Dệt may Việt cho người Việt

Nhìn vào cơ cấu sản xuất và toàn bộ chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, theo ông Thắng, Việt Nam chỉ tham gia nhiều vào khâu gia công - khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong toàn bộ chuỗi. Xét về thị trường XK chưa được đa dạng hóa một cách đúng mức dẫn đến những thiệt thòi không đáng có...

Sau nhiều tháng mong chờ cuối cùng các tín đồ thời trang Hà Nội đã được tận mắt “mục sở thị” hai thương hiệu thời trang ngoại là Zara và H&M. Mới đây, hơn 2.000 người đã xếp hàng chờ đợi cho sự kiện khai trương cửa hiệu đầu tiên của H&M tại Hà Nội, cũng là cửa hiệu thứ 2 của H&M tại Việt Nam.

Nhiều tín đồ thời trang sẵn sàng xếp hàng từ hôm trước để được mua quần áo mang thương hiệu ngoại

Thậm chí, có những tín đồ thời trang đã bắt đầu xếp hàng từ 10 giờ đêm hôm trước để có thể trở thành những chủ nhân đầu tiên sở hữu những bộ cánh mang thương hiệu ngoại này.

Trước đó, cửa hàng Zara khai trương, nhiều người sẵn sàng đứng đội mưa để được mua sản phẩm trong ngày khai trương đầu tiên. Không chỉ Zara, H&M, nhiều thương hiệu thời trang quốc tế đã có mặt tại thị trường Việt Nam như Old Navy, Mango, Gap, Nine, West, Versace Jeans...

Ông Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương đánh giá trên thị trường nội địa, sức mua hàng dệt may đạt mức khoảng 4-5 tỷ USD/năm nhưng đáng tiếc chưa được các DN Việt Nam chú ý. Chỉ từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, hoạt động xuất khẩu (XK) bị chững lại thì khi ấy các DN mới quay trở về với thị trường nội địa.

Tuy nhiên, nếu so với các hãng thời trang ngoại, thương hiệu Việt khó cạnh tranh hơn từ giá, chất lượng cho tới thiết kế, chính sách chăm sóc khách hàng. Mặc dù gần đây, nhiều hãng thời trang trong nước liên tục giảm giá, tuy nhiên, theo nhiều khách hàng, các mẫu thiết kế của DN trong nước chậm thay đổi so với xu hướng thời trang thế giới, chưa kể khô cứng, già nua không hợp sở thích của các bạn trẻ.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, lo lắng, áp lực cạnh tranh gia tăng, ngay cả trên những thị trường nhỏ và trong nước. Đặc biệt khi so về trình độ DN dệt may Việt Nam đang kém cạnh nhiều khâu so với DN ngoại.

Ông Hải cho biết, vừa qua, ông trực tiếp tham gia đoàn khảo sát 2 DN dệt may trong nước và nước ngoài. Điểm chung 2 DN này là đều có quá trình may, cắt, in và thêu. Nhưng khi vào giữa 2 nhà máy thì sự khác biệt lớn nhất là trình độ quản lý, độ chuyên nghiệp. “Để sản xuất ra sản phẩm XK sang Hoa Kỳ, châu Âu, các DN ngoại quản lý sản xuất rất chuyên nghiệp từ nguồn nguyên liệu cho tới thiết kế. Đấy là điều mà DN dệt may Việt Nam hiện nay đang thiếu”, ông Hải nhận định.

Trong khi đó, DN may mặc Việt xưa nay chỉ tập trung gia công, phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Ước tính 80% nguyên liệu đầu vào phải nhập ngoại. Trong năm 2015, toàn ngành XK được 27,7 tỷ USD thì phải nhập tới hơn 24 tỷ USD nguyên liệu và các yếu tố đầu vào. Như vậy, chỉ còn chưa đầy 3,5 tỷ USD chi cho 6.000 DN với 450 nghìn lao động.

Nhìn vào cơ cấu sản xuất và toàn bộ chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, theo ông Thắng, Việt Nam chỉ tham gia nhiều vào khâu gia công - khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong toàn bộ chuỗi. Xét về thị trường XK chưa được đa dạng hóa một cách đúng mức dẫn đến những thiệt thòi không đáng có.

Ví dụ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực nhưng hầu như người hưởng lợi chỉ là các ông chủ Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam bởi hầu hết số DN Việt Nam chưa đưa được hàng hóa của mình vào thị trường này.

Bởi vậy, ông Thắng cho rằng để có thể hội nhập quốc tế, nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm, từng lô hàng dệt may, các đơn hàng gia công theo kiểu truyền thống cần sớm chuyển sang hình thức mua nguyên liệu bán thành phẩm theo những mức độ khác nhau: FOB (tự chủ nguyên liệu), ODM (tự thiết kế - sản xuất), OBM (đảm đương tất cả các khâu từ sản xuất đến phân phối tiêu thụ sản phẩm). Chỉ có như thế mới hy vọng tham gia vào được những khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong toàn bộ chuỗi như thiết kế, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

Điều đặc biệt, theo ông Thắng, ngoài việc phát triển thị trường XK cần phải bám chắc và sâu hơn nữa vào thị trường nội địa hơn 90 triệu dân. Khi đó ngành dệt may phải sản xuất ra được hàng dệt may cho mọi lứa tuổi, mọi giới tính của người Việt Nam; Tham gia vào toàn bộ quy trình từ thiết kế, sản xuất, xúc tiến thương mại và phân phối dịch vụ trong chuỗi giá trị.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thuê đan TP.HCM tính toán, một DN làm ra sản phẩm bán được 1 USD, gia công giỏi lắm được 10 cent (10%). Nhưng làm FOB, DN có thể lời 50 cent (50%).

Muốn giá trị gia tăng phải tự thiết kế, chủ động nguyên liệu. Nhà nước cần phát triển xây dựng vùng nguyên phụ liệu, thành lập công ty phát triển thiết kế thời trang, ông Hồng kiến nghị.

Hải Yến

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/det-may-viet-cho-nguoi-viet-70001.html