Đến trang trại Đồng quê Ba Vì... làm 'mồi' cho côn trùng cắn

Sau hơn một tuần, toàn bộ cơ thể chị Thủy và các thành viên trong gia đình vẫn ngứa ngáy, khó chịu, đều đặn sáng và tối vẫn phải bôi thuốc chống ngứa, chống nhiễm trùng máu. Giá như người hướng dẫn viên hôm đó biết đưa ra lời cảnh báo thì sự việc đâu đến nỗi.

Đã lâu mấy gia đình không có dịp tụ tập với nhau nên chủ nhật này vợ chồng chị Thủy và hai gia đình khác thống nhất sẽ cho con cái đi chơi khu vực Ba Vì, Hà Nội. Tinh thần thế là xong, địa điểm các gia đình ủy quyền cho chị lựa chọn, miễn sao lạ một chút, nhất là bọn trẻ phải vui.

Mấy khu du lịch như Ao Vua, Khoang Xanh hay Đầm Long đều đi hết rồi, duy chỉ có mô hình du lịch sinh thái gần gũi với thiên nhiên là chưa có gia đình nào được trải nghiệm. Lên mạng, tìm lên tìm xuống, cuối cùng chị Thủy thấy một khu du lịch sinh thái với đầy đủ tiêu chí cần thiết như có nơi nuôi bò sữa, nuôi đà điểu, cá…

Chỗ này vừa có chỗ cho các con chơi, lại có bếp ăn để đánh chén ngay tại trang trại, tiện đôi đường. Vậy là lại điện thoại cho hai gia đình kia, chốt địa điểm lần cuối.

Đoàn có nhiều trẻ nhỏ nhưng người hướng dẫn viên (đứng thứ hai) không đưa ra lời cảnh báo nơi nuôi đà điểu có nhiều côn trùng nhỏ. ẢNH: GIA BẢO

Ngày chủ nhật cũng đến, ba gia đình, ba cặp vợ chồng với 8 trẻ nhỏ hào hứng lên đường. Trên xe, đám trẻ vui vẻ mường tượng ra nơi mình đến khiến người lớn cũng vui lây. Địa điểm mà cả đoàn có mặt là trang trại Đồng quê Ba Vì ở xã Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội, nằm cách cổng vào của Vườn Quốc gia Ba Vì vài chục mét. Chúng gồm hai khu biệt lập đối diện nhau.

Tại khu đón tiếp, mọi người cùng thắc mắc trang trại sao bé vậy, hay còn phải vượt qua con dốc cao bám vào sườn núi mới lên được? Nhìn khung cảnh rừng núi bảng lảng trong sương chiều ai cũng thấy lòng thư thái. Sau một hồi làm việc với nhân viên đón tiếp, các thành viên quyết định lựa chọn tua thăm trại nuôi bò sữa và nuôi đà điểu. 600.000 đồng tiền tham quan cho cả đoàn được đóng trước.

Tưởng hai khu chăn nuôi này nằm ngay bên kia đường. Nhưng không, một nam thanh niên mặc áo tím kêu mọi người lên xe vì nơi cần đến còn cách khu đón tiếp khoảng hai cây số nữa. Người lớn, trẻ nhỏ lại háo hức lên đường.

Băng qua con đường bê tông với khá nhiều khúc cua, rồi vượt qua những vạt cỏ gianh, cỏ voi vốn chuyên dùng để cho bò ăn, cuối cùng mọi người cũng tới được nơi nuôi bò sữa. Nhưng khung cảnh không bao la, không san sát hồ cá, chuồng nuôi gia súc, gia cầm như mọi người tưởng tượng.

Khu nuôi bò nằm liền kề khuôn viên một gia đình, bước vào khoảng sân là nồng nặc mùi phân bò, còn phân gà vương đầy nền gạch. Thấy đám trẻ vừa kêu, vừa lấy tay bịt mũi. Một người đàn ông trung niên đang tắm cho bò sẵng giọng: “Bò tắm ngày ba lần đấy, người có tắm được như thế không?”. Hóa ra, người đàn ông này tưởng mọi người chê bò của mình.

