'Đến trường' để làm gì?

1. Chỉ báo tốt nhất về sức khỏe, thịnh vượng và hạnh phúc trong cuộc sống của một người không phải là thành tích học tập mà là số năm người đó được cắp sách đến trường. Đó là phát hiện từ một công trình nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc trường Đại học Columbia về tầm quan trọng và giá trị kinh tế của giáo dục đối với trẻ em tại Hoa Kỳ (1).

Nhà trường không chỉ là nơi giúp học sinh phát triển khả năng trí tuệ, tiếp thu kiến thức, mở rộng tầm nhìn mà còn hình thành nhân cách, xây dựng thang giá trị đạo đức, tạo những cơ sở nền tảng về ý thức cho công dân và biết cách sống xứng đáng với vị trí và danh xưng của hai chữ "làm người". Ảnh: Thành Hoa

Theo khảo sát của các tác giả, thu nhập trung bình của học sinh bỏ học ở bậc trung học là 23.000 đô la Mỹ/năm, còn học sinh tốt nghiệp trung học có thể kiếm nhiều hơn con số này 48%; sinh viên tốt nghiệp cao đẳng kiếm được nhiều hơn 78%, còn sinh viên tốt nghiệp đại học kiếm được nhiều hơn 346% mức nói trên.

Nghiên cứu cũng cho thấy so với những người bỏ học giữa chừng, người đã từng tốt nghiệp trung học sống thọ hơn sáu năm, sức khỏe tốt hơn, nguy cơ dính líu vào hoạt động hình sự ít hơn 10-20% và khả năng sống bám vào trợ cấp xã hội cũng kém hơn từ 20-40%.

Nói cách khác, giáo dục trung học giúp tăng nguồn thu thuế, giảm chi phí y tế công cộng, chi phí xử lý tội phạm và trợ cấp xã hội. Nhờ giáo dục, con người có nhiều hơn cơ hội tăng thu nhập và hưởng những lợi ích vô giá về mặt sức khỏe và hạnh phúc.

Nhưng mục tiêu của giáo dục và học vấn không thể chỉ giới hạn trong góc nhìn kinh tế, bạc tiền hay hưởng thụ. Theo nữ triết gia đương đại người Mỹ Martha Craven Nussbaum, cũng là giáo sư hiện đang dạy môn luật tại Đại học Chicago, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục là phát triển những kỹ năng đánh giá phản biện, giúp cho xã hội có được những công dân biết tư duy với quan điểm tích cực, có khả năng suy nghĩ và phê phán sự vật-hiện tượng trong thế giới đầy phức tạp của con người. Những kỹ năng đó bao gồm khả năng đánh giá phản biện những vấn đề chính trị ảnh hưởng đến cộng đồng, quốc gia và thế giới; khả năng xem xét, suy nghĩ, và tranh luận, liên hệ với lịch sử và truyền thống, đồng thời biết tôn trọng bản thân và người khác; quan tâm đến cuộc sống và phúc lợi của bản thân mình và người khác; khả năng tưởng tượng và nghĩ về điều gì tốt cho riêng mình và cho người khác (2).

Thật vậy, theo nhiều nhà nghiên cứu giáo dục, nhà trường không chỉ là nơi giúp học sinh phát triển khả năng trí tuệ, tiếp thu kiến thức, mở rộng tầm nhìn mà còn hình thành nhân cách, xây dựng thang giá trị đạo đức, tạo những cơ sở nền tảng về ý thức công dân và biết cách sống xứng đáng với vị trí và danh xưng của hai chữ “làm người”.

2. Nhà nghiên cứu giáo dục nổi tiếng người Mỹ Graham Nuthall dành khá nhiều thời gian quan sát các lớp học đã cho rằng có ba thế giới của lớp học trong nhà trường: thế giới công khai (public world) mà giáo viên nhìn thấy và quản lý, thế giới bán riêng tư (semiprivate world) của những quan hệ đồng trang lứa, và thế giới riêng tư (private world) của học sinh. Khoảng 70% những gì xảy ra giữa các học sinh với nhau đều không được người thầy trông thấy hay biết được.

Theo ông Nuthall, lớp học cũng có thể trở nên phức tạp, hỗn độn và lộn xộn đến mức giáo viên không thể theo dõi và kiểm soát. Do đó, vai trò của người thầy trong lớp không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức theo kiểu một chiều mà còn phải có khả năng lắng nghe học sinh, nhìn thấy những mô thức từ các vấn đề phát sinh, dự báo và có những điều chỉnh thích đáng trong quá trình giảng dạy. Chẳng hạn như tình trạng học sinh mặc dù không ngỗ nghịch, chống đối, nhưng lại thờ ơ và không tham gia hay chú tâm vào bài giảng của thầy cô trong lớp.

Như vậy, người thầy phải xây dựng và hình thành cho bản thân mình nhiều kỹ năng để quản lý lớp học. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, trên hết vẫn là sự tin tưởng lẫn nhau giữa thầy và trò.

Sức mạnh của lòng tin trong môi trường giáo dục cũng là đề tài nghiên cứu của hai tác giả Anthony S. Bryk và Barbara Schneider trong suốt bảy năm ròng tại 400 trường tiểu học Mỹ (3). Họ phát hiện ra rằng mức độ tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên trong một cộng đồng trường học (hiệu trưởng, giáo viên, học sinh, phụ huynh) càng cao thì khả năng cải thiện chất lượng kiểm tra thi cử trong trường đó càng lớn.

