Dệt may, da giày hút vốn ngoại

Nhiều tập đoàn sản xuất hàng may mặc, xơ sợi, chỉ khâu… đã chọn Việt Nam làm điểm đến mở rộng đầu tư, đặc biệt là kể từ sau khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại EVFTA, CPTPP.

Ngành dệt may duy trì sức hút vốn ngoại

Ngành dệt may duy trì sức hút vốn ngoại

Làn sóng FDI vào ngành dệt may Việt Nam đã từng có giai đoạn tăng rất mạnh từ khi Việt Nam tham gia đàm phán TPP. Nhưng sau thời điểm Mỹ rút khỏi TPP, dòng vốn FDI đã không tăng đột biến, thậm chí số dự án được cấp mới thưa dần.

Với những hiệp định thương mại đa phương mà Việt Nam tham gia gần đây EVFTA, CPTPP đang kéo theo sự dịch chuyển đầu tư các dự án dệt may và da giày vào Việt Nam, dẫn đến vốn đầu tư vào hai ngành này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Các dự án đầu tư nước ngoài đang dồn dập đổ vào Việt Nam trong thời gian gần đây.

Cụ thể, cuối tháng 2 vừa qua, Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Hàn Quốc) đã khởi công nhà máy sản xuất giày tại Khu công nghiệp Tân Phú (Đồng Nai). Theo đó, dự án của Changshin Việt Nam có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, xây dựng trên diện tích 14,3 ha, có công suất hơn 27 triệu đôi giày/năm.

Thông tin từ chủ đầu tư cho biết, dự kiến hoàn thành việc xây dựng nhà máy vào năm 2020. Sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ thu hút khoảng 12.000 lao động.

Đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Đồng Nai tính từ đầu năm đến nay. Trước đó, Changshin Việt Nam đã có 2 cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Thạnh Phú. Lần gần nhất là hồi tháng 9/2013, Công ty đã đầu tư thêm 4 triệu USD để xây dựng xưởng sơn đế giày thành phẩm có công suất 67.500 đôi đế giày/ngày.

Cũng dịp đầu năm nay, tỉnh Bình Dương đã cấp phép cho Dự án đầu tư mở rộng của Công ty TNHH Kyung Bang Việt Nam, có vốn đầu tư tăng thêm 40 triệu USD, với mục tiêu đưa năng lực sản xuất sợi cotton lên 9.000 tấn/năm, sợi blended lên 11.000 tấn/năm...

Được biết, dự án này có mục tiêu sản xuất vải dệt thoi, vải dệt kim, vải đan móc, hoàn thiện sản phẩm dệt… Với vốn đầu tư tăng thêm này, Dự án của Kyung Bang Việt Nam đến nay có tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 219 triệu USD.

Hay như dự án Nhà máy sản xuất chỉ may thêu phục vụ ngành dệt may và da giày của Tập đoàn Amann (Đức) đầu tư tại Khu công nghiệp Tam Thăng (Quảng Nam), theo kế hoạch sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 6/2019, nhưng tiến độ đã được đẩy sớm hơn 2 tháng.

Theo Ban lãnh đạo Tập đoàn Amann, việc sớm đưa giai đoạn I vào sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xuống vốn để làm tiếp giai đoạn II, nâng tổng công suất toàn nhà máy lên 2.300 tấn/năm.

Trước đó, vào quý 3/2018, một dự án sản xuất giày dép xuất khẩu khác là Nhà máy Sản xuất giày xuất khẩu của Công ty Tỷ Bách, thuộc Tập đoàn Lai Yih Footwear (Đài Loan) cũng được khởi công tại Khu công nghiệp Bình Minh (Vĩnh Long). Dự án có vốn đầu tư 1.610 tỷ đồng (70 triệu USD), công suất 2.000.000 đôi giày/tháng...

Ông Chen Tsao Kang - Giám đốc Công ty Tỷ Bách cho biết, sẽ nhanh chóng triển khai dự án để sớm đưa nhà máy đi vào hoạt động trong năm 2019, tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu.

Theo nhận định của các chuyên gia, Hiệp định CPTPP sẽ mang đến động lực phát triển cho các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam; trong đó, đặc biệt hai ngành dệt may và da giày được cho là có lợi hơn cả. Một trong những nội dung quan trọng của CPTPP là xóa bỏ từ 95 - 98% các dòng thuế quan ngay khi hiệp định chính thức có hiệu lực, các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm theo lộ trình 5 - 7 năm. Đây được xem là yếu tố tác động tích cực đến sự phát triển và kim ngạch xuất khẩu của dệt may và da giày.

Thống kê của Bộ Công thương cũng cho thấy, chỉ số sản xuất ngành dệt máy tính chung 2 tháng đầu năm 2019 tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó tháng 2 tăng 9,6% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất trang phục tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 4,89 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ.

Cùng với ngành dệt may, sản xuất và xuất khẩu của ngành da giày trong 2 tháng đầu năm tiếp tục đạt tăng trưởng khả quan. Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018; sản lượng giầy, dép da 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt 40,7 triệu đôi, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 2,669 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ.

Thông tin từ các doanh nghiệp cho biết, ngay từ thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm. Đáng chú ý, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào ngành dệt may trong thời gian gần đây giúp dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may trong nước, từ đó tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn.

Còn sức hút để kéo vốn ngoại, cũng đồng nghĩa, năng lực sản xuất và xuất khẩu dệt may Việt Nam còn nhiều cơ hội để mở rộng và phát triển trong giai đoạn tới.

Linh Nga

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/det-may-da-giay-hut-von-ngoai-147222.html