Đeo khẩu trang, rửa tay có ngăn được virus corona?

Đeo khẩu trang đúng loại và đúng cách có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm virus corona, nhưng các chuyên gia nói rửa tay cẩn thận quan trọng không kém, theo New York Times.

Chính quyền Trung Quốc khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, trong cuộc chiến chống lại virus corona đang lây lan mạnh theo từng giờ. Liệu khẩu trang có tác dụng tới đâu?

Theo New York Times, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết khẩu trang che mũi và miệng có thể giúp ngăn sự phát tán bệnh, nếu được đeo đúng cách và dùng thường xuyên.

Dù vậy, về mặt khoa học, chưa có nhiều bằng chứng khoa học có căn cứ chặt chẽ về tính hiệu quả của khẩu trang, ngoại trừ trong môi trường y tế.

Hầu hết các nghiên cứu chất lượng nhất, tức các khảo sát có đối chứng (controlled) và có tính ngẫu nhiên (randomized), tìm hiểu độ hiệu quả của khẩu trang trong môi trường y tế (ngăn sự lây nhiễm từ bệnh nhân sang nhân viên y tế), và kết luận rằng khẩu trang có tác dụng.

 Các công nhân tại một nhà máy làm khẩu trang ở Handan, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Các công nhân tại một nhà máy làm khẩu trang ở Handan, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Nếu không đeo khít, khẩu trang không lọc được hết không khí

Tiến sĩ Julie Vaishampayan, chủ tịch hội đồng sức khỏe cộng đồng của Hội Bệnh Truyền nhiễm Mỹ, cho biết khẩu trang thực ra là “tuyến phòng thủ cuối cùng”.

“Chúng tôi lo ngại rằng người đeo khẩu trang sẽ tưởng mình được bảo vệ nhiều hơn thực tế”, bà nói với New York Times. “Rửa tay và tránh tiếp xúc với người bị bệnh quan trọng hơn nhiều so với đeo khẩu trang”.

Vì khẩu trang không được thiết kế vừa khít vào khuôn mặt hay dán kín, vẫn sẽ có khoảng trống xung quanh miệng, do vậy “bạn có thể không lọc toàn bộ không khí hít vào”, bà nói.

Tuy nhiên, khẩu trang sẽ chặn được hầu hết các hạt dạng lỏng nhỏ từ đường hô hấp của người khác khi họ hắt hơi và ho, không cho chúng đi vào miệng và mũi của bạn, tiến sĩ Amesh Adalja, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm ở Trung tâm An ninh Sức khỏe của Đại học John Hopkins, nói với New York Times. Virus corona lây nhiễm chủ yếu qua các hạt dạng lỏng nhỏ như vậy.

Các chủng virus corona có thể lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh.

Cuộc sống ở Vũ Hán những ngày qua dường như diễn ra đằng sau những chiếc khẩu trang. Ảnh: Washington Post.

Các chuyên gia lo ngại về vấn đề lớn hơn, là mọi người không dùng khẩu trang đúng cách. “Hầu hết mọi người sẽ thò tay dưới khẩu trang để gãi mặt hay xoa mũi”, làm cho những chất gây bệnh tiếp xúc với mũi và miệng, tiến sĩ Adalja cho biết. “Bạn không nên cứ nghe điện thoại là tháo khẩu trang ra”.

Điều này cũng được bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) nhắc tới trong khuyến cáo gần đây: Cần mang khẩu trang vừa vặn, có thể che kín được cả miệng và mũi. Không nên đeo khẩu trang chỉ để che miệng hoặc che mũi rồi thỉnh thoảng kéo xuống cằm để cười nói.

Tính đến đầu giờ chiều ngày 24/1 (30 Tết), Trung Quốc đại lục ghi nhận 875 ca nghi nhiễm virus corona và 26 ca tử vong. Ngoài ra, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Macau, Đài Loan đều đã có những ca được xác nhận nhiễm virus, theo South China Morning Post.

Đã có 2 người chết ngoài khu vực Hồ Bắc, theo New York Times. Trong đó, một người chết ở tỉnh Hà Bắc, cách Hồ Bắc 1.000 km về hướng bắc. Người kia qua đời ở Hắc Long Giang, tỉnh biên giới giáp Nga, cách Hồ Bắc 2.400 km về phía bắc.

Chính quyền Trung Quốc ngày 24/1 tiếp tục tăng cường nỗ lực cách ly chưa từng có tiền lệ đối với 9 thành phố, với tổng số dân lên tới 30 triệu người.

Rửa tay quan trọng không kém

Tiến sĩ Mark Loeb, chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Đại học McMaster ở Hamilton, Ontario, từng nói trong một nghiên cứu về đợt bùng phát bệnh SARS rằng dù đeo khẩu trang (mask) hay mặt nạ phòng độc (respirator) loại nào cũng giảm nguy cơ bị lây bệnh đối với nhân viên y tế khoảng 85%.

“Thông điệp quan trọng nhất là nguy cơ sẽ được giảm đi nếu người dùng dùng khẩu trang một cách liên tục”.

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng đồng ý rằng bệnh nhân bị nhiễm bệnh mà đeo khẩu trang thì khả năng lây cho người khác cũng giảm đi. Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo các bệnh viện hãy yêu cầu bệnh nhân đeo khẩu trang đối với những ca bị sốt hay bệnh hô hấp, hay vừa tới Vũ Hán, hay tiếp xúc với ai đó vừa tới Vũ Hán.

Các ga tàu kiểm tra thân nhiệt của hành khách ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images.

CDC cũng khuyến cáo nhân viên y tế đeo mặt nạ phòng độc (respirator), vốn lọc được nhiều chất dạng hạt hơn khẩu trang, khi làm việc với bệnh nhân.

Việc rửa tay thường xuyên và trước khi ăn cũng được mọi chuyên gia khuyến cáo. Nước khử trùng tay (hand sanitizer) cũng có tác dụng đối với virus đường hô hấp. Các chuyên gia khuyến cáo rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, xoa mọi phần của tay - cả lòng bàn tay lẫn mu bàn tay.

Trong khuyến cáo gần đây, Bộ Y tế cho biết mọi người nên “Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc”. Ngoài ra, cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/deo-khau-trang-rua-tay-co-ngan-duoc-virus-corona-post1039517.html