Dẻo, thơm bánh lá răng bừa 'tiến vua'

Chỉ với gạo tẻ, nhân thịt lợn, hành khô băm nhuyễn gói trong lá chuối xanh, bánh lá Thọ Xuân trở nên một món ăn dân dã khó quên.

Thọ Xuân - vùng đất sinh ra 2 vị vua, khởi đầu 2 vương triều phong kiến Việt Nam là Tiền Lê và Hậu Lê, vốn rất nổi tiếng với nhiều sản vật tiến vua được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến như: bưởi Luận Văn, bánh gai Tứ Trụ... Và gần đây, khi bánh lá răng bừa Xuân Lập “góp mặt” trong thực đơn của mỗi gia đình trong các ngày lễ, tết hay được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị thì người dân lại được biết thêm về nguồn gốc một món ăn “tiến vua” nữa của vùng đất “địa linh nhân kiệt”.

Theo sách địa chí xã Xuân Lập và những chia sẻ của người dân trong xã, thì: Bánh lá răng bừa Xuân Lập có nguồn gốc từ làng Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân), liên quan đến nghi lễ “cày ruộng tịch điền” xưa kia. Thuở ấy, dẹp xong giặc Tống, đất nước thái bình, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, Vua Lê Đại Hành lại đích thân xuống đồng cày ruộng để mở đầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, động viên Nhân dân tích cực lao động sản xuất. Để tỏ lòng biết ơn vua, người dân nơi đây đã dành những hạt gạo ngon nhất để làm nên một loại bánh với hương vị riêng dâng lên vua. Hình dáng chiếc bánh gợi liên tưởng đến chiếc răng bừa, nên có lẽ tên bánh cũng bắt nguồn từ đây.

Gạo để làm bánh lá răng bừa Xuân Lập phải là gạo từ lúa 13/2, một giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng dài, hạt gạo trắng, dẻo, thơm ngon. Gạo đem vò cho thật kỹ, ngâm nước 4 - 5 tiếng rồi vớt ra để xay trong cối đá theo tỷ lệ gạo, nước vừa phải. Xay bột xong thì lại chuyển sang công đoạn ráo bột (tức cho nước bột xay vào xoong hoặc nồi đặt trên bếp lửa rồi dùng đũa bếp đánh đều tay cho đến khi bột đông đặc nhưng còn mềm dẻo). Bột ráo, người ta dùng thìa hoặc đũa bếp để cho bột vào lá. Lá để gói bánh răng bừa thường là lá chuối đã được lau rửa và hơ nóng cho mềm. Nhân bánh lá răng bừa gồm hành khô, thịt ba chỉ băm nhỏ trộn với một ít hạt tiêu, muối. Đây cũng là một sự khác biệt so với nhiều địa phương khác cũng làm bánh lá răng bừa.

Theo chị Đỗ Thị Thương, thành viên Hội bánh lá răng bừa xã Xuân Lập, thì: Thường bánh lá răng bừa ở hầu hết các nơi đều có thêm mộc nhĩ nhưng riêng nhân bánh lá răng bừa Xuân Lập có sự khác biệt là không bỏ mộc nhĩ bởi nếu bỏ thêm mộc nhĩ bánh sẽ bớt đi vị ngậy, béo, thơm của thịt và mộc nhĩ nếu để qua nhiều ngày cũng gây chua bánh và không tốt cho sức khỏe. Về cách làm bánh lá răng bừa, chị Thương cũng chia sẻ thêm: Bánh sau khi gói, cứ 5 cái bánh lại xếp thành một buộc. Kích thước mỗi chiếc bánh chỉ dài độ 20cm và tròn, to chỉ hơn ngón tay cái một chút. Bánh sống gói xong xếp chồng một chỗ, nếu thời tiết nắng nóng, chưa ăn liền thì để bảo quản trong ngăn đá, khi nào ăn chỉ cần luộc, hấp trong 20 - 30 phút là bánh chín.

 Một hộ làm bánh lá răng bừa truyền trống của xã Xuân Lập (Thọ Xuân) đang gói bánh để kịp phục vụ các đơn hàng cho khách.

Một hộ làm bánh lá răng bừa truyền trống của xã Xuân Lập (Thọ Xuân) đang gói bánh để kịp phục vụ các đơn hàng cho khách.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Minh Sơn, Chủ tịch Hội bánh lá răng bừa Xuân Lập, chia sẻ: Hiện nay, toàn xã Xuân Lập có khoảng hơn 200 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa. Sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, tết cổ truyền... Trung bình mỗi hộ bán khoảng 300 - 500 cái bánh lá răng bừa mỗi ngày. Mỗi năm, xã Xuân Lập cung ứng ra thị trường hàng chục triệu cái bánh lá răng bừa. Những năm gần đây, bánh lá răng bừa Xuân Lập đã được mở rộng ra thị trường và được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh, thậm chí được đóng gói gửi sang nước ngoài.

Hiện nay, để duy trì, phát triển nghề truyền thống một cách bền vững, cùng với việc đảm bảo chất lượng bánh, chính quyền và người dân địa phương đã quan tâm nhiều đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm bánh lá răng bừa Xuân Lập. Đặc biệt, việc làng nghề Trung Lập được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống đã tạo điều kiện để địa phương tổ chức sản xuất một cách quy củ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, đồng thời thuận lợi cho việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Theo ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập: Tháng 4-2021, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có quyết định chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 383662 cho sản phẩm “Bánh lá răng bừa Xuân Lập”. Trước đó, tháng 10-2020, Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định chứng nhận OCOP cho sản phẩm “Bánh lá răng bừa Xuân Lập”. Vì vậy, để tiếp tục hỗ trợ cho sản phẩm bánh lá răng bừa phát triển, tới đây, xã sẽ tập trung quy hoạch vùng trồng lúa và vùng trồng chuối để đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu làm bánh. Tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm, gia vị liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện về hành lang pháp lý và các cơ chế, quỹ đất để Hội bánh lá răng bừa Xuân Lập có địa điểm hoạt động thuận lợi.

Bánh lá răng bừa Xuân Lập không chỉ là một món ăn ngon, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử của một vùng đất giàu truyền thống. Vì vậy, việc duy trì, phát triển nghề làm bánh lá răng bừa gắn với hoạt động quảng bá du lịch cũng đang là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả rõ rệt, qua đó không chỉ góp phần tạo việc làm cho lao động của địa phương mà còn đem theo hương vị, hồn quê, tình người xứ Thanh đến với mọi nhà, mọi người.

Theo: baothanhhoa.vn

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/deo-thom-banh-la-rang-bua-tien-vua-168642.html