Đến Tốt Động hiểu thêm về kế nghi binh của nghĩa quân Lam Sơn

Những câu thơ trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi để nói về chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn: 'Ninh Kiều máu chảy thành sông tanh trôi vạn dặm/ Tốt Động thây chất đầy nội nhơ để ngàn năm' mãi nhắc nhớ hậu thế mãi về trận Tốt Động - Chúc Động.

Đình Tốt Động ở xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đình Tốt Động ở xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khi cuộc kháng Minh của Nhân dân ta đang vào hồi kết, thế và lực đã nghiêng hẳn về nghĩa quân Lam Sơn với những cuộc vây thành, bức hàng khiến quân Minh lâm vào thế chia cắt bị động không ứng cứu cho nhau được.

Trước tình thế ấy, tháng 10 năm 1426, vua Minh buộc phải phong cho Thái tử hoài vương hầu Vương Thông chức Chinh Di tướng quân, mang 5 vạn quân và 5 ngàn con ngựa cùng Thượng thư Bộ binh Trần Hiệp và Tham tướng Mã Anh sang Đại Việt ứng cứu.

Khi đến Đông Quan, Vương Thông lập tức cách chức một loạt tướng cũ, thành lập bộ chỉ huy mới, cùng với Sơn Thọ, Mã Kỳ, Phương Chính, Trần Hiệp, Lý Lượng... tổ chức một cuộc hành quân bão táp với tất cả hơn 100.000 quân., “dài đến mười dặm, mũ giáp lòa trời, cờ tàn rợp nội, tự cho là đánh một trận có thể quét sạch quân ta” (Lam Sơn thực lục).

Quân Minh chia quân làm hai mũi tiến công. Mũi chính do đích thân Vương Thông chỉ huy hành quân từ Đông Quan qua Tốt Động, vòng lên đánh úp bản doanh nghĩa quân Lam Sơn đang ẩn náu trên vùng Cao Bộ (thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay). Hiệu lệnh hiệp đồng là “khi nào có súng hiệu là hai bên đánh thế gọng kìm vào quân ta” (Việt sử toàn thư, do sử gia Phạm Văn Sơn biên soạn năm 1960).

Về phía nghĩa quân Lam Sơn, theo “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, cánh quân của Lý Triện, Đỗ Bí khi mới tiến ra Bắc có 3.000 quân, sau đấy chia 1.000 cho Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả đi chặn đánh cánh quân Vân Nam của nhà Minh. Thời gian từ ngày 12-8 âm lịch đến trước trận đánh vào ngày 6-10 âm lịch đủ để Lý Triện tuyển mộ thêm dân quân. Trong ngày 7-10, Đinh Lễ đem thêm 3.000 quân đến tăng viện. Do đó, tổng số quân Lam Sơn tại Tốt Động - Chúc Động có thể đạt tới là 5.000 quân cộng với 3.000 - 5.000 dân phu mộ tại chỗ, tức khoảng 8.000 - 10.000 người tất cả.

Đoán được âm mưu của giặc, nghĩa quân Lam Sơn đã bố trí tại Tốt Động một trận địa phục kích chờ giặc tới.

Về trận Tốt Động, sử sách ghi có nhiều chỗ khác nhau về địa danh như Tụy Động, Tuy Động, Tốt Động... Tuy nhiên các địa danh ấy chỉ là một. Đó là một xã cách Hà Nội 25 km về phía Tây Nam. Thời ấy nơi đây là một đầm lầy “ngập tràn lau lách”. Nhờ khôn khéo chọn địa hình có lợi và bố trí lực lượng hợp lý, đặc biệt là “tương kế tựu kế”, theo phương châm lấy ít địch nhiều, mai phục nhử quân địch đến, tập trung đánh dập đầu tiền quân của chính binh địch. Đúng như dự kiến, rạng sáng ngày 7-11-1426, Vương Thông cho đại quân xuất phát. Theo kế hoạch đã thống nhất, về phía nghĩa quân Lam Sơn, nghe thấy pháo lệnh thì “vẫn nằm im không được nhúc nhích”. Địch càng chủ quan cho rằng kế hoạch của chúng hoàn toàn bí mật và sẽ đánh úp được nghĩa quân. Trong lúc ở cả hai nơi Tốt Động và Chúc Động, trời mưa càng làm cho khu vực giao chiến đã lầy lội lại càng khó đi; người, ngựa đều bị sa lầy trên cánh đồng. Khi cả hai đạo quân của địch đã lọt vào giữa trận địa mai phục, lực lượng ta mai phục ở các vị trí đồng loạt xông ra đánh quyết liệt. Địch hoảng loạn, không kịp trở tay đối phó, giẫm đạp lên nhau tháo chạy. Bị đánh bất ngờ, hơn 5 vạn quân địch chết tại trận, hơn 1 vạn quân bị bắt sống. Thượng thư Trần Hiệp và Nội quan Lý Lượng bị giết tại trận. Một bộ phận quân địch chạy về phía sông Ninh để về Đông Quan bị “chết đuối rất nhiều, nước sông Ninh Kiều do vậy mà tắc nghẽn”. Vương Thông bị trọng thương phải bỏ chạy về Đông Quan đóng cửa thành viết thư cầu viện binh.

