Đến với người bạn truyền thống và tin cậy

Việt Nam và Ru-ma-ni tuy xa cách về mặt địa lý nhưng hết sức gần gũi, gắn bó thân thiết, có quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, tin cậy từ rất lâu. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc trước đây và trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay, nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ quý báu của nhân dân Ru-ma-ni anh em. Nước bạn đã giúp đỡ đào tạo hàng nghìn cán bộ, kỹ sư cho Việt Nam. Đây thật sự là vốn quý cho quan hệ hai nước.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm chính thức Ru-ma-ni của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam được lãnh đạo, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Ru-ma-ni hết sức chào đón, bởi 42 năm nay (kể từ năm 1977) mới lại có một Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thăm đất nước ở đông nam châu Âu này. Những ngày công tác ngắn ngủi ở đất nước xinh đẹp này, đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được sự thân thiện, nồng ấm của người dân Ru-ma-ni dành cho đoàn. Một số người Ru-ma-ni khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam đã vui mừng, bắt chặt tay vì họ vốn sẵn có tình cảm với Việt Nam từ trước và cũng chỉ biết đến dải đất hình chữ S qua các phương tiện truyền thông.

Chuyến thăm chính thức này diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa hết sức đặc biệt, đánh dấu mốc son, mở ra chương mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước. Sự kiện càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi Ru-ma-ni đã chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Liên hiệp châu Âu (EU) sáu tháng đầu năm 2019, do đó, nước này sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt Nam và ASEAN với EU. Đây thật sự là cơ hội tốt khi Việt Nam đang mong muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với EU, nhất là thúc đẩy để hai bên sớm ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Ru-ma-ni thật sự mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam, coi Việt Nam là cầu nối để tiến vào thị trường ASEAN rộng lớn, đồng thời sẵn sàng làm cầu nối để Việt Nam tiến vào thị trường EU. Hai nước có nhiều nét tương đồng, nhiều tiềm năng, thế mạnh có thể bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển. Báo chí, các trang mạng của Ru-ma-ni đưa tin hết sức đậm nét về chuyến thăm này.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm hết sức thành công với Thủ tướng V.Đan-xi-la. Nhà lãnh đạo Chính phủ Ru-ma-ni khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam, nhấn mạnh chuyến thăm chính thức Ru-ma-ni lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, mong muốn quan hệ hai nước có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn trong thời gian tới. Thủ tướng V.Đan-xi-la khẳng định, Ru-ma-ni sẽ làm hết sức mình và tiến hành các bước đi cần thiết để thúc đẩy sớm ký Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU trong nhiệm kỳ Chủ tịch lần này của Ru-ma-ni.

Trao đổi về các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác song phương còn nhiều tiềm năng trên tất cả các lĩnh vực. Hai Thủ tướng cho rằng, tiềm năng hợp tác còn rất lớn và hai nước cần tăng cường thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác mỗi bên có thế mạnh và có nhu cầu; đồng thời đánh giá cao hợp tác giữa các địa phương hai nước thời gian qua, coi đây là hướng hợp tác truyền thống rất có tiềm năng, hai bên cần phối hợp triển khai các dự án hợp tác cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Thủ tướng V.Đan-xi-la đánh giá cộng đồng người Việt tại Ru-ma-ni đáng tin cậy, hội nhập tốt, có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương.

Trong các cuộc hội kiến Tổng thống C.I-ô-ha-ni-xơ và Chủ tịch Thượng viện Cơ-lin P.Tơ-ri-chê-a-nu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn trân trọng sự giúp đỡ quý báu và tình cảm nhân dân Ru-ma-ni dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam trong gần 70 năm qua. Thủ tướng cảm ơn và bày tỏ mong muốn Ru-ma-ni tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc ký và phê chuẩn EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Ru-ma-ni; mong hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Ru-ma-ni có thế mạnh. Nhấn mạnh coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống giữa hai nước, các nhà lãnh đạo Ru-ma-ni khẳng định, nước này ủng hộ tăng cường quan hệ Việt Nam - EU, bằng mọi nỗ lực thúc đẩy EVFTA cũng như Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU được ký trong thời gian Ru-ma-ni đảm đương vai trò Chủ tịch EU và tiến tới triển khai các hiệp định mang lại lợi ích cho Việt Nam, EU và Ru-ma-ni.

Chính vì tầm quan trọng như vậy, ngay sau khi tới Ru-ma-ni, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tới thăm tỉnh Pờ-ra-hô-va, một trong những địa phương phát triển năng động và có nhiều tiềm năng hợp tác nhất với Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, hợp tác địa phương được coi là một mô hình hợp tác kiểu mẫu với việc nhiều tỉnh, thành phố của hai nước đã ký Bản ghi nhớ hợp tác như: Hòa Bình và Pờ-ra-hô-va; Bến Tre và Tun-chê-a; Huế và I-a-xi; Đà Nẵng và Ti-mi-xo-a-ra… Vui mừng và phấn khởi với chuyến thăm của nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Pờ-ra-hô-va bày tỏ ủng hộ và mong Hiệp định EVFTA sớm được ký kết để đem lại lợi ích cho hai bên.

