Đeo kính râm không nhãn mác, rẻ tiền, coi chừng hại mắt

PGS Nguyễn Đức Anh - chuyên gia về mắt, giảng viên Đại học Y Hà Nội cho biết, việc mua tạm một cái kính 'đen' lề đường đeo trong trời nắng nóng, hy vọng bảo vệ mắt là sai lầm.

Theo PGS Đức Anh, mùa hè trời nắng gắt nên mọi người thường có nhu cầu đeo kính râm, kính đen để hy vọng bảo vệ mắt khỏi ánh sáng chói lòa, trong đó có tia cực tím UV rất có hại cho mắt, cho da. "Tuy nhiên, nếu mọi người cho rằng chỉ cần có một cái kính đen che lên mắt là đã bảo vệ mắt khỏi tia UV là sai lầm" - PGS Đức Anh nói.

Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khám mắt miễn phí cho người dân nghèo ở Ninh Bình

PGS Đức Anh cho biết, kính mắt có thể bảo vệ mắt khỏi tia UV phải là kính đạt tiêu chuẩn chất lượng, được nhà sản xuất cam kết, đảm bảo. Kính râm có nhiều loại như kính phân cực, kính chống tia UV, kính chống lóa... Do đó, khi mua người dân phải chọn lựa kính có nhãn mác, có nhà sản xuất. Việc mua các kính đen, kính râm rẻ tiền ở lề đường không thể bảo vệ mắt khỏi tia UV mà còn gây hại cho mắt.

Hiện nay, trên thị trường, kính râm rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại, giá tiền. Có kính lên đến cả chục triệu đồng nhưng có kính chỉ vài chục nghìn đồng. Khá phổ biến là các loại kính râm bày bán la liệt ở vỉa hè, với giá chỉ 30-50.000 đồng/chiếc. Nhiều người lao động nghèo, sinh viên, học sinh đã mua kính râm ở vỉa hè để hy vọng bảo vệ mắt, chống nắng.

Về các bệnh lý về mắt, PGS Đức Anh cũng khuyến cáo về việc nhiều người đang lạm dụng sử dụng máy tính, điện thoại, xem ti vi, nhiều giờ, nhất là buổi tối. "Ánh sáng xanh từ màn tình ti vi, điện thoại, máy tính gây hưng phấn, khiến người sử dụng khó ngủ, mất ngủ và gây hại cho mắt" - PGS Đức Anh nói.

Ngày 10.5, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã tổ chức buổi hội thảo: "Những trường hợp khó trong việc khám và điều trị tật khúc xạ ở trẻ em". Thông tin từ hội thảo cho biết, tỷ lệ tật khúc xạ ở Việt Nam khoảng 15-40%, tương ứng với khoảng 14-36 triệu người mắc. Trẻ em (6-15 tuổi) có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 25-40% ở thành thị và 10-15% ở nông thôn (tương đương 3 triệu trẻ em).

Theo PGS Đức Anh, tỷ lệ gần 40% người Việt bị mắc bệnh khúc xạ thậm chí còn thấp so với nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, nguyên nhân là do rất nhiều người đã không được đi khám mắt.

"Trẻ em cần đi khám mắt sớm để phát hiện tật khúc xạ, điều chỉnh kính kịp thời, giúp các em học tập, sinh hoạt tốt hơn" - PGS Anh nói.

PGS Đức Anh cũng nhấn mạnh, đợi đến khi trẻ tròn 18 tuổi, độ khúc xạ ổn định thì có thể phẫu thuật. Đây là phương pháp duy nhất để điều chỉnh tật khúc xạ vĩnh viễn.

Diệu Linh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/gia-dinh/deo-kinh-ram-khong-nhan-mac-re-tien-coi-chung-hai-mat-874405.html