Đẹp thêm hình ảnh giáo viên

Bộ ảnh khai giảng tại điểm trường Tắk Pổ năm học 2019 – 2020 đã gây chú ý với cộng đồng mạng ngay khi vừa tung lên.

Cô giáo Trà Thị Thu chụp ảnh cùng học trò sau buổi lễ khai giảng năm học 2019 – 2020.

Cô giáo Trà Thị Thu chụp ảnh cùng học trò sau buổi lễ khai giảng năm học 2019 – 2020.

Cô Trà Thị Thu (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) - nữ giáo viên được nhắc đến trong lễ khai giảng năm học 2019 – 2020 rất giản dị của 38 HS và hai cô giáo cùng một đại biểu tham dự là trưởng nóc ở điểm trường Tắk Pổ bất ngờ và hạnh phúc khi trở thành nhân vật truyền cảm hứng trong cuộc thi Giải Báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” 2020.

Những nụ cười tỏa nắng

Bộ ảnh khai giảng tại điểm trường Tắk Pổ năm học 2019 – 2020 đã gây chú ý với cộng đồng mạng ngay khi vừa tung lên. 34 khuôn mặt ngây thơ, háo hức, tay cầm cờ đỏ sao vàng cùng cô giáo chạy trên ngọn đồi đẹp như tranh vẽ. Buổi khai giảng đơn sơ, đại biểu tham dự là trưởng nóc. Học trò có em còn đi chân đất, không đủ ghế ngồi, một số em ngồi xổm dưới sân trường lổn nhổn đất, phía sau là lớp học bằng phên gỗ. Nhưng những bức ảnh lễ khai giảng của cô và trò ở điểm trường trên đỉnh núi Ngọc Linh như không còn vương sự thiếu thốn, nghèo khó mà tràn đầy hứng khởi, lạc quan khiến nhiều người rưng rung xúc động.

Đầu tháng 8/2019, cô Trà Thị Thu nhận quyết định phụ trách điểm trường Tắk Pổ. Từ trường chính, cô Thu phải đi bộ hơn 1,5 tiếng đồng hồ mới có thể lên đến Tắk Pổ. Để chuẩn bị cho buổi khai giảng, cô và cô Riah Uối đến trường từ mấy ngày trước đó. Trong hành trình vượt núi của mình, ngoài lương thực dự trữ dài ngày, thuốc men, cô Thu còn chuẩn bị một lá cờ Tổ quốc mới cùng những lá cờ cầm tay cho HS, phông chữ trang trí cho ngày khai giảng. Sự chuẩn bị này, theo cô Trà Thị Thu, là để HS hình dung được không khí náo nức bắt đầu một năm học mới diễn ra trên cả nước. “Tuy không có cờ hoa rực rỡ, bố mẹ đưa đón nhưng tại điểm trường trên đỉnh núi đầy mây gió, cô và trò cũng cố tạo nên không khí khai giảng tuy đơn sơ nhưng ấm áp” – cô Thu tâm sự.

Năm học vừa qua, cô trò của điểm trường Tắk Pổ quanh năm mây phủ nhận được nhiều sự quan tâm từ các cấp của ngành Giáo dục cũng như cá nhân, đội nhóm, mạnh thường quân trên cả nước. “Đường đến Tắk Pổ dốc cao, trơn trượt, lầy lội nhưng nhiều anh chị, đội nhóm đã không quản ngại vất vả đem cả yêu thương từ phố lên rừng. Có nhiều bé, nhiều anh chị ở xa và rất xa không có điều kiện đến đây nhưng cũng gửi yêu thương đến. Đó là vinh dự, niềm vui, hạnh phúc và là động viên lớn lao cho cô trò và bà con nhân dân Tắk Pổ” – lá thư cảm ơn cuối năm học của cô Thu viết.

Lễ khai giảng ở điểm trường Tắk Pổ tuy giản dị nhưng không kém phần trang trọng, háo hức.

Hạnh phúc đến từ điều giản dị

“Em và cô Riah Uối nhận sự quan tâm, chia sẻ và động viên rất lớn từ Sở GD&ĐT Quảng Nam cùng các nhà giáo trên cả nước. Như lá thư của PGS.TS Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng đã tiếp thêm động lực cho chúng em trong sự nghiệp dạy học vẫn còn dài ở phía trước. Thầy Trang cho biết, những cố gắng của chúng em trong điều kiện dạy – học còn nhiều khó khăn, hoang sơ như Tắk Pổ đã tô đẹp thêm cho hình ảnh nhà giáo trong bối cảnh hiện nay. Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cũng dành tặng cho chúng em hai suất học bổng học lên ĐH bao gồm cả sinh hoạt phí. Trong thư, thầy Trang cũng nói rõ đây là món quà nhỏ của lòng mến mộ giữa đồng nghiệp là nhà giáo với nhau” – cô Thu chia sẻ.

Cô Riah Uối – giáo viên lớp mẫu giáo ở Tắk Pổ năm học 2019 – 2020 thì đang mong ngóng ngày được trở lại Trà Tập. “Em là giáo viên hợp đồng của trường mầm non. Em nghỉ sinh được 6 tháng, các chị ở trường mấy ngày vừa rồi có gọi điện bảo tiếp tục ký hợp đồng giảng dạy nhưng đường sá đang bị sạt lở chưa lên được” – cô Uối cho biết.

“Chị Thảo có bằng tốt nghiệp ĐH rồi. Em tốt nghiệp sư phạm mầm non, trình độ trung cấp. Lâu nay cũng muốn đi học nâng cao trình độ nhưng do điều kiện đi lại khó khăn, lương hợp đồng đủ chi tiêu nên chưa dám nghĩ đến chuyện học lên ĐH. Suất học bổng của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng rất có ý nghĩa đối với bản thân em. Khoảng một năm nữa, khi con trai cứng cáp, em sẽ báo cáo với nhà trường để thu xếp đăng ký dự thi”.

Những ngày đầu cắm bản ở đỉnh núi Ngọc Linh với tâm trạng ngổn ngang, em cũng chưa nghĩ đến chuyện bỏ nghề hoặc xin chuyển về xuôi. Dù vật chất, điều kiện thiếu thốn nhưng được sống với bà con, học trò nghèo mà đong đầy tình cảm như thời gian qua thì không gì hạnh phúc bằng. Đừng suy nghĩ quá nhiều bởi hạnh phúc không phải do hoàn cảnh mang lại, mình tự tạo được niềm vui thôi. - Cô Trà Thị Thu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/dep-them-hinh-anh-giao-vien-0jfpYioGR.html