Dệt tấm thảm đa sắc màu của văn học Đông Á

Trường ĐH Sư phạm TPHCM vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế 'Đông Á: Những vấn đề nghiên cứu và giáo dục Ngữ văn'

Quang cảnh buổi hội thảo

Quang cảnh buổi hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của các giáo sư chuyên ngành, các nhà nghiên cứu văn học, giảng viên, giáo viên Ngữ văn ở các trường ĐH, CĐ, phổ thông các nhà quản lí tại các cơ sở GD&ĐT trong nước và quốc tế như: Mỹ, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc... tham dự.

Phát biểu tại hội thảo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết: Nhìn bạn bè để thấu suốt bản thân; vươn ra thế giới để gắn bó, trân quý hơn đất nước mình; trải nghiệm văn hóa nhân loại để càng thêm tự hào, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc… đó chính là chủ trương và đường lối của nhiều quốc gia văn minh, tiến bộ trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hội thảo Quốc tế “Đông Á: Những vấn đề nghiên cứu và giáo dục Ngữ văn” được tiến hành cũng với mục đích và kỳ vọng như thế.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Hội thảo tập trung tìm hiểu về những gặp gỡ, giao thoa của các hiện tượng văn học, ngôn ngữ trong vòng văn hóa chữ Hán, những vận động của văn học trong nỗ lực vừa bảo lưu bản sắc vừa hướng tới toàn cầu hóa, đặc trưng của từng nền văn học dân tộc góp phần dệt nên tấm thảm đa sắc màu của văn học Đông Á. Mặt khác, nhiều công trình cũng mang tới lượng thông tin phong phú, mới mẻ về chương trình giáo dục Ngữ văn phổ thông ở Việt Nam trong liên hệ, đối sánh với chương trình của các nước trong khu vực và quốc tế.

Định hướng mới trong giáo dục Ngữ văn, kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài được chia sẻ, giới thiệu, càng rộng mở hơn diễn đàn trao đổi giữa các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước...

Mục tiêu tạo được diễn đàn để đội ngũ các nhà chuyên môn và các thầy cô giáo dạy học văn học, ngôn ngữ cùng nhau bàn thảo, tìm kiếm những phương cách khả thi, hiệu quả đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu ở các đại học, phổ thông của hội thảo đã bước đầu được hiện thực hóa. Tín hiệu lạc quan của hội thảo không chỉ ở số lượng đại biểu tham dự, số báo cáo và những trao đổi, thảo luận, mà sâu xa hơn, nó còn thể hiện ở tâm thế nhìn lại chặng đường đã qua, soi vào thực trạng hiện tại để tìm một lối đi sát hợp cho hành trình nhiều thử thách phía trước....

Các khách mời tìm hiểu tư liệu trong kỉ yếu hội thảo

Hội thảo đã nhận được hơn 120 tham luận của các nhà nghiên cứu, các giảng viên, giáo viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh…ở trong nước và nhiều nước khác trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Á. Đây có thể xem như là một nhịp cầu kết nối tâm huyết, trí tuệ của nhiều các nhân, đơn vị cho vận hội mới của nền giáo dục nước nhà. Sự gặp gỡ, liên kết trong nỗ lực đổi mới, hiện đại, sánh vai với khu vực và quốc tế đã tạo được sự cộng hưởng, sức lan tỏa lớn của hội thảo.

Hội thảo đã được các diễn giả phân tích và trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề. Về cơ bản các báo cáo trong hội thảo có thể chia làm hai nhóm chuyên đề : Nghiên cứu về Ngữ văn: Ngôn ngữ và văn học Đông Á trong tiến trình lịch sử; Ngôn ngữ và văn học Đông Á tại những điểm giao thao; Bản sắc văn học Đông Á; Văn học Phật giáo trong khu vực Đông Á; Những nghiên cứu mới về văn học Việt Nam tại các nước Đông Á; Một số xu hướng nghiên cứu Ngữ văn ở Việt Nam và các nước Đông Á...

Giáo dục Ngữ văn ở nhà trường: Dạy học Ngữ văn ở Việt Nam; Dạy học Ngữ văn ở các nước Đông Á và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam; Kinh nghiệm xây dựng chương trình và viết sách giáo khoa Ngữ văn ở Việt Nam và các nước Đông Á; Kiểm tra đánh giá trong dạy học Ngữ văn ở Việt Nam và các nước Đông Á; Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn ở Việt Nam và các nước Đông Á...

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/det-tam-tham-da-sac-mau-cua-van-hoc-dong-a-4024172-v.html