Dệt may với mục tiêu 40 tỷ USD xuất khẩu

Tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018 với mức tăng 16,6% - mức cao nhất kể từ năm 2010 đến nay, song ngành dệt may được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2019. Trong đó phải kể đến những ảnh hưởng từ các biến động của kinh tế thế giới bao gồm cả cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Dệt may Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội phát triển .

2018 - một năm thắng lợi

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Công thương, ông Lê Tiến Trường- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, với tốc độ tăng trưởng đạt 16,6%, có thể khẳng định năm 2018 là một năm thắng lợi đối với ngành dệt may Việt Nam.

“Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2010 trở lại đây”- Tổng Giám đốc Vinatex nhấn mạnh.

Điểm đặc biệt là giá trị tuyệt đối của tăng trưởng năm 2018 lên tới 5 tỷ USD bằng kim ngạch xuất khẩu của riêng ngành dệt may năm 2006. Trong khi đó, những năm trước, tốc độ tăng trưởng mặc dù cũng đạt mức khoảng 12-15%, nhưng giá trị tuyệt đối của ngành chỉ ở ngưỡng 2,5-3 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng như trên, tính đến hết năm 2018, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu dệt may thay vì vị trí thứ 4 trước đó. Hiện Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc về xuất khẩu hàng may mặc. Đạt được những con số ấn tượng trên, song ngành dệt may trong năm 2019 được dự báo sẽ gặp phải không ít khó khăn.

Nhìn lại năm 2018, ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ít nhiều đã tác động mạnh đến ngành dệt may, trong đó phải kể đến thực trạng giảm giá, giảm nhu cầu nhập khẩu từ phía các đối tác quốc tế. Đơn cử, đối với ngành cung cấp sợi, từ quý III năm 2018, giá sợi và đơn hàng đều giảm.

Giới chuyên gia nhận định, tình hình căng thẳng giữa hai nước Mỹ - Trung sẽ tiếp tục gây ra những tác động cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 này, nhất là các ngành xuất khẩu mạnh vào hai thị trường này như ngành dệt may. Bên cạnh đó, không thể không kể đến yếu tố lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang kéo theo những nước khác tăng lãi suất làm giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đây là rào cản đã gây khó khăn trong năm 2018 và sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm nay.

2019 và những thách thức

Tại Hội nghị, Tổng giám đốc Vinatex- ông Lê Tiến Trường, cũng đưa ra dự báo, năm 2019 sẽ là một năm nhiều khó khăn thách thức đối với ngành dệt may. Với những diễn biến bất lợi của tình hình thế giới, đặc biệt là tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thực sự sẽ ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu dệt may trong năm 2019.

Theo ông Trường, mặc dù trong năm 2019, các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, trong đó phải kể đến CPTPP, tuy nhiên đà tăng trưởng toàn cầu chững lại, dự báo GDP đều giảm ở các nền kinh tế mà ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu chính như Mỹ, Nhật. Trong khi đó, các quốc gia xuất khẩu mạnh hàng may mặc như Ấn Độ, Indonesia cũng đang nỗ lực tìm cách nâng hạng trong top xuất khẩu hàng may mặc, đó cũng là một trở ngại cho các doanh nghiệp (DN) dệt may thời gian tới.

Dù có nhiều áp lực như vậy, song theo Tổng Giám đốc Vinatex, ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019. Trong trường hợp nhiều rào cản gây khó khăn thì vẫn đưa ra kịch bản thấp là xuất khẩu trên 38 tỷ USD. Theo ông Trường, các DN trong ngành cần tận dụng tốt những cơ hội đến từ CPTPP, phấn đấu chớp thời cơ tăng xuất khẩu 1 tỷ USD tại 2 thị trường tiềm năng là Australia và Canada.

“Tiềm năng vẫn còn khi hiện nay, xuất khẩu sang các nước CPTPP mới chỉ đạt 5,3 tỷ USD, trong đó thị trường truyền thống Nhật Bản đã chiếm 4 tỷ USD” - ông Trường nêu quan điểm.

Và để đạt được mục tiêu xuất khẩu toàn ngành ở con số ấn tượng 40 tỷ USD trong năm 2019, lãnh đạo Vinatex cũng đưa ra kiến nghị: Bộ Công thương quan tâm hơn nữa đến phát triển cơ sở hạ tầng, đi đôi với thu hút đầu tư. Đặc biệt thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các địa phương tạo điều kiện thu hút cấp phép các DN đầu tư lớn về phát triển sản xuất nguyên liệu để tận dụng hiệu quả các FTA trong đó có CPTPP, EVFTA.

Bên cạnh đó, Vinatex cũng cho biết, các DN trong ngành cũng mong muốn những điều kiện kinh doanh còn vướng mắc cần được giải quyết dứt điểm, như vướng mắc của DN liên quan đến thuế của hàng hóa gia công…

Theo các DN, đây là vấn đề gây tắc nghẽn hiện nay, bởi họ không chỉ nhận hàng gia công tại đơn vị mình mà còn nhận ở các cơ sở vệ tinh khác trong khi thuế quan ở đó đang khá phức tạp…

Theo Vinatex, khi các vướng mắc được gỡ bỏ, các DN có thể yên tâm hoạt động kinh doanh, xuất khẩu, sức cạnh tranh được nâng lên thì mục tiêu 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm tới là trong tầm tay.

Nhật Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/det-may-voi-muc-tieu-40-ty-usd-xuat-khau-tintuc428213