảng thời gian hiện tại là đỉnh của chỉ số sản xuất.

Tương quan giữa chỉ số sản xuất ISM và chỉ số S&P 500 (Ngồn: ISM, Haver, Deutsche Bank Asset Allocation)

Trong 20 năm qua, giữa mức tăng hàng năm và liên tục của chỉ số S&P 500 và mức độ của chỉ số sản xuất ISM có mối tương quan 73%. Điều đó có ý nghĩa các tài sản tăng trưởng, như cổ phiếu, có tương quan với các thước đo tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu của Deutsche Bank, chỉ số S&P 500 bán tháo xung quanh đỉnh tăng trưởng với mức trung bình là 8,4% và nếu chỉ số sản xuất ISM đi ngang thì chỉ số S&P 500 thường giảm trung bình 5,9%. Và thời gian của những đợt điều chỉnh từ đỉnh này thường là hai tuần sau khi dữ liệu kinh tế đạt đỉnh và xu hướng giảm thường kéo dài khoảng 6 tuần.

Theo Deutsche Bank, kinh tế Mỹ sẽ đạt đỉnh trong ba tháng tới khi chỉ số sản xuất tháng 3 vừa đạt 64,8%, mức cao nhất trong 38 năm.

“Khi mức tăng trưởng đạt đỉnh trong ba tháng tới, chúng tôi kỳ vọng các quản lý quỹ sẽ giảm tỷ trọng cổ phiếu và các nhà đầu tư cá nhân hầu như sẽ không dám bắt đáy. Theo kinh nghiệm lịch sử thị trường có thể giảm khoảng 6% nếu tăng trưởng kinh tế đi ngang gần mức đỉnh, hoặc giảm hơn 8,4% nếu tăng trưởng kinh tế mô hình chữ V bị đảo ngược”, nhóm các chiến lược gia Deutsche Bank cho biết.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán có thể phục hồi trở lại sau đó. Và điều quan trọng trong cuối mùa hè và mùa thu sẽ là liệu lạm phát có duy trì hay tăng tốc và Fed sẽ phản ứng như thế nào sẽ tiếp tục định hình xu hướng thị trường.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/deutsche-bank-chung-khoan-my-co-the-dieu-chinh-manh-trong-vai-thang-toi-post266246.html