Đèo Ngang thuộc địa phận 2 tỉnh thành nào?

Với khung cảnh thiên nhiên đầy chất thơ và trữ tình, đèo Ngang là nơi dừng chân hấp dẫn nhiều du khách trên tuyến quốc lộ 1A.

1. Đèo Ngang thuộc địa phận 2 tỉnh thành nào?

Nghệ An và Hà Tĩnh
Hà Tĩnh và Quảng Bình
Quảng Bình và Quảng Trị

Dọc theo quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam, qua gần hết địa phận tỉnh Hà Tĩnh, đầu Quảng Bình, bạn sẽ được chiêm ngưỡng đèo Ngang hùng vĩ với chiều dài khoảng 6 km. Đèo Ngang thuộc núi Hoành Sơn, tách ra từ dãy Trường Sơn, cao 256 m và là mốc địa giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Ảnh: Oohlameo.

2. Ai là tác giả của bài thơ "Qua đèo Ngang" nổi tiếng?

Bà Huyện Thanh Quan
Hồ Xuân Hương
Xuân Quỳnh

Nói tới Bà Huyện Thanh Quan (tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người Hà Nội), không ai không nhắc đến bài thơ "Qua đèo Ngang", tác phẩm nổi tiếng của nữ sĩ trong kho tàng văn học Việt Nam thời cận đại. Qua bài thơ, đèo Ngang hiện lên trước mắt độc giả với khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, heo hút, hoang sơ. Ảnh: Seu_911.

3. Hầm đèo Ngang dài bao nhiêu m?

300 m
400 m
500 m

Hoàn thành từ tháng 8/2004, đường hầm xuyên đèo Ngang có chiều dài gần 500 m với 6 làn xe lưu thông. Việc xây dựng hầm đã giúp các phương tiện giao thông di chuyển, vượt dãy Hoành Sơn trở nên dễ dàng hơn trước đây. Tuy nhiên, để tận hưởng không gian thiên nhiên trong lành, tuyệt đẹp, nhiều người vẫn lựa chọn con đường đèo dù nguy hiểm và mất nhiều thời gian. Ảnh: Tjn.nguyen.

4. “Cổng trời” là di tích còn lại của cửa ải nào trên đỉnh đèo Ngang?

Hoành Sơn Quan
Nam Quan
Chi Lăng

“Cổng trời” hiện là di tích còn sót lại của cửa ải Hoành Sơn Quan. Cổng được làm bằng gạch đá, cao 4 m, hai bên thành dài 30 m. Đường lên "Cổng trời" khá nhỏ, hẹp và quanh co. Ảnh: Ngochoahuynh127.

5. Hoành Sơn Quan được xây dựng vào năm nào?

1833
1834
1835

Cửa ải Hoành Sơn Quan được xây vào năm 1833, thời vua Minh Mạng nhằm kiểm soát việc qua đèo. Sở dĩ, nơi đây được gọi với cái tên "Cổng trời" bởi vì cửa ải nằm trên vị trí cao, có thể nhìn thấy khung cảnh rộng lớn phía dưới. Đứng ở đây, bạn tưởng chừng như có thể chạm trời bầu trời. Ảnh: Godeath.qv.

6. Những người thợ xẻ núi đã xây dựng bao nhiêu bậc thang lên xuống cửa ải?

500
1.000
1.200

Lối đi tại "Cổng trời" được mở về hai phía với 1.000 nấc thang rêu phong, xưa cũ nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn và được làm từ bàn tay của những người thợ xẻ núi. Dù nằm ngay bên đường lớn, rất ít người qua lại nhận ra lối đi nhỏ dẫn lên "Cổng trời" này. Ảnh: Ngochoahuynh127.

Vân Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/deo-ngang-thuoc-dia-phan-2-tinh-thanh-nao-post945976.html