Dệt may xuất khẩu 36 tỷ USD: Hơn cả thời kỳ sáng lạn nhất

Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2018 đạt hơn 36 tỷ USD. 2 thành tích quan trọng của dệt may là tốc độ tăng trưởng cao nhất tính từ năm 2011 đến nay, trên 16% và kim ngạch xuất khẩu tăng hơn năm trước đến 5 tỷ USD.

Chia sẻ về những con số đẹp của ngành dệt may năm nay, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, con số này hơn cả "thời kỳ sáng lạn" như năm 2007, 2008 tăng tới 34% nhưng chỉ đạt hơn 2 tỷ USD. Những năm gần đây tăng 10%, trung bình chỉ tăng từ 2,5 tỷ - 3 tỷ USD/năm về kim ngạch. Nếu xét 10 năm trước, con số 5 tỷ USD gần bằng 100% kim ngạch xuất khẩu năm 2007.

DN dệt may Việt Nam đạt chuẩn quốc tế

Theo ông Lê Tiến Trường, năm 2018 xét bình diện thế giới không có nhiều thuận lợi mà chỉ được coi là ổn định. Do đó, tăng trưởng “đột biến” của dệt may năm nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự dịch chuyển từ khu vực sản xuất cực lớn của thế giới là Trung Quốc sang Việt Nam.

Đến thời điểm này gần như 100% các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa trong ngành Dệt May Việt Nam có tất cả chứng chỉ đánh giá của các hãng thế giới về tăng trưởng xanh, tiêu thụ năng lượng xanh, sản xuất xanh... Điều đó cho thấy chuẩn mực của ngành Dệt May Việt Nam tại tất cả các nơi được khách đặt hàng là tương đối tốt.

Sau một thời gian đặt sản xuất tại các nước khác thì tiêu chuẩn về lao động, môi trường, nhà xưởng... chưa theo kịp như Việt Nam, dù lương thấp nhưng năng suất chỉ bằng ½. Do đó, giá thành trong 1 đơn vị sản phẩm không tiết kiệm trong khi chất lượng có thể có vấn đề. Vì vậy, số lượng khách hàng mong muốn đặt sản xuất tại Việt Nam đã tăng lên và đây là cơ hội cho Việt Nam.

Đối với vấn đề tăng ca, làm thêm giờ, nhìn chung hiện nay, công nhân chỉ làm từ 44-48h mỗi tuần,đây là yếu tố thể hiện sự phát triển bền vững, dễ thu hút người lao động. Lương trung bình của người lao động tăng lên, nhưng không tăng ngày công, có thêm ngày nghỉ, có phụ cấp. Điều đó đã khiến hình ảnh ngành dệt may Việt Nam đã được nâng lên rất nhiều.

Năm nay Vinatex xuất khẩu trên 3 tỷ USD và Tập đoàn đang quan tâm đến chất lượng xuất khẩu, phát triển theo hướng bền vững, tập trung vào chất lượng đơn hàng và chất lượng khách hàng.

“Một trong những tiêu chí của chúng tôi bây giờ là Vinatex, doanh nghiệp thuộc Vinatex phải là lựa chọn ưu tiên và phấn đấu là đơn vị số 1 trong danh sách các nhà cung cấp mà khách hàng lựa chọn”. Bởi “khi thị trường có xuống thì khách hàng cũng sẽ không loại bỏ đơn đặt hàng tại mình".

Thứ hai, phải làm các mặt hàng khó nhất về kỹ thuật, mục tiêu là giảm thiểu sự biến động của thị trường vào doanh nghiệp. Thị trường biến động, đơn giá biến động, sức ảnh hưởng đến doanh nghiệp sẽ rất nhỏ bởi mình làm mặt hàng khó, để dịch chuyển sẽ không dễ dàng. Đó là cách mà Vinatex đã làm trong thời gian vừa qua.

"Khác với trước đây, chỉ cần có đơn hàng, mua nguyên liệu, có năng suất và phần còn là chi cho tiền lương. Nhưng giờ quan niệm lao động là một thị trường riêng biệt, lao động là một thứ nguyên liệu phải mua theo giá thị trường, sau đó mới đưa ra bài toán quản trị, năng suất ra sao, chi phí khác thế nào để tạo ra lợi nhuận. Đây là khác biệt quan trọng trong tiếp cận" ông Trường nhấn mạnh.

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may, , trước đây khi thị trường tương đối dễ thì mục tiêu là tạo thêm việc làm, còn hiện nay, mục tiêu là phải tạo việc làm bền vững và được người lao động trên thị trường chấp nhận. Điều đó cho thấy mục tiêu đã khác hẳn. Có được kết quả ngày hôm nay là bước đi chiến lược theo hướng tự động hóa cao, tạo ra môi trường làm việc hợp lý hơn, ít căng thẳng hơn, ít thời gian hơn là hướng đi đúng.

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dệt may 40 tỷ USD

Theo ông Trường, câu chuyện của ngành dệt may trong năm tới sẽ không tăng trưởng mạnh về cầu. Xu thế thắt chặt dòng tiền tại các quốc gia nhập khẩu vẫn tiếp diễn. Thứ hai, liên quan đến chiến tranh Trung - Mỹ. Đến thời điểm này chưa có mặt hàng nào của dệt may bị đánh thuế, tuy vậy dự báo cuộc chiến còn nhiều phức tạp. Ngoài ra, Trung Quốc xuất khẩu hơn 53% vải thế giới, nếu Trung Quốc tăng thuế mặt hàng vải, thì chắc chắn Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi hiện nay, Việt Nam mua 45% vải từ Trung Quốc.

Nếu kịch bản tốt, 6 tháng cuối năm 2019 sẽ có thêm thị trường EU, từ đó có thể tăng thêm khoảng 1 tỷ USD. Chính vì thế đứng trong phương án giữ được các thị trường xuất khẩu chính ổn định, hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực, tận dụng tốt CPTPP, ngành Dệt May Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019. Tất nhiên, đây là mục tiêu cao nhất và để đạt được phải nằm trong kịch bản thuận lợi nhất.

H.G

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/det-may-xuat-khau-36-ty-usd-hon-ca-thoi-ky-sang-lan-nhat-post286323.info