Đến với bài thơ hay: Mạch nguồn ngày sau

Sự thiêng liêng cao cả của tình mẹ, là hạt giống của lòng biết ơn từng bước được ươm mầm.

Minh họa: Vietpink.

Minh họa: Vietpink.

Nguyễn Ngọc Hưng

Áo mẹ

Mượt mà châu chấu áo xanh

Cào cào áo đỏ mỏng manh lụa hồng

Mẹ em cắt lúa trên đồng

Nâu nâu áo vải đượm nồng gió thơm

Bây giờ áo lúa vàng ươm

Mai này cởi áo, gạo cơm trắng ngần

Nuôi người hạt thóc quên thân

Vì con mẹ phải tảo tần gian nan

Mẹ ơi, châu chấu sẩy sàng

Cào cào giả gạo sẻ san nhọc nhằn

Lẽ nào con mặc áo trăng

Lại quên áo mẹ dệt bằng nắng mưa

Mẹ là hình tượng đẹp đẽ và thiêng liêng nhất đối với mỗi chúng ta. Bất kể là ai, sinh ra trong hoàn cảnh nào cũng được nuôi nấng, chở che bằng tình yêu thương bao la như trời biển ấy. Thế nên, văn chương viết về mẹ luôn dạt dào cảm xúc, luôn chạm vào trái tim người đọc một cách mạnh mẽ và sâu sắc.

Với lứa tuổi thiếu nhi, đa số các em còn hồn nhiên, trong sáng, sự thấu cảm về cuộc sống, về tình yêu và sự hy sinh của mẹ chưa nhiều nên đôi khi phạm phải sai lầm không đáng có. Để giúp các em từng bước thấm nhuần công lao to lớn ấy mà vươn lên trong cuộc sống, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã viết những vần thơ thật trong trẻo mà sâu sắc, mộc mạc mà cuốn hút khiến người đọc vừa thích thú, vừa rưng rưng xúc động qua hình ảnh ẩn dụ là chiếc áo của mẹ.

Tứ thơ được mở đầu bằng lối dẫn dắt hồn nhiên, lôi cuốn sự tò mò, thích thú của lứa tuổi thiếu nhi. Đó là hình ảnh cào cào, châu chấu với nét mượt mà, mỏng manh trong chiếc áo mớ ba, mớ bảy, sắc xanh, sắc hồng. Đây là loài vật gần gũi, thân thương với các em nơi đồng quê thôn dã.

Thế rồi như một điểm tựa, một nhịp cầu nối dòng liên tưởng giữa thiên nhiên và con người. Trên cánh đồng thênh thang bốn mùa mưa nắng, những loài vật nhỏ bé có thể vô tư diện những chiếc áo đẹp đẽ, điệu đà, sặc sỡ để vui chơi thì mẹ em lại mặc chiếc áo nâu bình dị, cũ sờn nhưng đượm nồng những mùi hương thơm ngát.

Đó là hương thơm của giọt mồ hôi mẹ, là hương của bùn đất, lúa ngô ấp ủ tháng ngày. Mùi vị có thể với người khác chẳng mảy may hấp dẫn mà ngược lại nhưng với em đó là một mùi hương đặc biệt, mùi của tình yêu thương tha thiết ngọt ngào. Sự đối lập về sắc màu và chất liệu của tà áo mẹ với cào cào, châu chấu bước đầu mở ra cho người đọc những sự băn khoăn, suy nghĩ và liên tưởng.

Nét hồn nhiên, nhí nhảnh của loài vật tí hon có phải là hình ảnh ẩn dụ của các bé vui tươi, điệu đà, hạnh phúc, và cánh đồng bát ngát ấp iu từng cây lúa cho cào cào cuộc sống bình yên có phải là hình ảnh ẩn dụ về tấm lòng bao la, nhân từ của mẹ. Sự liên tưởng ấy sẽ lôi cuốn người đọc vào mạch nguồn cảm xúc để tư duy khám phá nội dung bài.

