Dệt may càng cuối năm càng khó

Với kịch bản dịch bệnh kéo dài đến hết năm 2020, ước tổng nhập khẩu dệt may thế giới chỉ đạt đến ngưỡng 600-640 tỷ USD, giảm từ 15-20% so với mức 755 tỷ USD của năm 2019.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) mới đây dẫn dự báo cập nhật từ nhiều tổ chức uy tín cho biết, tổng cầu dệt may toàn thế giới năm 2020 có nguy cơ sụt giảm từ 25-30%, đặc biệt 6 tháng cuối năm sẽ là thời gian hết sức khó khăn do ngấm tác động kéo dài từ đại dịch Covid-19.

Vinatex cũng cho hay, các chuyên gia tư vấn về dệt may toàn cầu thuộc dự án của Wazir Advisors còn dự đoán tình trạng tiêu thụ dệt may, da giầy năm 2020 tại Mỹ và EU giảm xấp xỉ 30% do tâm lý người tiêu dùng lo lắng về tương lai.

Dự kiến từ quý III/2021, mức tiêu thụ mới có khả năng hồi phục lại. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào việc kiểm soát bệnh dịch cũng như việc mở cửa trở lại các cửa hàng tại các quốc gia nhập khẩu lớn.

Với ngành dệt may Việt Nam, trong quý I/2020, tình trạng hủy, giãn đơn hàng rất nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã chứng kiến mức doanh thu giảm 20% trong quý I/2020 và tiếp tục trượt giảm ở quý II/2020, thời gian mở LC cũng kéo dài.

Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp chuyển sang may khẩu trang trong nỗ lực duy trì việc làm cho công nhân, hạn chế tổn thất do dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, khi thị trường trong nước đã bão hòa, các doanh nghiệp phải tìm cách xuất khẩu sang nước ngoài dẫn tới cạnh tranh ở mức cao.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp có các đơn hàng khẩu trang đến hết quý III/2020 và có thể giúp duy trì tạo công ăn việc làm cho công nhân trong thời điểm khó khăn do Covid-19 gây ra nhưng biên lợi nhuận không cao do có tới 80% các đơn hàng làm khẩu trang theo hình thức gia công, chưa tạo được nhiều giá trị thặng dư như đơn hàng FOB, ODM.

Hơn nữa, nếu trong giai đoạn tới, khi nhu cầu nhập khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động giảm, sẽ khiến doanh nghiệp còn khó khăn hơn nữa vào những tháng cuối năm.

Trong bối cảnh này, Vinatex dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020 tiếp tục giảm khoảng 14-18% so với cùng kỳ 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Nhận định khá dè dặt về triển vọng 6 tháng cuối năm, lãnh đạo Vinatex cho rằng, đây mới thực sự là giai đoạn khó khăn khi các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều doanh nghiệp may như veston, sơ-mi cao cấp gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn phức tạp.

Ðặc biệt, tại thị trường Mỹ, mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là “cứu cánh” cho nhiều doanh nghiệp may trong quý II, thì hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung.

“Với tình hình này, trong 6 tháng cuối năm 2020, doanh nghiệp dệt may cần tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất chặt chẽ, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục”, lãnh đạo Vinatex khuyến nghị tới các doanh nghiệp.

Chia sẻ tại cuộc họp mới đây của Chi hội Dệt may Ðồng bằng sông Hồng, ông Bùi Ðức Thịnh, Chủ tịch HÐQT CTCP May Sông Hồng nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 gây tổn hại vô cùng to lớn đối với các doanh nghiệp dệt may.

Riêng đối với May Sông Hồng, bên cạnh tổn hại lớn khi doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh, mới đây, Công ty còn đón tin dữ khi đối tác tại Mỹ tuyên bố phá sản, để lại khoản nợ rất lớn cho doanh nghiệp chưa biết bao giờ có thể thu hồi.

Theo ông Thịnh, năm 2020, May Sông Hồng đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, nhưng với triển vọng thị trường diễn tiến đầy bất trắc hiện nay, doanh thu có thể mất tới 1.200 - 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ hy vọng đạt một nửa kế hoạch đặt ra.

“Hiện May Sông Hồng vẫn cầm cự được, nhưng từ giờ đến cuối năm rất đáng lo ngại trong bối cảnh thị trường Mỹ đóng băng, bởi đây là thị trường lớn nhất của Công ty”, ông Thịnh cho biết và nhấn mạnh, mục tiêu sống còn của doanh nghiệp trong năm nay là “còn công nhân thì còn Công ty nên sống chết cũng phải giữ công nhân.

Doanh nghiệp đã tính toán mọi khả năng nếu không đủ việc làm thì quỹ lương dự phòng có thể duy trì công ty bao lâu. Hiện doanh nghiệp vẫn tồn tại, nhưng chưa có bất cứ tín hiệu nào để tính toán được cho tương lai năm sau”.

Trong điều kiện này, ông Thịnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dệt may như giảm thuế thu nhập xuống còn 12-15% cho tất cả các doanh nghiệp, chứ không phải chỉ những doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, giảm bảo hiểm thất nghiệp từ 2% xuống 1%; xin bỏ 2% phí công đoàn; bỏ thuế nhập khẩu khi gia công lại…

Hiếu Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-kinh-doanh/det-may-cang-cuoi-nam-cang-kho-337122.html