Các tác giả cũng lý luận rằng sự tín thác lẫn nhau (relational trust) là một yếu tố quan trọng cho quá trình thay đổi tích cực của môi trường giáo dục. Theo các tác giả, khái niệm “tín thác lẫn nhau” muốn nói đến những trao đổi xã hội giữa các cá nhân với nhau được diễn ra trong một cộng đồng trường học (trong lớp học và trong không gian văn phòng làm việc) và dựa vào bốn tiêu chuẩn: (a) Sự tôn trọng, tức là việc công nhận vai trò của từng cá nhân trong quá trình dạy và học; (b) Năng lực trong việc thực hiện vai trò - những khả năng mà một cá nhân có được để đạt được các mục tiêu mong muốn; (c) Sự kính trọng cá nhân đối với người khác - cảm nhận đối với một người đã thực hiện nhiều hơn vai trò của mình khi quan tâm chăm sóc người khác; (d) Tính chính trực - sự nhất quán giữa lời nói và việc làm của một cá nhân nào đó.

3. “Một quyển sách, một cây viết, một đứa trẻ, và một người thầy có thể thay đổi thế giới” (4). Câu nói đơn sơ nhưng có ý nghĩa sâu sắc về vai trò của giáo dục mà tôi tình cờ đọc được trên mạng này không phải của nhà lãnh đạo hay hiền triết cao siêu nào mà là của Malala Yousafzai, một cô gái trẻ người Pakistan đã được nhận giải Nobel Hòa bình khi mới có 17 tuổi. Cô được cả thế giới biết đến với những nỗ lực vận động cho quyền con người, đặc biệt là giáo dục cho phụ nữ và trẻ em tại thung lũng Swat quê hương ở Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan, nơi mà phiến quân Hồi giáo Taliban đã ra chính sách cấm phụ nữ đi học. Câu nói của Malala và câu chuyện về cô đã cho tôi nguồn cảm hứng và sinh lực mới, bỏ lại đằng sau những cảm xúc ngậm ngùi của một doanh nhân - nhà giáo bất đắc dĩ “đã mang lấy nghiệp vào thân” nơi đất khách quê người (5).

Sau khi chia tay ngành ngân hàng để tự thân lập nghiệp, tôi đã phải vừa học vừa làm và lăn lóc với đủ nghề, từ tiếp thị đến bán hàng, tư vấn bảo hiểm, bất động sản... Nhưng trong suốt hơn mười năm qua, công việc ổn định và chiếm nhiều thời gian lẫn cả tâm trí của tôi nhất lại là dạy học. Tuy thu nhập từ nghề giáo không hấp dẫn so với nhiều hoạt động dịch vụ hay tư vấn khác, nhưng tôi lại có cơ hội làm việc trong một môi trường khá lành mạnh, ít bon chen, toan tính hay vụ lợi. Trường quốc tế nơi tôi cộng tác luôn quan tâm đến việc hỗ trợ và nâng cao kiến thức kỹ năng của đội ngũ giáo viên, và mặc dù là một giáo viên bán thời gian, tôi vẫn được hưởng đầy đủ các phúc lợi về đào tạo theo chính sách của trường. Nghề giáo bắt tôi phải luôn học hỏi, tìm tòi, đón nhận cái mới và biết cách tự thay đổi để phù hợp với những đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn giảng dạy và yêu cầu của nhà trường.

Không rõ trên vị trí của một người thầy, tôi đã có thể làm thay đổi thế giới như tuyên bố nói trên của Malala hay không. Nhưng thế giới chúng ta đang sống là một thực thể sinh động và biến đổi từng ngày từng giờ. Những góc nhìn của bản thân tôi về sự tồn tại, về giá trị cuộc sống cũng đã thay đổi, chín chắn và chừng mực hơn so với trước - có lẽ cũng nhờ hàng ngày tôi được “đến trường” và đắm mình trong môi trường sư phạm.

Đằng sau những lo toan của cuộc sống thường nhật nơi đất lạ quê người, tôi vẫn luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi: “Ý nghĩa của cuộc sống này là gì?” và “Tại sao ta lại có mặt ở hòn đảo nóng nực quanh năm này trong hơn hai thập kỷ qua?”. Tôi vẫn thỉnh thoảng chia sẻ những suy nghĩ đó với học sinh Việt Nam của mình qua các bài giảng trên lớp. Nhờ có học sinh Việt Nam sang Singapore du học mà tôi đã trở thành nhà giáo, nhờ có các em mà tôi có một công việc thú vị.

(Viết nhân Ngày nhà giáo Singapore 31-8 và Khai giảng năm học mới 5-9 tại Việt Nam).

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

(1) Levin, Belfield, Muennig, and Rouse (2006). The costs and benefits of an excellent education for all America’s children, New York: Teacher College, Columbia University.

(2) Not for Profit: Why Democracy Needs the Humanities. Princeton, NJ: Princeton University Press

(3) Trust in schools: A core resource for improvement. New York: Russell Sage Foundation

(4) “One book, one pen, one child, and one teacher can change the world.”

(5) “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” (Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Lê Hữu Huy (*)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278072/den-truong-de-lam-gi-.html