Đến Việt Nam bằng tình yêu trọn vẹn!

Tôi đã nhiều dịp tới tòa nhà tọa lạc ở 'vị thế vàng' trên đường Kim Mã - Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, và vô cùng ấn tượng với một cán bộ đến từ xứ sở bạch dương - chị Natalia Shafinskaya.

Chị trả lời trơn tru các thắc mắc hay câu hỏi của phóng viên liên quan tới sự kiện bằng tiếng Việt. Chị sử dụng linh hoạt hai thứ tiếng không chút vấp váp hay gượng gạo. Tôi biết chị từ khi chị là biên dịch viên, trợ lý Giám đốc, Phó Giám đốc, và nay là Quyền Giám đốc Trung tâm. Những tò mò của tôi về con người và cuộc sống của chị được giải đáp trong một lần cùng chị ngồi nhâm nhi cà phê và thưởng thức bánh ngọt Nga.

Chị Natalia Shafinskaya. (Ảnh: NVCC)

Không phải lựa chọn ngẫu nhiên

Năm 2016, chị Natalia bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình tại Trung tâm sau khi kết thúc một nhiệm kỳ kéo dài 5 năm và trở về nước nghỉ khoảng nửa năm. Quyền Giám đốc trẻ chia sẻ, trước khi sang Việt Nam, chị không phải là “tờ giấy trắng” trong hiểu biết về đất nước và con người Việt. Chị đã dành cả những năm tháng sinh viên đầy ước vọng của mình cho hai tiếng “Việt Nam” và hành trang là tấm bằng loại ưu về tiếng Việt tại trường Đại học Tổng hợp Viễn Đông.

Lựa chọn tiếng Việt của Natalia cũng không phải ngẫu nhiên. Chị, cũng như nhiều người Viễn Đông (giáp với châu Á), muốn gắn bó cuộc đời mình với ngoại ngữ nên thường chọn học ngoại ngữ châu Á, bên cạnh tiếng Anh, vốn được coi là ngôn ngữ toàn cầu. Sau khi học tiếng Trung từ lớp một đến lớp 11, chị Natalia quyết định tiếp tục theo đuổi con đường học ngoại ngữ ở bậc Đại học.

Tuy nhiên, lần này sự lựa chọn của chị không phải là tiếng Trung mà là tiếng Việt. Lý do chị đưa ra cũng vô cùng giản đơn: “Tôi bước vào Đại học năm 2003, khi ấy, nơi tôi sống ít người nói được tiếng Việt, bộ môn tiếng Việt cũng khá mới mẻ tại trường. Hơn nữa, khi thấy hai người Nga nói chuyện bằng tiếng Việt tôi thấy rất hay. Cộng đồng người Việt vùng Viễn Đông cũng khá đông đảo. Họ hiền lành, gần gũi,… Tất cả trở thành động lực đưa tôi đến với tiếng Việt. Càng gắn bó tôi càng thấy may mắn và tự hào về lựa chọn của mình”.

Tình yêu ấy có lẽ sẽ không trọn vẹn nếu như Natalia không có những năm tháng sống và học tập ở Việt Nam theo chương trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước. Năm thứ hai Đại học, Natalia có 10 tháng học tiếng Việt ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Khoảng thời gian này, chị được trực tiếp trải nghiệm văn hóa Việt, sử dụng tiếng Việt 24/24, ăn Tết cùng người dân Việt. Với chị Natalia, ngôn ngữ nào cũng có một vẻ đẹp riêng và phải dành hết sức mình mới có thể học tốt, nhưng để gắn bó cả cuộc đời thì phải có đam mê và tình yêu với đất nước, con người sử dụng ngôn ngữ đó. Tiếng Việt đáp ứng tất cả các tiêu chí đó.

