Đến Trường Sa gặp đồng hương Quảng Ninh

Dịp gần Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tôi may mắn được tham gia đoàn công tác ra thu, nhận quân, thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Tại đây, tôi đã có dịp trò chuyện, gặp gỡ với những cán bộ, chiến sĩ quê Quảng Ninh đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa. 'Gặp nhau giữa biển Đông này là cái duyên, là tình cảm quý báu và thiêng liêng của những người con Quảng Ninh khi ra Trường Sa làm nhiệm vụ', đó là tâm sự của Trung úy Vũ Văn Phúc, phường Đại Yên, TP Hạ Long, Phó cụm trưởng Cụm chiến đấu 2, đảo Nam Yết.

Trung úy Vũ Văn Phúc, phường Đại Yên, TP Hạ Long, Phó cụm trưởng cụm chiến đấu 2, đảo Nam Yết, chia sẻ: “Gặp nhau giữa biển Đông này là cái duyên, là tình cảm quý báu và thiêng liêng của những người con Quảng Ninh khi ra Trường Sa làm nhiệm vụ”.

Trung úy Vũ Văn Phúc, phường Đại Yên, TP Hạ Long, Phó cụm trưởng cụm chiến đấu 2, đảo Nam Yết, chia sẻ: “Gặp nhau giữa biển Đông này là cái duyên, là tình cảm quý báu và thiêng liêng của những người con Quảng Ninh khi ra Trường Sa làm nhiệm vụ”.

“Say sóng” ở Trường Sa

Đặt chân lên đảo Sơn Ca tôi may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với Trung tá Hoàng Đức Chiến, quê Vàng Danh, TP Uông Bí, Chính trị viên phó đảo Sơn Ca. Anh là một người con Quảng Ninh đã nhiều lần ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Anh chia sẻ: “Năm 2009, tôi được vinh dự điều chuyển ra đảo Phan Vinh công tác. Năm 2010 lại được ra làm nhiệm vụ tại đảo Đá Đông. Sau đó, tôi lại chuyển về đất liền đi học và về làm trong Lữ đoàn 957, Vùng 4 Hải quân. Tiếp tục đến đầu năm 2018 tôi lại ra đảo Sơn Ca công tác. Đây không phải là lần đầu tiên tôi ra làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Với tôi, biển luôn là nhà. Khát vọng được cầm súng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở ngoài đảo xa luôn cháy bỏng trong tôi”.

“Những người con quê Quảng Ninh làm nhiệm vụ ở Trường Sa không có nhiều đâu. Mỗi đảo may ra có một, hai người. Nếu gặp được nhau là cái duyên đấy”, đó là tâm sự của Trung úy Vũ Văn Phúc, quê ở phường Đại Yên, TP Hạ Long, Phó cụm trưởng Cụm chiến đấu 2, đảo Nam Yết. Ngồi trò chuyện, tâm sự với tôi, anh chia sẻ: “Tính tới thời điểm này, đây đã là lần thứ 9 tôi ra làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Có lẽ, với tôi đó vẫn chưa phải là một quãng thời gian dài đủ để đi được hết 21 đảo tại Trường Sa, nhưng trong thâm tâm, tôi luôn suy nghĩ rằng còn sức khỏe, còn đi được thì mình cũng sẽ vẫn gắn bó, vẫn ra những đảo khác để công tác. Mặc dù đã nhiều năm không được ăn tết ở nhà, nhớ nhà, nhớ quê hương nhưng tôi đã quen, đã “nghiện” tiếng sóng biển rì rào, tiếng gió rít và cái nắng nóng khắc nghiệt ở nơi biển trời này. Có lẽ, tôi đã thực sự “say sóng” ở Trường Sa thật rồi”.