Trận Tốt Động có ý nghĩa mang tầm chiến lược, buộc nhà Minh phải điều Liễu Thăng và Mộc Thạnh mang 12 vạn quân sang cứu nguy, để rồi cả hai đạo quân này đều bị đánh bại trong chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang nổi tiếng năm 1427, khiến Vương Thông không còn đường nào khác phải chấp nhận đầu hàng, kết thúc 10 năm kháng chiến gian khổ của Nhân dân ta.

Sách Đại Việt thông sử viết rằng: “Người trong nước còn sợ oai giặc Ngô, chưa quy phục nhà vua hết thảy. Từ sau chiến thắng Tốt Động quân ta bèn vây Đông Đô. Sĩ dân ở các phủ huyện hưởng ứng rầm rộ. Những người hào kiệt trí dũng theo về như đi chợ. Thành trì giặc các nơi lần lượt bị phá hoặc xin hàng, mà 3 tướng nhà Minh phải đóng cửa thành tử thủ, thế cùng bức bách phải xin hòa. Trong khoảng một năm, cả nước được bình định. Đó đều là công của bọn các ông Lê Lễ, Lê Triện”...

Đây là trận quyết chiến, một trong những thắng lợi quyết định toàn cục của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Trận đánh này đã làm cho tên tuổi của Lê Triện (tức Lý Triện), Lê Lễ (tức Đinh Lễ) nổi danh, sử gia Ngô Sĩ Liên cho rằng “tướng giỏi thời ấy thì Lễ và Triện đứng đầu”.

Nhắc đến trận chiến quan trọng này cách đây gần 600 năm, không thể không nhắc tới địa danh Tốt Động (xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ở xã Tốt Động hiện nay có 3 di tích lịch sử đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng và công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1990 và 1998, đó là: đình Văn chỉ Tốt Động, đình Yên Duyệt và mộ Lý Triện. Theo lịch sử ghi chép lại những danh tướng của nghĩa quân Lam Sơn là: Đỗ Bí, Lý Triện, Lê Ngân và Phạm Văn Xảo đã có công diệt trên 6 vạn quân Minh, bẻ gãy cuộc phản công do Vương Thông chỉ huy ngay trên vùng đất sình lầy của xã Tốt Động. Tưởng nhớ công lao to lớn đó, Nhân dân 2 làng Tốt Động và Yên Duyệt đã tôn thờ các vị tướng là Thành hoàng làng. Trong đó, đình Tốt Động được xây vào khoảng năm 1437 - 1460, thờ 2 danh tướng Lê Ngân và Đỗ Bí. Đình Yên Duyệt thờ tướng Lý Triện.

Trên đất Tốt Động hôm nay, có thể nói nơi nào cũng chứa đựng những câu chuyện về nghĩa quân Lam Sơn. Ngoài đình Tốt Động, còn có Đồng Gàn - nơi bắn pháo hiệu của Bộ Chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn; gò Trống, gò Kèn - nơi phát lệnh thúc quân; gò Đồng Giả là nơi nghĩa quân dựng bản doanh giả nhử địch vào tử địa; đồng Vỡ là nơi quân giặc bị vỡ trận như ong vỡ tổ; Đồng Gạo là nơi Nhân dân cất giữ lương thảo thu được của giặc; bãi Mả Dù - mồ chôn thây giặc chết trận Ninh Kiều; bãi Ma Hè - mồ chôn giặc chết trận Tốt Động; Đồng Mồ - theo sách chỉ của nhà vua, sau trận chiến Nhân dân đã thu dọn hài cốt của giặc Minh chết trận đem chôn ở gò cao và xây tường bao chung quanh... Vào những ngày mùa thu này, Lễ hội Lam Kinh 2022 kỷ niệm 604 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, nhắc lại chiến thắng Tốt Động - Chúc Động oanh liệt là thêm một lần khẳng định sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn.

Bài và ảnh: Chi Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/den-tot-dong-hieu-them-ve-ke-nghi-binh-cua-nghia-quan-lam-son/25105.htm