Đẹp nhưng chưa đột phá

Triển lãm cuộc thi ảnh quốc tế VN17 vừa khai mạc sáng 2.12 tại Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật VN (3 Tôn Thất Thuyết, HN). Rất đông các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đổ về xem, kể cả nhiều người ở tỉnh xa, dù không có ảnh triển lãm vẫn muốn về đây để xem và học hỏi kinh nghiệm tác phẩm của đồng nghiệp.

“Làng nổi Cái Bèo” của Giang Sơn Đông - HCB Vapa ảnh phong cảnh.

Tổ chức chấm ảnh chuyên nghiệp

Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam (ký hiệu VN) với sự sự bảo trợ của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (Fiap), được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, năm 2017 là cuộc thứ 9, ký hiệu là VN-17. So với kỳ trước, VN-15 thì số lượng ảnh dự thi tăng lên gần 1.800 ảnh khi VN-17 thu hút 11.448 tác phẩm của 958 tác giả thuộc 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Là một cuộc thi do Fiap bảo trợ nên cũng như mọi khi xu hướng chung của Fiap-1 tổ chức nhiếp ảnh nghiệp dư nhưng có tầm phủ sóng rộng, mang tính toàn cầu vẫn là những nét đẹp văn hóa nhẹ nhàng mang tính nhân văn hơn là những vấn đề gai góc mang tính xã hội mạnh mẽ. Dù nhiều năm gần đây, Fiap có mở rộng thêm thể loại ảnh báo chí và cũng mời gọi được một số nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp tham gia.

VN-17 có 4 chủ đề, và như thường lệ số ảnh gửi vào 2 chủ đề “Cuộc sống đời thường”, và “Tự do” áp đảo so với 2 chủ đề còn lại “Chân dung”, “Phong cảnh”.

4 Hội đồng giám khảo riêng rẽ (3 giám khảo/Hội đồng), và sự góp mặt của hai nghệ sĩ. David Tay Poey Cher (Singapore) đã quá quen thuộc với giới ảnh ở ta và Agatha Bunanta (Indonesia), mỗi người tham gia thẩm định chung ở cả hai chủ đề thay vì chỉ một chủ đề như các giám khảo Việt Nam làm đa dạng hóa cách nhìn hơn.

Nhiều người cho rằng, giá như thêm nhiều giám khảo quốc tế thì sự thẩm định còn đa chiều hơn.

Khâu chấm ảnh được tổ chức khá bài bản, chuyên nghiệp, riêng chung khảo chấm hai vòng phụ, một vòng chính với thang điểm 2-5 là hợp lý. Ban Tổ chức đã kiểm tra lại những vấn đề phát sinh sau quá trình chấm chọn ảnh ở sơ khảo như một số ảnh trùng nhau (cả nội dung lẫn hình thức thể hiện), ảnh đã gửi dự thi từ những kỳ VN trước, ảnh nghi ngờ can thiệp chỉnh sửa tại chủ đề không cho phép chỉnh sửa… để chốt lại số lượng chính xác các tác phẩm vào chung khảo…

Đẹp hơn nhưng chưa “sướng”

Đúng là màu sắc và chất lượng kỹ thuật của các bức ảnh cả ta và tây được chọn lần này nhìn chung đều khá mạnh, đồng đều. Tỉ lệ ảnh dạng du lịch ca ngợi phong tục vẻ đẹp văn hóa “của VN khá nhiều.

Bức ảnh “Papa Carlo” của tác giả Alla Sokolova (Pháp) bắt được gương mặt thảng thốt của ông già nhìn qua những giọt nước qua tấm kính đoạt Huy chương Vàng Vapa thể loại ảnh chân dung, có cảm xúc hay nhưng tạo hình chưa mạnh.

“Phụ nữ Thái” của Vũ Duy Bội - Huy chương Vàng Fiap - giá như bối cảnh (background) thú vị hơn, có chuyện hơn, ảnh còn khá đơn giản.

Một số ảnh đoạt giải còn lại thì hình ảnh hoặc quá quen thuộc, nhàm chán, và lộ rõ bàn tay dàn dựng. Trong bối cảnh đó, tác phẩm ảnh đen trắng của nhà nhiếp ảnh Medi Wiharyono (Indonesia) dù chỉ đoạt Huy chương Bạc Fiap lại gây ấn tượng mạnh nhất với tôi cả về tạo hình và biểu cảm nhân vật-cô gái trẻ.

Thể loại “Cuộc sống đời thường” trong top ảnh thắng giải có những ảnh mạnh về tính thông tin báo chí như “Giải cứu cá voi” của Trần Văn Yên và “Giữa thời bình” - Nguyễn Văn Đông (đều HCĐ Vapa)… và những ảnh thực sự là khoảnh khắc đời thường chụp những người đi trong tuyết của Giuseppe Tomelleri (Italia) và những đứa trẻ trên đường của Ye Zhou (Trung quốc), hay ảnh đẹp mẹ con đẹp nuột nà chụp trong studio của Tamas Fekete (Hunggari).

Thể loại “Phong cảnh”, các bức ảnh thắng giải của các tác giả Italia và Trung Quốc đẹp và lãng mạn như tranh, phần lớn ấn tượng hơn nhiều các nghệ sĩ VN (với một số được chụp bằng thiết bị Flycam - trò chơi công nghệ).

Và chủ đề cuối cùng”Tự do”, chất lượng có phần nhỉnh hơn các thể loại khác. “Swan Lake” với kỹ thuật chụp stroboscopic - một dạng chụp phơi sáng kết hợp sử dụng chế độ Multi/repeat của flash, ấn tượng của tác giả trẻ Trần Tuấn Việt đã mang về cho anh tấm HCV Vapa. Còn tác phẩm “Relationship” của tác giả Alla Sokolova (Pháp) - HCV Fiap thì đã quá nổi tiếng khi trước đó, bức ảnh đã đoạt hàng loạt giải thưởng ở nhiều cuộc thi ảnh du lịch quốc tế.

Nhưng bức “Touch History” cũng của tác giả này đoạt HCB Fiap lại có bố cục bị rối không thật ấn tượng. Một bức ảnh mang thông điệp về môi trường “Cần một không gian” của Huỳnh Thu (Bằng danh dự Vapa) lại làm người xem nhớ đến một bức ảnh vừa đoạt giải nhất Festival nhiếp ảnh trẻ 2017 “Mầm sống” của Trần Vũ Quang Duy.

Thực sự các tác phẩm thắng giải ở VN-17 có thể làm mãn nhãn người xem ở một thời điểm nào đấy, nhưng chưa thật sướng, bởi lẽ thiếu những tác phẩm mang tính đột phá, với ý tưởng cách tân sáng tạo, hàm chứa tư duy sâu sắc, vượt hẳn ra với thông điệp mang tầm thời đại.

VIỆT VĂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/dep-nhung-chua-dot-pha-579555.ldo