Dệt may, da giày TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng ngày càng cao

Liên tục trong 8 tháng đầu năm 2018, ngành dệt may và da giày của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục có sự tăng trưởng cao.

Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 8 tháng qua, chỉ số sản xuất của ngành dệt may thành phố đã tăng 10,51% (cùng kỳ tăng 7,64%); trong đó ngành dệt tăng 10,92% (cùng kỳ tăng 10,08%), ngành sản xuất trang phục tăng 10,09% (cùng kỳ tăng 5,19%).

Sản xuất dệt may tăng trưởng ngày càng cao (3 tháng tăng 5,3%; 6 tháng tăng 8,54%; 8 tháng tăng 10,51%) do các doanh nghiệp đã xây dựng chuỗi kết nối dệt - nhuộm - may để cung ứng cho nhau, giảm dần việc nhập nguyên liệu và đã xuất được nguyên vật liệu vào một số nước.

Trong 8 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may đạt 3,77 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,1%, tăng 5,4% so cùng kỳ; xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt, may đạt 125,47 triệu USD, tăng 10,43% so cùng kỳ; trong khi kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, may đạt 485,04 triệu USD, giảm 1,08% (cùng kỳ tăng 1,4%), cho thấy ngành may của thành phố đang ngày càng chủ động được nguyên liệu, giảm phụ thuộc. Đặc biệt chuỗi giá trị của ngành dệt may được quyết định phần lớn ở công đoạn thiết kế. Do đó, các công đoạn còn lại như cắt may, nguyên liệu, dệt nhuộm,… các doanh nghiệp thành phố có thể liên kết với các doanh nghiệp vệ tinh ở các tỉnh lân cận để tận dụng nguồn lao động giản đơn có chi phí thấp.

Sự tăng trưởng của ngành may TP. Hồ Chí Minh đang tạo động lực giúp các doanh nghiệp trong ngành mở rộng sản xuất, quy mô cũng như mạnh dạn đầu tư cho máy móc công nghệ hiện đại để bắt kịp xu thế của cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0. Những doanh nghiệp được đánh giá cao của ngành may thành phố có thể kể tới như Dệt Phong Phú, May 28, Mai Sài Gòn 3…

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh - cho hay, rất nhiều doanh nghiệp may hiện đã ký đơn hàng tới hết năm và chủ động thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại thị trường trong nước cũng như quốc tế thông qua sự hỗ trợ của Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hội Dệt may thêu đan thành phố.

Phong Phú là một trong những doanh nghiệp có doanh thu cao trong các tháng đầu năm 2018

Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, theo Sở Công Thương, để thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt may, hiện đơn vị này đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, rà soát 3 địa điểm do UBND quận 9 đề xuất nhằm tham mưu UBND thành phố thành lập Trung tâm thời trang TP. Hồ Chí Minh.

Ba địa điểm này gồm: Khu đất có diện tích 35,72ha tại đường Tam Đa, phường Trường Thạnh, quận 9; Khu đất thuộc dự án đầu tư xây dựng Trung tâm huấn luyện chiến sĩ mới - Tiểu đoàn 2, diện tích khoảng 18ha tại đường Tam Đa, phường Trường Thạnh, quận 9; Khu đất thuộc dự án đầu tư xây dựng Trường đại học Kiến Trúc, diện tích khoảng 38,8ha tại đường Nguyễn Xiển, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9).

Trung tâm thời trang này được định hướng phát triển phân khúc có giá trị gia tăng cao, chú trọng về các hoạt động giao dịch nguyên phụ liệu, thiết kế, khu trưng bày sản phẩm… Ngoài khu thương mại về nguyên phụ liệu, thiết kế, trưng bày, Trung tâm thời trang trong tương lai này còn có cả đào tạo về lĩnh vực thời trang, sân chơi cho các nhà thiết kế, nơi giao dịch của ngành thời trang.

Bên cạnh ngành dệt may, ngành da giày TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận kết quả khả quan với chỉ số sản xuất 8 tháng tăng 7,0% (cùng kỳ giảm 4,89%) do các doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng từ thị trường Trung Quốc (do Trung Quốc có xu hướng chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm công nghệ cao).

Minh Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/det-may-da-giay-tp-ho-chi-minh-tang-truong-ngay-cang-cao-108554.html