Dẹp tình trạng bán thực phẩm chức năng 'online' không rõ nguồn gốc

Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe 'online' vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng. Việc ngăn ngừa thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả còn hạn chế, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội.

PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe “online” vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng. Việc ngăn ngừa thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả còn hạn chế, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội.

Đây là những thông tin được chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến “Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức sáng 20-4.

Hiện nay, thực trạng quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến. Nhiều quảng cáo thổi phồng thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh khiến người tiêu dùng tin theo, dẫn tới nhiều hậu quả khó lường cho tính mạng, sức khỏe người bệnh.

Chia sẻ về thông tin này, PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, pháp luật đã quy định rất rõ là hàng sử dụng cá nhân mang theo người hoặc làm quà biếu thì không phải kiểm tra, không phải đăng ký và không được kinh doanh. Tuy nhiên, lợi dụng chính sách này, một số các tổ chức, cá nhân danh nghĩa là mang về để sử dụng cá nhân nhưng vẫn lén lút bán ra thị trường.

"Hiện tượng này đã có và chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng dứt khoát không mua những sản phẩm chưa được kiểm chứng của cơ quan quản lý nhà nước và khi có vấn đề xảy ra tranh chấp, tôi tạm gọi là tranh chấp, thì rất khó để làm căn cứ pháp lý để xử lý", ông Phong nói.

Về quảng cáo, để quản lý chặt các mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, từ ngày 1-7-2019, Nghị định 15 hướng dẫn về Luật an toàn thực phẩm quy định tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được chứng nhận GMP, tức là điều kiện sản xuất của nó gần như là thuốc chữa bệnh.

Hiện nay, có khoảng gần 225 cơ sở đã được chứng nhận GMP và với công suất sản xuất như vậy chúng ta bảo đảm không thiếu sản lượng thực phẩm, bảo vệ sức khỏe. Vấn đề ở đây làm sao để chúng ta có thực phẩm tốt cho người tiêu dùng.

Do tác động của Covid-19, việc thay đổi phương thức kinh doanh sang online phổ biến. Tuy nhiên, lợi dụng các hình thức này cũng có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc này để thổi phồng công dụng, gọi điện đến để lại số điện thoại, gọi điện đến và quảng cáo như thuốc chữa bệnh, thậm chí là thần dược. Tất cả những nội dung đó là vi phạm quy định pháp luật.

"Trên bao bì của thực phẩm bảo vệ sức khỏe bao giờ cũng có một dòng chữ này mà người tiêu dùng hết sức lưu ý “thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Rõ như thế rồi thì tại sao chúng ta lại cứ tin chữa được bệnh nọ, bệnh kia để chúng ta sử dụng? Chúng tôi mong muốn là cơ quan truyền thông cũng mạnh mẽ hơn nữa để khuyến cáo người tiêu dùng", ông Phong nhấn mạnh.

Về tình trạng bán hàng online, quảng cáo online sai quy định, nhất là trên mạng xã hội, Cục An toàn thực phẩm đã cùng với Cục Phát thanh - Truyền hình làm việc trực tiếp với Facebook và thấy rằng vi phạm không những quảng cáo thực phẩm mà kể cả các lĩnh vực khác và yêu cầu Facebook phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và sau đó, nhiều nội dung quảng cáo không đúng cũng đã được loại bỏ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế thành lập tổ phản ứng nhanh giữa cơ quan Bộ Y tế, cơ quan Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương, nhất là sàn giao dịch điện tử để xử lý những quảng cáo không đúng sự thật. Thuộc lĩnh vực của cơ quan nào thì cơ quan đó xử lý.

"Khối doanh nghiệp mà có sản phẩm vi phạm thì Cục An toàn thực phẩm sẽ xử lý; đối với quảng cáo sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhất là trang mạng xã hội thì Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý. Nhưng mà cũng có một vấn đề phát sinh, đó là quảng cáo xuyên biên giới và nhất là máy chủ đặt ở nước ngoài.

Vừa rồi chúng tôi thấy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ một nghị định hướng dẫn Luật Quảng cáo mới, trong đó có nhiều quy định chặt chẽ hơn. Chúng tôi hy vọng tới đây, việc quản lý quảng cáo, nhất là quảng cáo xuyên biên giới sẽ hiệu quả hơn", ông Phong bày tỏ.

Hiện nay, Luật Xử phạt vi phạm hành chính đã có quy định riêng về an toàn thực phẩm, được phép xử phạt gấp bảy lần vi phạm nếu như mức xử phạt tối đa của nó không tương xứng với hành vi vi phạm. Ngoài ra, nếu có dấu hiệu hình sự thì chúng ta chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo Luật Hình sự về tội vi phạm an toàn thực phẩm, vi phạm về sản xuất thực phẩm giả.

Bên cạnh đó, ngoài chuyện phạt tiền, Bộ Y tế cũng đã công khai các cơ sở vi phạm trên trang web của Cục An toàn thực phẩm. "Nếu thực hiện nghiêm túc các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, bên cạnh việc xử lý hình sự theo Điều 37 sửa đổi thì chúng ta bảo đảm đủ chế tài xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm", ông Phong nói.

LAM NGỌC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/dep-tinh-trang-ban-thuc-pham-chuc-nang-online-khong-ro-nguon-goc-642700/