Dệt may Việt Nam trước cơ hội bứt phá

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đang đặt những cơ hội chưa từng có cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đồng thời mở toang cánh cửa cải thiện điều kiện lao động và thu nhập cho công nhân ngành này.

Hàng triệu công nhân dệt may đang rất khó khăn vì lương thấp. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Hàng triệu công nhân dệt may đang rất khó khăn vì lương thấp. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Những cơ hội không thể bỏ lỡ

Ngành dệt may Việt Nam đã có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực thời gian gần đây. Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may Việt Nam năm 2018 đã đạt kim ngạch xuất khẩu tới hơn 36 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017. Bên cạnh đó, kết quả quý I/2019 cũng thể hiện sự tăng trưởng ấn tượng, xuất khẩu trên 8,6 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Với những con số ấn tượng này, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng bày tỏ sự lạc quan đối với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD cho ngành dệt may tới cuối năm 2019. Đạt được mục tiêu tăng trưởng này, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 2 về kim ngach xuất khẩu của các nước xuất khẩu dệt may nhiều nhất trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, ông Cẩm cho biết.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ngành dệt may không thể nằm ngoài những tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã và sắp sửa ký kết trong tương lai.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết và chính thức có hiệu lực từ 14/01/2019 đã mở ra rất nhiều cơ hội mới. Đồng thời, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được kỳ vọng kí kết trong năm nay cũng mang tới hi vọng về những thay đổi tích cực.

Ông Trương Văn Cẩm khẳng định: “Hai hiệp định này sẽ mở ra cơ hội phát triển lớn cho ngành dệt may Việt Nam”. Nếu EVFTA có hiệu lực, thuế suất đối với mặt hàng dệt may có lộ trình giảm dần về 0% trong vòng 7 năm, so với thuế suất bình quân hiện tại khi xuất khẩu vào thị trường EU là 9,6% thực sự là một cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp dệt may tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, ông Cẩm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, EVFTA có hiệu lực cũng sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường lớn với dân số 500 triệu người của EU đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và minh bạch cho ngành dệt may nước ta.

Cải thiện điều kiện lao động cho công nhân dệt may

Chia sẻ với TheLEADER, ông Trần Văn Cẩm khẳng định việc tham gia các hiệp định thương mại tự do mang lại lợi ích cho nhiều bên trong quan hệ sản xuất kinh doanh và cả quan hệ lao động. Cụ thể, ông cho biết những hiệp định này khi có hiệu lực, người đặt hàng được hưởng lợi, nhãn hàng hưởng lợi, người tiêu dùng tại nước nhập khẩu hưởng lợi, và bản thân nhà sản xuất cũng có lợi.

“Khi doanh nghiệp phát triển và hiệu quả kinh doanh được nâng cao thì đương nhiên người lao động sẽ được hưởng lợi, đời sống sẽ được cải thiện và nâng cao”, ông Cẩm nhấn mạnh.

Cải thiện điều kiện, môi trường lao động cho công nhân không chỉ là hệ quả có được từ việc các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, nó còn là điều kiện mà các doanh nghiệp cũng như cả ngành dệt may Việt Nam phải thực hiện để đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia vào các hiệp định ấy.

Bộ Luật Lao động sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới cũng đã đặt ra những quy định rõ ràng, chi tiết hơn đặc biệt là với những vấn đề liên quan tới hợp đồng lao động, tiền lương, giờ làm việc và môi trường làm việc của công nhân.

Đề cập tới mục tiêu của bộ Luật Lao động sửa đổi với những nội dung cải thiện điều kiện lao động cho công nhân, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội cho biết: “Nội dung bộ Luật Lao động sửa đổi phải đáp ứng được yêu cầu của các cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do”.

Ông Thiện cũng khẳng định đối với hiệp định CPTPP mà Việt Nam đã thông qua và tiến tới là EVFTA, các cam kết liên quan tới đảm bảo quyền của người lao động phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đều là nội dung rất quan trọng.

Ngoài ra, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khẳng định tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường làm việc cho công nhân, mà cụ thể là vấn đề bình đẳng giới nơi làm việc khi doanh nghiệp tham gia vào thị trường quốc tế.

Ông Phòng cho biết: “Các doanh nghiệp muốn tham gia vào các chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu thì việc thực hiện bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử là rất quan trọng. Đây là một tiêu chí bắt buộc trong tiêu chuẩn về chuỗi sản xuất và cung ứng quốc tế”.

Những nỗ lực để đáp ứng các cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do đã mở ra cơ hội cho những đổi thay về điều kiện lao động và quyền lợi của công nhân dệt may.

Dù vậy, những lợi ích thực sự mà người lao động được hưởng vẫn còn bỏ ngỏ phía trước, nhất là khi những thách thức trong bối cảnh tham gia vào các hiệp định thương mại dành cho doanh nghiệp là không hề nhỏ. Đặc biệt là thách thức về sự nghiêm ngặt trong quy tắc xuất xứ hay các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thu Uyên

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/det-may-viet-nam-truoc-co-hoi-but-pha-1555669242042.htm