Đến với sân khấu ca nhạc bằng sự yêu mến dung dị nhất

Dù bước vào lĩnh vực âm nhạc chưa lâu nhưng đạo diễn Vạn Nguyễn đã tạo dấu ấn với chuỗi chương trình làm về các tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam như Trịnh Công Sơn, Lam Phương...

Gần đây nhất, anh cùng ê kíp đã thực hiện chuỗi chương trình "Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương" tại 3 địa điểm Hà Nội (tháng 11 - 2019), TP Hồ Chí Minh (tháng 12 - 2019) và Kiên Giang (tháng 1 - 2020). Phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có dịp trò chuyện cùng anh xung quanh tình yêu lớn dành cho âm nhạc.

- Vừa qua, khán giả ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã được dịp thưởng thức những tuyệt phẩm của nhạc sĩ Lam Phương qua chuỗi chương trình "Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương" cùng cuốn sách viết về cuộc đời của ông. Từ đâu anh có ý định làm chương trình lớn như vậy?

+ Với tôi, dòng nhạc Lam Phương là dòng nước ngọt lành chảy lặng lẽ vỗ về và nâng niu bồi đắp triệu triệu tâm hồn người Việt trong và ngoài đất nước nhiều năm qua. Qua những quan sát của mình, tôi thấy người Việt khắp nơi trên thế giới vẫn chưa khi nào thôi say mê những ca khúc của ông. Nhạc sĩ Lam Phương có một gia tài âm nhạc đồ sộ, một tâm hồn sáng tác gần gũi với quê hương, một nhạc sĩ đầy tài năng, hiếm có trong vườn hoa âm nhạc Việt Nam. Qua đêm nhạc này, tôi lại càng thấy sự lan tỏa của những ca từ, giai điệu mà âm nhạc Lam Phương đem đến với người yêu nhạc ngày một lớn lên chứ chưa bao giờ vơi đi.

Đạo diễn Vạn Nguyễn chia sẻ về liveshow “Trăm nhớ ngàn thương”.

Đạo diễn Vạn Nguyễn chia sẻ về liveshow “Trăm nhớ ngàn thương”.

- Nhắc tới Vạn show và đạo diễn Vạn Nguyễn, giờ đây khán giả sẽ nhớ tới chuỗi show diễn "Trịnh ca" và Lam Phương. Âm nhạc của hai nhạc sĩ này đều mang âm hưởng lãng mạn, hoài cổ, đầy triết lý nhân sinh. Để có được những đêm nhạc thành công, chắc chắn anh đã phải có sự rung động đặc biệt với mạch nguồn cảm xúc ấy?

+ Tôi chưa dám tự nhận là mình thành công khi thực hiện chương trình về nhạc Trịnh Công Sơn và Lam Phương. Đó là hai tượng đài và hậu thế như tôi chỉ dám tự nhận là người mon men tới chân bệ tượng, đặt một nhành hoa cảm xúc, thắp một giọt trầm ơn cảm và lặng lẽ ngắm nhìn như một giọt sương. Nhưng chút long lanh nhỏ bé ấy đã được gửi trọn vào lòng khán giả, để thêm một lần những tác phẩm bất tử trong lòng người yêu nhạc lại ánh lên nhẹ nhàng. Chỉ bấy nhiêu thôi là hạnh phúc và viên mãn vô cùng.

Xây dựng đêm nhạc cái khó nhất không phải là một sân khấu thật đẹp, công phu kỳ vỹ, cái khó nhất là phải đặt trọn vẹn mình trước tiên vào vai trò người khán giả. Khi khán giả mua vé, họ mong chờ điều gì. Những lần đọc inbox của khán giả, tôi cảm thấy như có một gánh nặng đè lên vai.

Có khán giả, sau khi mua vé đã chụp hình, gửi cho tôi và nhắn: "Mình đã mua được vé, hồi hộp quá, không biết chương trình có hay như mình mong đợi không. Mình đi hơn một trăm cây số để lên Hà Nội xem đêm diễn nên hi vọng là sẽ hay thật sự.

Đọc tin nhắn xong, cả đêm đấy tôi không dám ngủ. Cứ nghĩ đến tâm tình của khán giả như thế, phải làm sao để đêm nhạc được như bấy nhiêu chờ đợi. Trong khi nhạc xưa vốn mặn mòi, sâu sắc, đầy trải nghiệm.

Và để chuyển tải tất cả những điều ấy, để người xem được thấm thía trong từng câu hát, đắm say trong từng hơi thở và một bầu trời kỷ niệm cũ của mỗi người trở lại sau bài ca, sau đêm diễn... Đó là một bài toán rất khó, bắt buộc người dàn dựng phải hòa mình vào mỗi ca khúc, tìm thấy mạch nguồn trong tình sử mà chắt chiu vun vén cho từng câu dẫn thoại, từng hình ảnh hiện trên sân khấu... Nên, sau chương trình mà khán giả hài lòng thì đó là may mắn của tôi đã chọn được một lối đi phù hợp với tâm lý khán giả.

- Chuỗi chương trình "Trịnh ca" của anh có sự tham gia của nhiều ca sĩ tên tuổi nhưng giọng nào khiến anh rung động nhất?