Với bà con cộng đồng người Việt Nam tại Ru-ma-ni, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc càng có ý nghĩa hết sức đặc biệt bởi sự kiện này góp phần nâng tầm quan hệ hai nước, qua đó nâng cao vị thế của cộng đồng. Chính vì thế, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam tại Ru-ma-ni, Đại sứ Đặng Trần Phong đã bày tỏ với Thủ tướng rằng, bà con đã mong chờ chuyến thăm này từ lâu. Một số bà con đã kiến nghị với Thủ tướng và lãnh đạo một số bộ, ngành các biện pháp nhằm hoàn thiện hơn công tác cộng đồng, tạo thuận lợi cho cuộc sống của bà con. Một số kiều bào đã chia sẻ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng, Ru-ma-ni có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động Việt Nam. Phía bạn thường dành cho lao động Việt Nam những điều kiện tốt nhất có thể. Chính quyền sở tại cũng đánh giá cao vai trò, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam, lao động Việt Nam tại Ru-ma-ni. Có những hợp đồng mà phía bạn cần vài nghìn lao động Việt Nam mà chúng ta chưa thể đáp ứng được. Vấn đề là để tận dụng tốt cơ hội này thì chúng ta phải có sự chuẩn bị tốt cho lao động Việt Nam, nhất là những kiến thức cơ bản trước khi sang đây.

Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam được cộng đồng DN hai nước hết sức chào đón. Chính vì thế, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ru-ma-ni đã thu hút đông đảo cộng đồng DN hai nước tham dự. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Ru-ma-ni M.Đa-ra-ban bày tỏ, các DN tham dự Diễn đàn là những DN tiêu biểu, đại diện cho nền kinh tế Ru-ma-ni. Họ rất quan tâm thị trường Việt Nam và hiểu rằng phải vươn xa khỏi thị trường châu Âu để hội nhập quốc tế. Hiện có 225 DN có vốn đầu tư của người Việt Nam đang hoạt động tại nước này và như vậy, các DN Việt Nam tại Ru-ma-ni nhiều hơn DN Ru-ma-ni tại Việt Nam. Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường kinh doanh, Thương mại và hợp tác doanh nghiệp Ru-ma-ni X.Ô-pê-ra đánh giá: Kim ngạch thương mại song phương chưa tương xứng tiềm năng, do đó, Diễn đàn là cơ hội để thúc đẩy hợp tác tốt hơn. Hiện, Ru-ma-ni đang là Chủ tịch luân phiên của EU, nước này rất ủng hộ EVFTA và mong muốn thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định. Khi đó thuế nhiều dòng hàng sẽ về 0%, giúp các DN có thể tăng kim ngạch thương mại. Ông cũng chia sẻ, các DN xuất khẩu lao động của Việt Nam sang đây có thể thấy sự thiếu hụt lao động của Ru-ma-ni và nước này cần nhân lực lao động có kỹ năng, tay nghề.

Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cơ hội mở ra rất lớn cho các DN Ru-ma-ni khi đầu tư vào Việt Nam, vì Việt Nam đã tham gia 12 Hiệp định FTA và đang tiến tới ký kết EVFTA. Với vai trò là Chủ tịch EU, Ru-ma-ni sẽ thúc đẩy để EU sớm phê chuẩn Hiệp định này, mở ra cơ hội lớn cho các DN hai nước cũng như EU. Hiện, kim ngạch thương mại song phương chưa tương xứng tiềm năng và quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, do đó hai bên cần nỗ lực mạnh mẽ để tạo “đột biến” trong lĩnh vực này. Thủ tướng cũng đề nghị hai nước cần quan tâm thúc đẩy hợp tác về lao động vì Ru-ma-ni có nhu cầu tiếp nhận lao động rất lớn. Đặt câu hỏi tại sao trái cây nhiệt đới, thủy, hải sản của Việt Nam chưa đến được thị trường Ru-ma-ni, Thủ tướng cũng đề nghị DN hai nước thúc đẩy hợp tác trong việc xuất khẩu thủy, hải sản, nông sản của Việt Nam sang thị trường Ru-ma-ni và ngược lại. Thủ tướng nhấn mạnh, các DN Ru-ma-ni khi vào thị trường Việt Nam còn tiếp cận được cả thị trường ASEAN. Thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được các DN hai nước nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao.

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thành công rực rỡ, mở ra một dấu mốc mới, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước lên một tầm cao mới, đi vào chiều sâu và thực chất.

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân

Hà Thanh Giang

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/39876602-den-voi-nguoi-ban-truyen-thong-va-tin-cay.html