Bao câu hỏi về cách bác nông dân nuôi bò sữa như thế nào, sữa bò các con uống hàng ngày được thu hoạch rồi chế biến ra sao của bọn trẻ như tan theo thái độ đón khách của chủ trại bò. Chỉ có hai người lớn đi theo hướng dẫn viên vào phía sau khu nuôi bò.

Đến đây, mọi người mới hiểu ra mô hình được quảng cáo là trang trại chỉ là sự liên kết giữa bên làm du lịch với các chủ chăn nuôi đơn lẻ, khác hẳn những gì họ quảng cáo. Bảo sao, thái độ tiếp khách của chủ nhà không giống người làm du lịch chuyên nghiệp.

Sau khu nuôi bò sữa, hướng dẫn viên lại đưa cả đoàn vượt hai cây số nữa, men theo con đường bê tông chỉ đủ một xe ô tô đi để tới khu nuôi đà điểu. Trang trại gây tò mò cho cả đoàn bởi sự hiện diện của hàng chục đà điểu cao lênh khênh nhưng rất hiền, chúng liên tục chạy qua, chạy lại tạo ra những đám bụi mù mịt khiến đám trẻ thích thú. Theo giới thiệu của hướng dẫn viên, khu này do một ông chủ chuyên môn đứng ra nhận bao tiêu thịt và trứng đà điểu cho cả một khu vực rộng lớn của Ba Vì và Sơn Tây.

Mọi chuyện sẽ không có gì để nói, nếu như lúc ra về hai thành viên trong đoàn phát hiện khắp người mình và các thành viên khác bị lũ côn trùng màu đen bé li ti bám vào, nhất là với những ai mặc quần áo cộc.

Chúng nhanh chóng đốt và hút máu người, khi bị đuổi thì lì lợm không chịu đi hoặc nhẩy tanh tách từ vị trí cơ thể này sang vị trí khác. Chỉ ít phút, chân, tay vợ chồng chị Thủy cùng hai đứa con đã nổi đầy những nốt bị bọ đốt gây ngứa ngáy khó chịu. Tối đến, những nốt này sưng to hơn, có nốt mọng nước to gần bằng ngón tay út. Rồi sáng hôm sau, toàn thân các thành viên trong gia đình xuất hiện ngày càng nhiều các nốt đỏ.

Tại BV Da liễu Hà Nội, khám cho cả nhà, TS. Nguyễn Minh Quang, PGĐ BV giải thích: Thủ phạm gây nên sự khó chịu này chắc chắn là đám côn trùng nhỏ li ti kia, việc cả gia đình đặc kín những vết đốt còn có dấu hiệu của việc nhiễm trùng máu. Nhiều bệnh nhân cũng đến gặp bác sĩ và than thở thấy xuất hiện các nốt này sau khi đi du lịch ở nơi nuôi đà điểu.

Đến lúc này, chị Thủy mới nhớ lại, khi cả đoàn dừng chân mua măng của những người bán rong ven đường, thấy chị gãi tay, một người bán hàng chỉ hỏi bâng quơ: “Cô vừa ở chỗ nuôi đà điểu ra à?”, đoạn cười tủm tỉm.

Mặc dù được bác sĩ kê toa cho mua cả thuốc uống chống nhiễm trùng máu và thuốc bôi ngoài chống ngứa nhưng sau hơn một tuần trên người bốn thành viên gia đình chị Thủy vẫn còn tồn tại hàng chục nốt mọng nước, hễ không bôi thuốc là chúng lại gây ngứa ngáy rất khó chịu.

Nếu như người hướng dẫn viên hôm đó có trách nhiệm hơn, chịu để ý những đoàn khách trước để đưa ra lời cảnh báo cho các đoàn khách sau thì đâu đến nỗi. Việc tưởng nhỏ nhưng gây ra hậu quả lớn vừa khiến chị và gia đình tốn thêm thời gian và kinh phí khám bệnh, vừa mang theo lo lắng về sức khỏe lâu dài.

Chắc từ lần sau chị và các thành viên trong đoàn sẽ phải nói không với hình thức du lịch sinh thái kiểu nửa vời này.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/den-trang-trai-dong-que-ba-vi-lam-moi-cho-con-trung-can-106900.html