Vẫn là lối viết liên tưởng, gợi mở và đòn bẩy, nhưng khổ thơ thứ hai lại đạt đỉnh cao về nghệ thuật nhân hóa, so sánh và ẩn dụ.

“Bây giờ áo lúa vàng ươm

Mai này cởi áo, gạo cơm trắng ngần

Nuôi người hạt thóc quên thân

Vì con mẹ phải tảo tần gian nan”

Tác giả dùng trọn ba câu thơ trên nói về hạt lúa để làm nền, làm đòn bẩy cho câu cuối nói về sự hy sinh nhọc nhằn của mẹ. Hạt lúa vàng ươm, hạt gạo trắng ngần chính là thành quả, là sản phẩm mà mẹ bốn mùa dãi dầu một nắng hai sương trên đồng sâu ruộng cạn. Áo lúa vàng ươm như hình thái bên ngoài mủm mỉm, khỏe mạnh, đáng quý, đáng yêu của con ở thời kì hiện tại và hạt gạo trắng ngần như vẻ đẹp tâm hồn mà con sẽ tỏa sáng ở tương lai.

Hạt lúa hay con đều lớn lên từ bàn tay mẹ, nên cũng sẽ bao dung như tấm lòng của mẹ, dành hết yêu thương dâng trọn cho đời. Một câu thơ sáu chữ mà lồng ghép hai biện pháp tu từ là nhân hóa, ẩn dụ làm cho mỗi chữ, mỗi từ đều trở nên thật gợi, thật lắng đọng và cảm xúc. Hạt thóc quên thân hay chính là lòng mẹ, vì nuôi con mà hy sinh quên cả bản thân mình. Để rồi sau những sự diễn giải đầy dụng ý về hạt thóc là một đúc kết vô cùng sâu sắc về tình mẹ, về công ơn vô bến vô bờ mà một đấng sinh thành dành cho con cái.

Phép so sánh dường như đã đạt đến đỉnh cao giữa câu 3 và câu 4 khi ngòi bút đạt được điều mà người viết muốn gửi vào con chữ. Đó là sự thiêng liêng cao cả của tình mẹ, là hạt giống của lòng biết ơn từng bước được ươm mầm.

Khổ cuối bài thơ lại là hình ảnh châu chấu và cào cào nhưng khai thác ở một tính chất khác với khổ đầu. Đó là sự san sẻ, đỡ đần trong công việc. Phép nhân hóa một lần nữa phát huy tối đa giá trị nghệ thuật là khơi gợi được trí tưởng tượng và liên tưởng của người đọc. Đến những loài sinh vật nhỏ bé, hệ thần kinh chưa phát triển còn hiểu biết và hành động nhân văn như thế thì làm sao con có thể vô tâm mà quên đi nỗi nhọc nhằn của mẹ.

Sự tương phản giữa áo con là chiếc áo trăng đẹp đẽ, tươi sáng và sạch sẽ và áo mẹ bạc sờn, cũ kĩ bởi bốn mùa dầm trong mưa trong nắng làm bật lên công lao to lớn và đức hy vô tận của người. Thông điệp nhân văn về lẽ sống, về tình mẫu tử thiêng liêng giúp các em rút ra cho mình bài học về lòng hiếu thảo, lòng biết ơn mà sống đẹp mỗi ngày.

Dù để tài khai thác không mới lạ trong một thể thơ lục bát truyền thống, nhưng lối diễn đạt mềm mại, nhẹ nhàng, uyển chuyển và tinh tế của ngòi bút tài hoa. Nguyễn Ngọc Hưng đã đánh trúng vào mạch tư duy, tâm lí lứa tuổi để kích thích các em tò mò, thích thú rồi khám phá. Bài thơ đã khép lại nhưng dư âm trong lòng người đọc sẽ còn ngân vọng mãi, đó là tình mẹ, tình mẫu tử thiêng liêng, vĩ đại và kì diệu mà thượng đế sinh ra dành tặng muôn loài.

Lê Thị Xuân (Giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Lộc Hà, Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-mach-nguon-ngay-sau-post711342.html