Những khoảnh khắc quan trọng nhất đời

Năm 2010, cầm tấm bằng “đỏ” trên tay, cô sinh viên ưu tú Natalia còn khá trăn trở rằng nên ở lại Nga hay sang Việt Nam tìm việc làm sau khi đã đầu tư quá nhiều thời gian và tâm huyết vào tiếng Việt. Những năm tháng đầu cầm hồ sơ đi xin việc ở thủ đô Hà Nội cũng khá gian truân với một người ngoại quốc. Nhưng có lẽ tình yêu với tiếng Việt đã “trả ơn” chị.

Giám đốc Trung tâm văn hóa Nga khi đó đã tuyển chị làm biên dịch viên và từ đó, chị gắn bó với Việt Nam như quê hương thứ hai. Giờ đây, chị Natalia có thể tự hào phát âm chuẩn theo tiếng Thủ đô và không bỡ ngỡ khi đi công tác ở nhiều vùng miền của Việt Nam. Dù công việc bận rộn nhưng chị luôn dành thời gian trau dồi thêm vốn tiếng Việt mà chị luôn coi là hành trang để “bắc cầu” cho quan hệ văn hóa giữa hai nước.

“Có lẽ không thể diễn tả được sự quan trọng của Việt Nam trong trái tim tôi”, chị Natalia chia sẻ. Bên cạnh công việc, Việt Nam còn là nơi chứng kiến những khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời chị.

Chị đã kết hôn theo tôn giáo tại Việt Nam. Theo phong tục ở Nga, kết hôn theo tôn giáo thì không thể ly hôn, vì vậy, mỗi cặp vợ chồng phải cân nhắc kỹ lưỡng trước quyết định có làm đám cưới đặc biệt này hay không. Hằng năm, vẫn có linh mục từ Nga sang Việt Nam để tổ chức đám cưới theo tôn giáo cho những người Nga sinh sống tại Việt Nam. Chị Natalia đã quyết định làm đám cưới thiêng liêng đó tại mảnh đất chị coi như ngôi nhà thứ hai. Đứa con đầu lòng của chị cũng được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Nhiều bạn bè tại lớp mẫu giáo của con chị vẫn trêu đùa và gọi con chị là “người Việt Nam ơi!”. Người bạn gái thân thiết nhất của chị cũng là người Việt Nam. Mỗi cuối tuần, chị vẫn tự lái xe đi thăm thú Hà Nội, thăm bạn bè, kể cả những người bạn từ thời đại học. Chị thích ẩm thực, yêu phong cảnh Việt Nam, chị đi rất nhiều nơi nhưng vẫn luôn coi Hà Nội là “hòn ngọc” sáng nhất.

Trong công việc, chị khẳng định không gặp bất cứ khó khăn gì khi làm ngoại giao văn hóa nhờ sự gắn kết giữa nhân dân hai nước và mối quan hệ hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Nga. “Là một cán bộ ngoại giao trẻ nhưng phải đảm nhiệm một vị trí khá quan trọng, phải chăng trách nhiệm và áp lực cũng rất lớn?”, tôi hỏi. Chị cười: “Đúng như vậy, chồng tôi nhiều lần nhắc khéo rằng tôi còn là một người vợ, người mẹ. Tuy nhiên, tôi vẫn lựa chọn công việc bởi khi công việc ổn thỏa, tôi sẽ có thời gian cho gia đình”.

Bị cuốn vào dòng chia sẻ của chị Natalia, tôi quên bẵng lịch hẹn phỏng vấn chỉ có nửa giờ đồng hồ. Tạm biệt chị, tôi chợt nhớ tới một câu nói: “Chọn nghề cũng như chọn bạn đời, mọi khó khăn, thử thách đều có thể vượt qua, nếu có tình yêu”. Ở chị Natalia, tình yêu dành cho tiếng Việt, cho Việt Nam, cho công việc chị đang làm là vô tận!

Phạm Hằng

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/den-viet-nam-bang-tinh-yeu-tron-ven-45985.html