Dệt và may mặc: Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng ước đạt hơn 25 tỷ USD

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tính chung 10 tháng đầu năm, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 478,9 triệu m2, tăng 13,8%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 918,7 triệu m2, tăng 21,4%; quần áo mặc thường ước đạt 3.962,7 triệu cái, tăng 12,2% so với cùng kỳ và đưa kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 10 tháng đạt 25,15 tỷ USD, tăng 17,1% so với năm 2017.

Trong 10 tháng đầu năm, dệt và may mặc đã có bước tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dệt may tương đối thuận lợi vì đơn hàng dồi dào, phần lớn doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm nay. Trong đó, thị trường quyết định lớn tới giá trị xuất khẩu dệt may là Mỹ vẫn đang nhập khẩu một lượng lớn hàng từ Việt Nam.

Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng cao như: Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 49,7 triệu m2, tăng 22,2%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 108,2 triệu m2, tăng 27,9%; quần áo mặc thường ước đạt 426,2 triệu cái, tăng 18,1% so với cùng kỳ tháng 10 năm 2017.

Tính chung 10 tháng đầu năm, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 478,9 triệu m2, tăng 13,8%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 918,7 triệu m2, tăng 21,4%; quần áo mặc thường ước đạt 3.962,7 triệu cái, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 10 tháng ước đạt 25,15 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khối hiệp định CPTPP. Cùng với đó, chiến tranh thương mại Trung – Mỹ được xem là cơ hội lớn cho ngành dệt may khi Mỹ đang có xu hướng chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Dù có nhiều điều kiện tương đối thuận lợi, tuy nhiên ngành dệt may cũng phải đối mặt với một số khó khăn. Điển hình là chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ ở nhiều ngành nghề tác động đến các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may. Ngoài ra, tình hình nguyên phụ liệu biến động như giá bông có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu bông tăng cao tại Pakistan, Bangladesh và Việt Nam cũng gây thêm khó khăn cho toàn ngành.

Ngoài ra, còn có rủi ro từ phía Mỹ sẽ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm may mặc nhập khẩu từ các quốc gia khác và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm may mặc từ quốc gia đó có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành nên tăng cường chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/det-va-may-mac-kim-ngach-xuat-khau-10-thang-uoc-dat-hon-25-ty-usd-82990.html