Tâm sự người lính Trường Sa

Được tới với một số đảo tại quần đảo Trường Sa, rất nhiều cảm xúc, những khoảnh khắc đáng nhớ ở nơi các cán bộ, chiến sĩ hải quân đang ngày đêm đối mặt những thử thách khắc nghiệt để gìn giữ, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bình yên cho Tổ quốc đã lưu lại trong tôi. Đó là tình cảm, tình đồng chí gắn bó ở nơi “đón bình minh đầu tiên của Tổ quốc”. Dưới gốc cây bàng vuông xòe tán, tỏa bóng mát, Trung úy Phạm Văn Điển, phường Quảng Yên, TX Quảng Yên, phụ trách hậu cần đảo Sơn Ca, tâm sự: “Tôi đã nhiều lần ra làm nhiệm vụ tại các đảo ở Trường Sa, trải qua rất nhiều kỷ niệm vui buồn và những cảm xúc không thể nào quên trong cuộc đời. Đó là những lần cứu giúp người dân gặp nạn trên biển trong điều kiện sóng to, gió lớn, chúng tôi phải hạ xuồng để có thể tiếp cận, đưa người dân lên tàu an toàn. Đó là những lúc mà tình người được đặt lên trên hết, quên đi hết mọi hiểm nguy đang rình rập để suy nghĩ làm sao cứu được ngư dân và tài sản của họ. Hay như chuyện chia sẻ tình cảm, tình đồng chí, đồng đội với những người có việc hiếu, hỷ tại gia đình. Đó là những lúc rất cần người thân ruột thịt trong gia đình ở bên để cùng chia sẻ, nhưng với những người lính Trường Sa thì đó lại là điều không thể, bởi không thể “dễ đi, dễ về” như trong đất liền được. Những lúc đó, mọi người lại cùng ngồi tâm sự, động viên và chia sẻ với nhau trong tiếng sóng biển rì rào”.

Người lính trẻ Nguyễn Xuân Trường, xã Hồng Thái Tây, thị xã Đông Triều (đi đầu) làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ biển, đảo Nam Yết.

Hiện đang làm nhiệm vụ tại đảo Sơn Ca, Trung tá Đỗ Hồng Thái, TP Móng Cái, may mắn hơn nhiều người khác khi đã đưa được cả gia đình vào sinh sống trong khu đô thị căn cứ Cam Ranh Vùng 4 để xóa bớt đi ranh giới về địa lý. Ngồi trò chuyện với tôi, khi được hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ trong những chuyến công tác trên đảo, anh Thái chia sẻ: “Nhớ trước kia tí nữa thì tôi không thể lấy được bà xã bây giờ. Khoảng thời gian năm 2010-2011, khi lần đầu nhận nhiệm vụ ra đảo Trường Sa lớn công tác, tôi đã hẹn người yêu (vợ bây giờ) bao giờ hết nhiệm vụ sẽ về đi du lịch, nhưng do điều kiện công việc tôi lại phải ở lại thêm 6 tháng ngoài đảo, điều kiện liên lạc lại khó khăn nên bị người yêu dỗi. Lúc đó, ở trên đảo tôi cảm thấy bồn chồn, lo lắng xen lẫn sự nhớ mong. Nhưng là một người lính, tôi quyết tâm ở lại vững tay súng hoàn thành nhiệm vụ rồi mới trở về. Sau đó, qua nhiều lần nói chuyện, giải thích thì người yêu cũng thông cảm. Hoàn thành nhiệm vụ (đợt 1) trở về thì cô ấy lên tận bến xe đón, lúc đó cảm xúc trong tôi không thể diễn tả được thành lời và đó sẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên trong tôi”.

Được tới Trường Sa, ở mỗi đảo nổi hay đảo chìm, tôi đều cảm nhận được tình cảm thiêng liêng và cao quý từ những người lính hải quân giữa biển trời Tổ quốc. Dù là chỉ huy hay chiến sĩ, mỗi người một quê, một tuổi khác nhau, nhưng điều dễ nhận thấy ở họ, đó là tập thể gắn kết tình yêu thương, đùm bọc, đồng cam cộng khổ đúng với ý nghĩa “đảo là nhà - biển cả là quê hương”.

Minh Đức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201902/den-truong-sa-gap-dong-huong-quang-ninh-2423326/