+ Với gia tài âm nhạc đồ sộ của Trịnh Công Sơn thì có nhiều ca sĩ hát thành công. Mỗi giọng hát khi bén duyên nhạc Trịnh đều để lại một ấn tượng không giống nhau. Mỗi người đều để lại dấu ấn ở những ca khúc phù hợp với chất giọng của họ. Riêng cá nhân tôi, giọng hát khiến tôi rung động sâu sắc ở nhạc Trịnh Công Sơn là tiếng hát của huyền thoại Ngọc Lan.

- Đảm nhiệm vai trò đạo diễn chương trình âm nhạc chưa lâu nhưng anh đã tạo được dấu ấn riêng của mình. Hẳn là phải có lý do đặc biệt nào đó?

+ Tôi xuất thân từ nghề đạo diễn sân khấu và thực tế những chương trình đầu tiên tôi trực tiếp tham gia dàn dựng là những chương trình nghệ thuật dạng sử thi và kịch nói, như chương trình "Nghìn năm Thăng Long", các vở kịch nói như "Ngôi nhà quỷ ám" 2011, "Cát bụi" (2012) "Bản danh sách điệp viên" (2014)... Từ năm 2014 tôi mới chuyển dần sang dàn dựng sân khấu ca nhạc.

Ca sĩ Bằng Kiều và Thanh Hà biểu diễn trong chương trình “Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương”.

Việc đến với sân khấu ca nhạc, đặc biệt là dòng nhạc trữ tình với tôi đó là một nhân duyên. Khi tôi chừng 5,6 tuổi, bố tôi có một chiếc đài, chạy bằng cái đầu kim quay quay trên mặt cái đĩa nhựa to. Cứ chiều chiều bố tôi lại bật đài, đặt cây kim lên chiếc đĩa, từ từ quay từng vòng từng vòng trong sự thích thú của đứa trẻ con. Đó là thời gian tôi được thấm đẫm các giai điệu bố tôi hay nghe như "Phiên chợ Ba Tư", "Vũ khúc Tây Ban Nha", "Tình ca du mục", "Con ếch xanh''... Âm nhạc Việt Nam thì ngày đó tôi gần như thuộc lòng các vở "Quan Âm thị Kính", "Lưu Bình - Dương Lễ".

Tới những năm 90 của thế kỷ trước, cả nhà tôi lại say mê nghe nhạc qua băng cassette. Cả tuổi thơ tôi đã được nghe cùng bố mẹ không biết bao nhiêu bài hát và bao nhiêu lần những ca khúc của các nhạc sĩ Văn Cao, Đỗ Nhuận, Thuận Yến, Phạm Tuyên, Nguyễn Văn Tí, Nguyễn Tài Tuệ...

Khi học cấp 2, có tiền tiết kiệm, tôi bắt đầu tìm mua các băng nhạc của Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Năm 12 tuổi tôi đã thuộc lòng nhiều bài hát của ông, dù không hiểu được những ẩn ý cao xa gửi gắm trong các ca khúc.

Bấy nhiêu đó đã cho tôi đến với sân khấu ca nhạc bằng tất cả tâm thế của sự yêu mến dung dị nhất. Cảm giác tự nhiên như hơi thở và sung sướng khi xây dựng các chương trình để ngồi nghe và biên tập lại các ca khúc trong ngàn vạn ca khúc đã sống động trong tuổi thơ của mình.

- Nhiều khán giả xem các đêm diễn của anh và nhận định rằng anh là người "hoài cổ". Anh đã làm thế nào để hài hòa được yếu tố hiện đại cần có ở những đêm nhạc hiện nay và cá tính riêng của mình?

+ Khán giả nhận xét chính xác đấy. Thậm chí, đôi khi tôi còn thấy mình "tối cổ" (cười). Hầu hết không biết gì liên quan đến công nghệ. Thích tranh sơn mài, thích đọc về di sản, danh nhân thời xưa, và đặc biệt là thích cổ nhạc. Nhìn chung, tôi là một người Hà Nội thuộc hệ "âm lịch". Gần đây, tôi cũng cố gắng "bớt cổ" hơn. Đó là do yêu cầu công việc, mình vẫn phải học hỏi anh em đồng nghiệp những kỹ thuật sân khấu mới, những thiết bị hỗ trợ trình diễn mới cùng những trang thiết bị mới nhất để đảm bảo sử dụng vào các đêm diễn một cách hài hòa.

- Với anh, hình như vẫn còn rất nhiều ý tưởng ấp ủ muốn thực hiện?

+ Tôi thích viết và dựng sử thi, thích làm chương trình âm nhạc về Bác Hồ, về người lính, về Hà Nội... Mỗi giai điệu đều mang đến cho tôi những cảm xúc mạnh mẽ. Mỗi loại hình nghệ thuật đều cho tôi cảm giác tìm được mình dù ở vai trò đạo diễn hay khán giả. Với tôi, chỉ cần được tiếp xúc, được nghe, đọc, xem một tác phẩm hay đều là một niềm sung sướng chẳng thể tả bằng lời. Tôi "tham" lắm. Loại hình âm nhạc nào cũng đều muốn dựng được những đêm diễn đầy cảm xúc!

- Xin cảm ơn anh!

Thảo Duyên

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/den-voi-san-khau-ca-nhac-bang-su-yeu-men-dung-di-nhat-575594/